Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh

Trong thời gian qua, không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam đã và đang theo mô hình phát triển bền vững và bao trùm thay vì tăng trưởng kinh tế đơn thuần, hiện nay, người tiêu dùng đã chấp nhận chi phí cao hơn để có sản phẩm sạch.

Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, và công nghiệp hóa, trong khi còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang cách tiếp cận đa chiều, hiện đại, kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Những năm qua, Việt Nam đã rất chủ động đề ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050. Ngoài 2 ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Nhưng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm là quá trình không hề dễ dàng và bước đầu đòi hỏi chi phí không nhỏ và ảnh hưởng ngay tới lợi ích trước mắt.

ptbenvungvn2-41a8b-1676454505.jpg Tăng trưởng xanh yếu tố sống còn để bảo đảm một tương lai bền vững. Ảnh minh họa

Chỉ ra cách làm và hướng đi cho tăng trưởng xanh, GS. Tomonori Sudo đến từ Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương khẳng định: Tăng trưởng xanh là yếu tố sống còn để bảo đảm một tương lai bền vững hơn và có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lớn theo thời gian.

Tăng trưởng xanh về mặt lý thuyết là lý tưởng và khả thi. Tăng trưởng xanh không chỉ là bảo vệ môi trường, mà là sử dụng môi trường bền vững cho tăng trưởng kinh tế và xã hội. Đó là hướng tới mục tiêu tăng trưởng vốn kinh tế và xã hội đồng thời bảo đảm tăng trưởng vốn môi trường.

Do đó, cần có một chương trình nghị sự chính sách song hành để hướng dẫn hành động quốc gia và quốc tế về tăng trưởng xanh ở các nước đang phát triển. Các lĩnh vực chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam gồm công nghiệp và dịch vụ, điện gió, sinh khối, chia sẻ năng lượng mặt trời, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, canh tác hữu cơ, ủ phân hữu cơ, thủy điện nhỏ, kiến trúc bằng gỗ...

"Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Có một số lĩnh vực dẫn đến tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Chỉ có một số nước phát triển đang có những hành động thiết thực trong lĩnh vực này. Ngược lại, các nước đang phát triển như Việt Nam có vị thế tốt để dẫn đầu tăng trưởng xanh. Dù đã có nhiều thảo luận về tăng trưởng xanh nhưng vẫn cần nâng cao nhận thức và giáo dục để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Một số thử nghiệm xã hội có thể hiệu quả để nhận ra giá trị của tăng trưởng xanh", chuyên gia khuyến nghị.

Còn theo ông Kazuo Kusakabe, Trưởng đại diện Toshiba Châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng tại Hà Nội chia sẻ, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon như Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cần đầu tư rất lớn khoảng 600 tỷ USD để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là một khoản vốn rất lớn mà Chính phủ Việt Nam hay các ngân hàng, các tổ chức định chế tài chính không đủ để cung cấp. Những sự chậm trễ trong phê duyệt các dự án hạ tầng lớn cần phải được cải thiện, các nguồn vốn cần đc khơi thông, để không ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện cam kết "net zero" vào năm 2050. Việt Nam cần có hành động nhanh chóng để thực hiện mục tiêu này.

Đồng quan điểm, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho hay: Ở Việt Nam, không chỉ là Chính phủ cam kết mạnh mẽ và đưa ra chương trình hành động mà từ nhiều năm nay có nhiều doanh nghiệp đã hướng tới tăng trưởng bền vững, thực hiện kinh tế tuần hoàn. VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp bền vững hàng năm có giải thưởng vinh danh doanh nghiệp phát triển bền vững. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp đạt được giải thưởng này, những doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn và theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh đều đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên TS.Võ Trí Thành nhận xét, số doanh nghiệp này còn ít và phong trào vì sự phát triển bền vững còn ít và chưa mang tính đại diện.

Vì vậy để “xanh hóa”, để bền vững, cần phải thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn và phải nâng cao năng lực thể chế, quy định chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Trong đó cần có hệ thống tiêu chí phân loại xanh, có cơ chế thử nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, những yếu tố sản xuất, tiêu dùng, lối sống, cơ chế chính sách xanh không thể tách khỏi chuyển đổi xanh để mang lại giá trị gia tăng trong tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ nền "kinh tế tuyến tính" sang nền "kinh tế tuần hoàn"... ngoài cơ chế chính sách của Chính phủ có những ưu đãi nhất định thì mỗi địa phương nên có những bộ tiêu chí tăng trưởng xanh đa dạng kênh thu hút nguồn lực – TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/viet-nam-co-du-tiem-nang-de-phat-trien-theo-huong-tang-truong-xanh-a207421.html