Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần vừa qua với ưu thế nghiêng hẳn về bên bán, trong đó có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm liên tiếp sau đó, do thông tin tiêu cực liên quan tới chậm trả lãi trái phiếu cũng như sự đảo chiều của khối ngoại.
VN-Index tính chung một tuần giảm 1,86 xuống còn 1.039,56 điểm với đà rơi mạnh ở nhóm vốn hóa lớn. Tương tự HNX-Index cũng mất 1,3% về 207,3 điểm và UPCoM-Index giảm 2,8% còn 76,7 điểm.
Áp lực bán liên tiếp đã đẩy thanh khoản thị trường lên cao trở lại với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 29% so với tuần liền trước, đạt mức 12.919 tỷ đồng/phiên.
Nhóm bất động sản tuần qua chịu áp lực nặng nề trước những thông tin tiêu cực liên quan tới loạt doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu. Điều này làm nhiều cổ phiếu thuộc ngành này có mức giảm sâu như VHM (-5,3%), NLG (-8,9%), DXG (-7,2%) và KDH (- 6,5%).
Nhóm ngân hàng chứng kiến sự phân hóa giữa các cổ phiếu giảm điểm như TCB (-2,0%), MBB (-2.2%), BID (-2,6%) và ngược lại VPB, VCB tăng nhẹ lần lượt 0,9% và 0,2%. Các cổ phiếu đầu cơ lại có tuần bứt phá như HOT (+40%), AMD (+38%) hay HQC (+37%).
Một yếu tố đáng lo ngại khác là nhà đầu tư nước ngoài đang đảo chiều sang xu hướng rút tiền. Trong đó, khối ngoại sàn HoSE tăng mức bán ròng lên 1.421 tỷ đồng và là chuỗi 9 phiên bán ròng liên tiếp. Ngược lại khối ngoại sàn HNX vẫn mua ròng 125 tỷ và trên sàn UPCom mua ròng gần 7 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Đông Á, thị trường giảm điểm trên diện rộng với thanh khoản phiên cuối tuần vừa qua thấp đã làm giảm kỳ vọng việc xảy ra đợt phục hồi bất ngờ, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy để chờ mức chiết khấu cao hơn.
Nhóm chuyên gia này nhận thấy khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn khi dòng tiền co hẹp. Nhà đầu tư có thể giải ngân danh mục trung dài hạn trong những phiên tiếp theo, quan tâm các nhóm ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2023 như điện, năng lượng, vật liệu và xây dựng hạ tầng...
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại VNDirect, dự báo VN-Index có thể kiểm định lại đáy ngắn hạn quanh 1.030-1.035 điểm vào đầu tuần. Nếu không giữ được hỗ trợ này, chỉ số có thể điều chỉnh sâu hơn về vùng hỗ trợ quanh 1.000 điểm.
"Trong bối cảnh rủi ro ngắn hạn đang tăng lên, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư chưa nên vội bắt đáy trở lại, nên cân nhắc hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu", ông Hinh khuyến nghị nếu như chỉ số không giữ được hỗ trợ 1.030 điểm.
Các chuyên gia tại Chứng khoán MB đồng quan điểm khi cho rằng dòng tiền nội đã co lại nhanh chóng sau chuỗi giảm điểm vừa qua. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm điểm cân bằng và dao động trong vùng 1.030-1.035 điểm trong bối cảnh trong nước không có thông tin hỗ trợ.
Chứng khoán KB Việt Nam đưa ra kịch bản tiêu cực là VN-Index đang đứng trước rủi ro tiếp tục giảm điểm trong các phiên tới với vùng hỗ trợ gần quanh 1.03x và xa hơn là 1.101 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và đưa tỷ trọng về mức an toàn.
Chứng khoán VCBS cũng khuyên nhà đầu tư cần chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, hạn chế bắt đáy ngay cả khi VN-Index bật nảy khi chạm các vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư nên đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn, ít nhất là từ 3-5 phiên tích lũy tích cực trở lại.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ap-luc-ban-chung-khoan-co-the-tiep-dien-a209135.html