Phát biểu tại Hội nghị “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết đúng chính sách., pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, kiến tạo nguồn lực, mà góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, Luật Đất đai đã được Quốc hội cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ý kiến nên đi thẳng vào các chương; điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó được thể chế hoá một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện. Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay triển khai không gặp vấn đề gì khó khăn. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì không đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian.
Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.
Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.
Theo ông Phan Trung Lý, Dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.
Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.
Liên quan đến tài chính và giá đất, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế, quy định trong Dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.
Bên cạnh đó, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này có rất nhiều điểm mới, tiếp thu góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân. Dự thảo Luật đã thể chế hóa chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển và có nhiều nội dung mới.
Cụ thể như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; đưa ra cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất; Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất; Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; Quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất...
Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất, cơ chế bảng giá đất theo giá thị trường thì việc nhà nước hay doanh nghiệp thỏa thuận cũng phải sát giá trị của đất. Mặt khác chính sách, giải pháp đưa ra phải hướng tới nhu cầu thực về nhà ở, lành mạnh thị trường bất động sản, chống“ tháo túng“, “đầu cơ“ thì phải công khai, minh bạch cơ chế.
Tuy nhiên, cũng phải thấy được mặt ưu điểm của việc tự thỏa thuận đã thúc đẩy việc thực hiện nhanh các dự án vừa qua, bởi vậy trong giai đoạn này nên có một điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại) nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 18-NQ-TW.
Đề cập về quy hoạch sử dụng đất, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, so với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều quy định cụ thể và khoa học hơn. Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (điều 61) cơ bản giữ nguyên Luật 2013 (bổ sung quy hoạch cấp Tỉnh). Về nội dung quy hoạch sử dụng đất từng loại nhất là với cấp tỉnh, huyện cần rà soát kỹ hơn để tránh trùng lặp với quy hoạch cấp tỉnh, huyện đang triển khai theo Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định lồng ghép trong quy hoạch cấp tỉnh (điều 27 Luật Quy hoạch).
Trong dự thảo Luật (điều 60) đề cập đến mối quan hệ với quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ cần thực hiện song hành theo nguyên tắc trên xuống, dưới lên, sang ngang như Nghị quyết 61/2022/QH15 về tháo gỡ khó khăn... và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) cần xem lại vì với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch năm 2017. Lấy ý kiến về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ngoài quy định tại điều 68 cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần tổ chức linh hoạt hơn các hình thức góp ý, nhất là lấy ý kiến cộng đồng và chuyên gia đa ngành đồng bộ về 9 vấn đề trọng tâm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-dua-ra-lay-y-kien-nhan-dan-co-rat-nhieu-diem-moi-a208642.html