Dữ liệu kinh tế Mỹ
Dữ liệu về chỉ số chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ và lạm phát gia tăng làm tăng thêm mối lo ngại về kịch bản kinh tế hạ cánh khó khăn, trong đó tăng trưởng mạnh đang khiến lạm phát tăng cao và khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục duy trì mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Các dữ liệu về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ bao gồm các báo cáo về đơn đặt hàng lâu bền, niềm tin của người tiêu dùng và doanh số bán nhà sẽ được công bố trong tuần này.
Dữ liệu niềm tin của người tiêu dùng được công bố hôm thứ Ba (28/2) đang được quan tâm đặc biệt vì chúng có thể cung cấp cái nhìn thoáng qua về quan điểm của các hộ gia đình về triển vọng kinh tế và kỳ vọng lạm phát. Các nhà kinh tế đang kỳ vọng mức tăng lên sau khi bất ngờ giảm vào tháng 1.
Kịch bản Mỹ sẽ hạ cánh khó khăn?
Sau những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ vào tháng 1, chứng khoán đã giảm trong tháng này khi một loạt dữ liệu kinh tế thúc đẩy kỳ vọng rằng Fed sẽ cần đẩy lãi suất cao hơn và giữ chúng ở mức cao lâu hơn so với trước đây.
Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đã công bố mức giảm hàng tuần lớn nhất vào năm 2023 trong tuần qua. Đối với chỉ số Dow Jones, mức giảm 3% trong tuần qua là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2022. Trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 2,7% và 3,3%.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cuối tuần qua đã cho biết Fed nên tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết nếu cần để kiểm soát hoàn toàn lạm phát. Nhưng nếu dữ liệu trong những ngày tới chỉ ra rằng tăng trưởng và lạm phát vẫn mạnh mẽ, thị trường chứng khoán và trái phiếu có thể sẽ tiếp tục sụt giảm.
Dữ liệu lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu
Mặc dù gần như chắc chắn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào giữa tháng 3 sắp tới, nhưng điều gì xảy ra sau đó vẫn còn là điều không chắc chắn, do đó các dữ liệu sơ bộ về lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tuần này sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Dữ liệu sơ bộ của Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha về lạm phát trong tháng 2 sẽ được công bố vào thứ Ba (28/2) và thứ Tư (1/3), tiếp theo là dữ liệu nhanh cho toàn khu vực đồng euro được công bố vào thứ Năm (2/3).
Trong khi đó, áp lực về giá đang giảm bớt. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khối đã giảm xuống 8,6% trong tháng 1 từ mức 9,2% một tháng trước đó, nhưng trọng tâm có thể sẽ vẫn là lạm phát cơ bản khi loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động mạnh. Lạm phát cơ bản trong tháng 2 dự kiến sẽ ở mức 5,3%, tương đương với số liệu trong tháng 1.
Với lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB, những con số về dữ liệu lạm phát có thể khiến ECB tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ.
“Một sự sụt giảm khác của tỷ lệ lạm phát do năng lượng gây ra có thể không giúp xoa dịu được những nhà hoạch định chính sách có quan điểm diều hâu tại ECB. Với áp lực giá cơ bản vẫn tăng cao, các nhà hoạch định chính sách có thể buộc phải duy trì tăng lãi suất cho đến đầu mùa hè”, Maeva Cousin, nhà kinh tế cấp cao của Bloomberg Economics cho biết.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Dữ liệu PMI được công bố hôm thứ Tư (1/3) sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc về tiến trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, với những dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động tiêu dùng phục hồi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại ở một trong những mức tồi tệ nhất trong nửa thập kỷ vào năm 2022 do các biện pháp phong tỏa và hạn chế nghiêm ngặt, vào thời điểm trước khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid.
Ngoài ra, các nhà đầu tư toàn cầu sẽ tiếp tục tìm kiếm manh mối về quỹ đạo của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Và ông Kazuo Ueda trong vai trò là ứng cử viên cho vị trí thống đốc sắp tới sẽ có một cuộc tranh luận khác tại quốc hội vào thứ Hai (27/2).
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cac-su-kien-va-thong-tin-nha-dau-tu-chung-khoan-khong-the-bo-qua-tuan-nay-a209142.html