Góp vốn mua đất chung, làm sao để tránh rủi ro?

Hiện nay, không ít người thường kết hợp làm ăn, kinh doanh chung với bạn bè. Không chỉ là góp vốn kinh doanh, một số trường hợp họ còn góp chung tiền để mua đất. Làm thế nào để tránh được rủi ro, tránh được việc mất đi bạn bè vì những vấn đề liên quan đến tranh chấp tài sản? Cần thực hiện những thủ tục pháp lý nào để cả 2 người không có quan hệ gia đình đều được đứng tên trên sổ đỏ?

Tránh mất tiền, mất bạn?

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đoàn Trung Hiếu, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc nhiều người kết hợp làm ăn, kinh chung với nhau trong đó có góp tiền để cùng đầu tư mua đất, bất động sản diễn ra rất phổ biến trên thực tế và điều này được pháp luật ghi nhận.

Tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định:

"Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".

Vì vậy, dựa vào số lượng người đứng tên trên giấy chứng nhận là không có giới hạn nếu họ có chung quyền sử dụng đất. Những người là bạn bè hoàn toàn có thể dựa vào mong muốn cá nhân mà yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo những trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nếu hai người có nhu cầu được cấp riêng sổ đỏ thì mỗi người được cấp một sổ đỏ đứng tên mình. Bên cạnh tên của người đứng tên sổ đỏ, cần ghi đầy đủ tên của các chủ thể có quyền sử dụng đất chung theo quy định cùng dòng chữ: "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".

Trường hợp 2: Nếu các bên có nhu cầu cấp sổ đỏ chung thì sẽ được cấp 1 giấy chứng nhận và giao cho người đại diện. Trên giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện và dòng chữ: "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:… (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".

Theo Điều 207 và Điều 208 Bộ luật dân sự 2015, sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản, quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.

Như vậy, các chủ sở hữu có quyền thỏa thuận với nhau để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chung. Vì vậy bạn bè hoàn toàn có quyền thỏa thuận để cùng nhau mua đất và cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

quan-1645417904719615730751-0-0-500-800-crop-1645417913809897460721-1677171369.jpg

Ảnh minh họa.

Thủ tục để được cấp sổ đỏ đứng tên cả hai người?

Căn cứ vào điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, chuyên gia cho biết trường hợp này các bên phải chuẩn bị các giấy tờ sau:

Hồ sơ chung

- Đơn đăng ký biến động, cấp giấy chứng nhận theo mẫu của văn phòng đăng ký đất đai.

- Tờ khai các loại thuế, lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận: Tờ khai nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.

- Sơ đồ thửa đất (đối với các trường hợp tách thửa).

- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Ngoài 2 loại giấy tờ trên thì tùy thuộc vào nhu cầu đăng ký quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh theo từng trường hợp, cụ thể:

Cá nhân phải chuẩn bị

- Bản sao y chứng thực chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.

- Bản sao y chứng thực đăng ký kết hôn của 2 người.

- Hợp đồng mua bán nhà đất, nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế nhà đất chung.

- Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.

Các bước làm sổ đỏ đứng tên 2 người

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định.

Bước 2: Nộp hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên 2 người tại cơ quan có thẩm quyền.

Bước 3: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên 2 người.

- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung (trong thời hạn 3 ngày làm việc).

- Nếu hồ sơ đủ thì người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận. Viết và đưa phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).

Bước 4: Giải quyết yêu cầu.

Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì 2 người có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).

Bước 5: Nhận kết quả.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gop-von-mua-dat-chung-lam-sao-de-tranh-rui-ro-a208909.html