Ngày 14/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030". Mục tiêu chính của Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 về Đề án "Thúc đẩy doannh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, từ năm 2015, khi bắt đầu giai đoạn 1 của đề án cho đến nay, với sự đồng hành của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.
Đáng lưu ý, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.
Tiếp nối sự thành công của Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”; nhằm tận dụng cơ hội do các FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam; tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu trong giai đoạn sắp tới; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thời gian qua trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, xung đột thương mại, khủng hoảng năng lượng, lạm phát vẫn đang tác động sâu sắc tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới.
Hơn bao giờ hết giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như nông sản, thực phẩm... là nhu cầu cấp thiết của các tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng, trong thời gian tới, các tập đoàn phân phối, các đầu mối thu mua nước ngoài sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh và vai trò đối tác chiến lược của chương trình để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam bày tỏ, đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã tác động lớn đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến ngành, việc làm của doanh nghiệp. Việc đa dạng nguồn cung, thị trường xuất khẩu là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, qua đó giúp cho ngành xuất khẩu, trong đó có ngành da giày, có thêm cơ hội mở rộng thị trường.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân hy vọng Đề án sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội thị trường. Mặc dù, việc mở ra các mạng lưới phân phối trực tiếp ra nước ngoài, thực sự đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý cũng như các nhà phân phối nước ngoài phải có chiến lược phát triển song hành. Cần có hoạt động nội hàm mang tính hỗ trợ, tương tác để phía doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi bán lẻ cũng như doanh nghiệp đủ khả năng cải thiện năng lực nội tại. Các hoạt động như cung cấp thông tin, đào tạo, đặc biệt là phát triển thị trường, mẫu mã cần phải được tập trung để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững..
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang kiến nghị, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh An Giang được tiếp cận mạng lưới chuyên gia tư vấn xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung trao đổi, tìm hiểu thông tin và nhận được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia về thị trường, xuất khẩu, marketing, xây dựng thương hiệu.
Ghi nhận những ý kiến đề xuất của các sở và doanh nghiệp, để triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này. Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng...
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tang-cuong-ho-tro-doanh-nghiep-viet-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-a208643.html