10 địa phương xin bổ sung vào quy hoạch
Liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa có báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác về nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự; nghiên cứu đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, Bộ đã nhận được đề xuất của 10 địa phương kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh.
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức làm việc với các địa phương có kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không; đánh giá sơ bộ khả năng hình thành cảng hàng không tại các địa phương.
Qua rà soát, trong số 10 vị trí được các địa phương đề xuất, có 2/10 vị trí cảng hàng không tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang không khả thi khi bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay do địa hình hiểm trở, tuy nhiên các đơn vị đề xuất địa phương có thể nghiên cứu ở vị trí khác khả thi hơn.
Có 8/10 vị trí có khả năng bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay, tuy nhiên phần lớn có sự xung đột và chồng lấn về vùng trời, một số vị trí cần có số liệu khảo sát, đánh giá cụ thể về tĩnh không đầu, tĩnh không sườn để đánh giá khối lượng san, gạt và số liệu liên quan khác.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng về cơ bản, các vị trí đề xuất cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cả về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời.
Trên cơ sở kết quả làm việc, đến nay Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được ý kiến của 9/10 địa phương gồm: Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Khánh Hòa, Tây Ninh đối với nội dung bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới.
Trong đó, UBND tỉnh Sơn La đề nghị tiếp tục tập trung quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không, đề xuất quy hoạch sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
"Các địa phương còn lại đều đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới và kiến nghị giao địa phương xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển cảng hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư bảo đảm tính khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm.
Căn cứ kết quả nghiên cứu, ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải nhận định nhu cầu quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là chính đáng bởi đây đều là các tỉnh có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không.
Để bảo đảm tính khả thi về quy hoạch cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể các yếu tố về kinh tế, kỹ thuật, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần có đơn vị tư vấn thực hiện để bảo đảm đầy đủ số liệu.
Cùng với đó, để phát huy tính chủ động và phù hợp với đề xuất của các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức tổ chức lập đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không bao gồm tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng cảng hàng không.
Số lượng cảng hàng không quá lớn
Theo đề xuất trước đó của Cục Hàng không Việt Nam gửi lên Bộ GTVT, cảng hàng không, sân bay toàn quốc sẽ được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại Hà Nội và TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không.
Trong số này, có 14 cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không quốc nội và 2 cảng hàng không quốc nội (Thành Sơn và Biên Hòa) được hình thành từ việc chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không.
Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không. Trong đó, có 14 cảng hàng không quốc tế, 19 cảng hàng không quốc nội.
TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) từng nói rằng, hội chứng sân bay lại tái xuất và tiếp tục phát triển, gia tăng trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy lên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
“Điều đáng buồn là những đề xuất xây dựng sân bay được đưa ra ngày càng vô lý khi khoảng cách giữa địa phương đề xuất với sân bay của “hàng xóm” chỉ chừng 100km, đi cao tốc còn nhanh hơn so với thời gian làm thủ tục lên, xuống máy bay”, GS.TS Đặng Đình Đào nói.
Mặt khác, việc xây dựng các CHK, không phải địa phương muốn là được. Ngoài một số lý do nêu trên, có một lý do rất đáng lưu tâm đó là: Các hãng hàng không, đặc biệt là hãng tư nhân, không dại gì mở đường bay tới các sân bay ít khách. Nếu mỗi sân bay chỉ phục vụ 2 – 3 chuyến bay mỗi ngày thì không đủ chi phí để duy trì cơ sở hạ tầng, chưa nói đến có hiệu quả tài chính.
Điều này cũng có nghĩa, các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, đặc biệt cơ quan lập quy hoạch là Bộ Giao thông Vận tải cần thận trọng trong xem xét đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu “sức ép” hay nể nang mà bổ sung quy hoạch.
Đồng thời, việc xây dựng sân bay mới không thể mang tính chủ quan duy ý chí và không cần hiệu quả kinh tế. Xin hãy nhớ, sân bay nào cũng cần đảm bảo về bài toán tài chính, có như thế mới thu hút được tư nhân tham gia đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước hiện nay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hang-loat-dia-phuong-de-xuat-bo-sung-san-bay-a208516.html