Ồ ạt phân lô bán sào
Tình trạng phân lô, bán sào đang diễn ra ồ ạt trên hàng trăm hécta đất nông nghiệp tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) trong suốt gần một năm qua. Lợi dụng quy định diện tích từ 1.000m2 đất nông nghiệp được tách thửa nên nhiều cá nhân, tổ chức có dấu hiệu câu kết, hùn tiền, gom đất nông nghiệp với diện tích lớn phân lô, bán sào để trục lợi.
Từ cổng chào ấp 6, xã Sông Trầu đi vào hơn 1km, chúng tôi theo con đường nhựa mới làm chạy vào các vườn rẫy trồng điều và hoàn toàn không có nhà dân. Trên các thân cây dọc 2 bên đường la liệt những biển quảng cáo như: bán đất sào 5mx20m (có 90m2 thổ cư) giá 1,5 tỷ đồng, sổ hồng riêng; đất sào 1,8 tỷ đồng/1.000m2… Đi tiếp một đoạn khoảng 100m, chúng tôi đến ngã ba có bảng chỉ dẫn bên phải là đường Sông Trầu 17A và án ngữ là một căn nhà nhỏ mới xây, lợp tôn giống như một điểm giao dịch của chủ đất. Tại đây, la liệt đất đã được phân lô (nhỏ nhất 1.000m2), đóng cọc bê tông làm mốc, các nền đất được rào lại bằng lưới thép.
“Cò đất” tên Đ. đưa chúng tôi xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất số 690, tờ bản đồ số 27, có diện tích 1.511,5m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, ra giá 2,65 tỷ đồng. Nếu đồng ý mua phải đặt cọc 50-100 triệu đồng để “giữ chỗ”, chồng đủ tiền sẽ công chứng, sang tên. Cách đó chừng 500m, gần một vườn điều, giá mỗi sào đất cũng được rao bán 1,6-1,7 tỷ đồng, các “cò đất” nói, toàn bộ diện tích đều được tách thửa, có sổ hồng và đủ điều kiện lên thổ cư, phù hợp với quy định...
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu, thừa nhận, tình trạng phân lô, bán sào đất nông nghiệp khá phổ biến ở khu vực ấp 6, xã Sông Trầu đi vào khu dân cư Phú An Lành do vừa có đường nhựa đi qua.
Anh P.C. (người dân xã Sông Trầu) bức xúc: “Đường số 17 đi qua trung tâm ấp 6, xã Sông Trầu nối qua xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) dài khoảng 2km có từ mấy chục năm nay, 2 bên đường người dân sinh sống và buôn bán đông đúc. Đến nay, đây vẫn là đường sỏi đá lởm chởm, mùa nắng thì bụi tung mù mịt, khi mưa thì sình lầy khó đi. Người dân kiến nghị đổ nhựa, nâng cấp đường để đi lại thuận tiện, nhất là học sinh đến trường, nhưng chính quyền địa phương không làm. Tuy nhiên, UBND huyện Trảng Bom lại mở đường ấp 6 (rộng khoảng 6m, dài 1,5km) có mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng đi vào khu vực đất rẫy, không có dân cư sinh sống, khiến người dân vô cùng bức xúc”. Theo nhiều người dân, từ khi đường ấp 6 được mở, tình trạng phân lô, bán sào đất nông nghiệp rầm rộ, nhiều cá nhân, tổ chức nhờ đó đầu cơ trục lợi.
Ngang nhiên xây dựng trái phép
Nếu tại xã Sông Trầu bát nháo phân lô đất nông nghiệp, thì tại xã Long An (Long Thành, Đồng Nai) là tình trạng xây dựng trái phép. Điển hình là trường hợp của ông Thái Xuân Thống (66 tuổi, ở khu 12, xã Long Đức, huyện Long Thành). Năm 2007, ông Thống sang nhượng lại một phần thửa đất số 88, tờ bản đồ số 37, diện tích 1.322m2 cho bà Phạm Khánh Tâm (tên cũ là Phạm Thị Phê) và được UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 5-2-2007 (thửa đất số 194, tờ bản đồ 37, số hiệu AH 250329). Vì bận việc kinh doanh nên năm 2010, bà Tâm nhờ ông Nguyễn Tấn Biên (cán bộ địa chính xã Long An) đứng ra làm hồ sơ để đổi sang sổ hồng. Nhưng sau đó, do ông Biên không hoàn tất được hồ sơ ra sổ hồng như cam kết nên gia đình bà Tâm lấy lại hồ sơ nộp cho Phòng TN-MT huyện.
Thế nhưng, khi cùng các cán bộ của Phòng TN-MT và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Long Thành xuống đo đạc thì bà Tâm mới tá hỏa, vì đất đã bị san ủi, hình thành con đường đất lớn, cắt ngang thửa đất làm 2 mà bà không hề hay biết. Đáng nói, trên đất đã hình thành một căn nhà bán kiên cố đang xây dựng dở dang do một người tên D.V.Q. thực hiện. Người nhà bà Tâm đã liên hệ công an địa phương can thiệp, mời đối tượng xây dựng nhà trái phép lên đối chất làm rõ, nhưng đối tượng không đến. Hiện bà Tâm đã làm đơn tố cáo, kêu cứu khẩn cấp đến UBND huyện Long Thành và Cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai về việc đối tượng D.V.Q. lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất của gia đình bà.
Trước bức xúc của bà Phạm Khánh Tâm, ngày 25-10-2022, UBND xã Long An đã ra quyết định cưỡng chế công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Phạm Thị Thủy Trang, Chủ tịch UBND xã Long An, cho biết, về mặt pháp lý, thửa đất số 194, tờ bản đồ số 37 cho đến nay vẫn thuộc về bà Phạm Khánh Tâm. UBND xã chưa nhận được hồ sơ tự khai về nguồn gốc sử dụng đất của ông D.V.Q. Trong báo cáo gửi UBND huyện Long Thành, UBND xã Long An đã nêu rõ: Thửa đất số 194, tờ bản đồ số 37 được cắt ra một phần thửa đất số 88 và ngày 5-2-2007, bà Phạm Thị Phê được UBND huyện Long Thành công nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH250329, đến ngày 26-3-2009 được đính chính họ tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành Phạm Khánh Tâm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bat-nhao-phan-lo-ban-sao-xay-dung-trai-phep-a207415.html