Thị trường LNG sau hết khan hiếm vẫn đầy rủi ro

Mặc dù có thể vẫn khan hiếm trong vài năm, nhưng thị trường LNG toàn cầu sẽ chứng kiến làn sóng các dự án xuất khẩu LNG mới đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025 – 2027, dẫn tới khả năng mất cân đối cung cầu và rủi ro tài chính cho các nhà cung cấp và kinh doanh LNG.

Cuộc khủng hoảng từ xung đột Nga - Ukraine đã bộc lộ những rủi ro tài chính dài hạn trong toàn bộ chuỗi giá trị khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), theo Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) trong báo cáo mới nhất.

Vào năm 2022, giá giao ngay cao và sự gián đoạn nguồn cung đã khiến LNG trở thành nguồn nhiên liệu đắt đỏ và không đáng tin cậy, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng nhu cầu tại các thị trường trọng điểm.

Khi một lượng lớn nguồn cung mới gia nhập thị trường bắt đầu từ giữa năm 2025, tình trạng dư cung có thể xảy ra, làm tăng rủi ro tài chính và giá cả cho các nhà xuất khẩu và kinh doanh LNG, báo cáo nhấn mạnh.

Cụ thể, nguồn cung LNG toàn cầu có thể sẽ tiếp tục bị thắt chặt cho đến năm 2025, dẫn đến sự hạn chế tăng trưởng nhu cầu đối với loại nhiên liệu này tại các thị trường nhập khẩu chính của châu Á,

Trong khi đó, tại châu Âu, nhu cầu LNG có thể vẫn lớn trong ngắn hạn, nhưng sẽ giảm vào năm 2030, khi các chính sách an ninh năng lượng và khử carbon của châu lục này có hiệu lực.

Không chỉ vậy, làn sóng các dự án xuất khẩu LNG mới sẽ đi vào hoạt động ở cuối thập kỷ này có thể tạo ra sự chênh lệch giữa cung và cầu, làm tăng rủi ro tài chính cho các nhà cung cấp và kinh doanh LNG.

Cụ thể hơn, báo cáo nhận định sự hỗn loạn của thị trường LNG năm ngoái – đặc trưng bởi giá cao kỷ lục và nguồn cung không đáng tin cậy – đã làm suy yếu tăng trưởng của nhu cầu LNG dài hạn ở cả châu Âu và châu Á.

Năm 2022, các nước châu Âu tăng nhập khẩu LNG thêm 60% để bù đắp cho sự suy giảm trong lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống từ Nga. Nhu cầu LNG tăng cao của khu vực này đã đẩy giá giao ngay toàn cầu lên mức cao nhất lịch sử, buộc những khách hàng đến từ châu Á vốn phải cân nhắc nhiều về giá cả đã phải cắt giảm lượng mua LNG, và cắt giảm kế hoạch nhập khẩu LNG mới.

Đơn cử, Trung Quốc đã cắt giảm 20% lượng mua LNG năm ngoái do các nguyên nhân như giá cao, giãn cách vì Covid-19, và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Giá LNG cao đã đẩy những khách hàng mua khí đốt của nước này phụ thuộc nhiều hơn vào khai thác trong nước và nhập khẩu qua đường ống.

Trong khi đó, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan đã cắt giảm tổng cộng 16% nhu cầu LNG vào năm ngoái. Những lo ngại về an ninh nhiên liệu, giá cao so với khả năng chi trả, nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiệt nhanh chóng, và sự suy giảm nhu cầu có thể hạn chế nhập khẩu LNG của khu vực này trong trung hạn.

Với khu vực Đông Nam Á, những khách hàng tại đây đã phải đối mặt với những thách thức từ giá bán cao đến hạn chế về cơ sở hạ tầng. Các hợp đồng LNG dài hạn, trong đó bao gồm điều khoản giao hàng trước năm 2026 được cho là đã được ký kết hết trên toàn cầu, đã khiến các nước Đông Nam Á phải tham gia vào thị trường giao ngay – nơi họ buộc phải mua LNG với giá rất đắt.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, giá LNG cao đã thúc đẩy sự hồi sinh của sản xuất điện hạt nhân, và điều này có thể làm giảm nhu cầu khí đốt của ngành điện.

Tại Đài Loan, sự chậm trễ liên tục của các kho cảng nhập khẩu và những khó khăn tài chính của các công ty điện lực nhà nước có thể hạn chế sự gia tăng nhanh chóng trong nhập khẩu LNG.

Báo cáo dự báo nhu cầu LNG của châu Âu có thể vẫn tăng trưởng mạnh vào năm 2023, nhưng có thể sẽ giảm trong các năm tới, bởi các chính sách an ninh năng lượng và khí hậu của EU sẽ cắt giảm ít nhất 40% nhu cầu khí đốt cho đến năm 2030.

Mặc dù các kho cảng LNG mới có thể tăng 1/3 công suất nhập khẩu của lục địa này kể từ năm 2024, các mục tiêu chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng của châu Âu đồng nghĩa rằng phần lớn công suất mới có thể vẫn chưa được sử dụng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thi-truong-lng-sau-het-khan-hiem-van-day-rui-ro-a208302.html