Thị trường trầm lắng, doanh nghiệp lại huy động thành công lượng lớn trái phiếu

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu trầm lắng, BĐS Sơn Kim phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng với kỳ hạn 30 tháng.

thi-truong-bat-dong-san-1677470484.jpg
 

Bất động sản Sơn Kim huy động 500 tỷ đồng trái phiếu

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim huy động xong 500 tỷ đồng trái phiếu từ thị trường trái phiếu trong nước với kỳ hạn 30 tháng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim, thành viên của Sonkim Land, với 99,99% cổ phần do SonKim Land nắm giữ. Hiện Công ty đang là chủ đầu tư của một số dự án như Nassim Thảo Điền, Gateway Thảo Điền, The Metropole Thủ Thiêm, The Galleria Residences Thủ Thiêm...

Cụ thể, giữa lúc thị trường trái phiếu đang rơi vào trầm lắng, công ty đã phát hành 5.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 30 tháng. Ngày phát hành là 10/2/2023, ngày hoàn tất là 20/2/2023 và đáo hạn vào ngày 10/8/2025. Lô trái phiếu này có lãi suất phát hành 13,5%/năm. Mục đích phát hành không được doanh nghiệp đề cập.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ 29/9/2022 đến 3/10/2022, Bất động sản Sơn Kim huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu. Lô này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 29/9/2025. Công ty dự kiến sử dụng số vốn trên mua tòa nhà văn phòng có tên gọi The METT tại địa chỉ tại lô 1-13 thuộc dự án Khu Phức Hợp Sóng Việt (The Metropole Thủ Thiêm) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Tuy nhiên, ngay trong tháng tháng 1/2023, doanh nghiệp này đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng lô trái phiếu nói trên. Việc mua được công ty thực hiện thông qua hai đợt vào ngày 19/1 (339,7 tỷ đồng) và 27/1 (160,3 tỷ đồng).

Thông tin từ HNX cho hay, từ đầu năm đến nay, chỉ có 10 công ty huy động trái phiếu thành công, trong đó nhóm bất động sản - xây dựng chỉ có 3 doanh nghiệp huy động thành công gồm Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Investment (742 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (70 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim (500 tỷ đồng).

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, động thái phát hành trái phiếu của công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim được xem là điểm lạ của thị trường.

Tuy nhiên, đây chưa phải là giai đoạn cao điểm, áp lực thanh toán sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn vượt hơn 1 tỷ USD. Tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp khủng xin “khất nợ”

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, hàng loạt “ông lớn” địa ốc đã phải ra thông báo “khất nợ” trái phiếu đến hạn, lùi thời điểm thanh toán. Đáng nói, một số doanh nghiệp không đưa ra được thời hạn trả nợ.

bat-dong-san-son-kim-phat-hanh-trai-phieu-1677470528.jpg
Bất động sản Sơn Kim phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng trong bối cảnh hàng loạt “ông lớn” thông báo “khất nợ” trái phiếu đến hạn, lùi thời điểm thanh toán.

Mới đây, HNX đã thông báo danh sách 54 tổ chức phát hành công bố chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, trong đó có hàng loạt doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.

Đáng chú ý, khoảng một nửa doanh nghiệp trong nhóm này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Sacomreal, Nam Land, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Gotec Land, Bất động sản Hà An, Apec Land Huế, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land...

Novaland là công ty mới nhất trong danh sách ngày càng nhiều các doanh nghiệp chậm trả nợ, cho thấy tình trạng khủng hoảng tiền mặt ngày càng tăng.

Ngày 21/2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - NVL) phải thanh toán lãi, gốc hai lô trái phiếu với tổng số tiền gần 1.080 tỷ đồng. Trong đó, một lô có kỳ thanh toán lãi theo kế hoạch vào ngày 16/2/2023 và lô còn lại kỳ thanh toán lãi, gốc theo kế hoạch là vào 13/2/2023 do chưa thu xếp được nguồn thanh toán.

Theo thống kê từ Ngân hàng Maybank, tính đến 21/2, Novaland ghi nhận tổng cộng 4 lô trái phiếu có liên quan gia hạn nợ. Tổng giá trị đạt gần 2.600 tỷ đồng.

Ngày 20/2, Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú cũng thông báo chậm thanh toán khoản lãi gần 3,3 tỷ đồng tại ngày 13/2 của trái phiếu GPRCH2123001.

Lý do được doanh nghiệp đưa ra là "chưa thu xếp được nguồn để thanh toán". Bất động sản Gia Phú không cho biết ngày dự kiến sẽ thanh toán số tiền trên.

Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food (MCK: FNF) vừa công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi đối với lô trái phiếu mã FNFCH2223001 là do chưa thu xếp kịp nguồn tiền.

Đến ngày 12/2, Fuji Nutri Food sẽ phải thanh toán hơn 25,2 tỷ đồng lãi trái phiếu của mã FNFCH2223001. Công ty dự kiến dời ngày thanh toán số lãi trên sang ngày 20/2/2023.

Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát Triển Bình Dương (Becamex TDC - MCK: TDC) đã công bố thông tin về việc chậm thanh toán lãi, gốc của lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700. Cụ thể, từ ngày 15/2 đến trước ngày 23/2, Becamex TDC sẽ phải thanh toán tổng cộng 23,8 tỷ đồng tiền lãi đợt 9 của lô trái phiếu trên.

Báo cáo về thị trường trái phiếu ngày 17/2 của VNDirect chỉ rõ, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý 1/2023 ước tính giảm 41,3% so với quý 4/2022 về còn 31.241 tỷ đồng.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong 2 quý giữa năm 2023 với giá trị lần lượt đạt 76.572 tỷ đồng và 83.127 tỷ đồng. Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ hạ nhiệt 26,7% so với quý trước về mức 60.908 tỷ đồng.

Liên quan hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp đàm phán kéo dài, thay đổi kỳ hạn của trái phiếu và có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán bằng tài sản khác khi được sự đồng ý của trái chủ. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn về dòng tiền.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thi-truong-tram-lang-doanh-nghiep-lai-huy-dong-thanh-cong-luong-lon-trai-phieu-a209141.html