Theo tìm hiểu, trong quá trình niêm yết, Tập đoàn Tiến Bộ (Mã: TTB) đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính do không công bố thông tin theo quy định pháp luật, hay công bố thông tin không đúng thời hạn và báo cáo có nội dung không chính xác.
Thông tin từ Công an tỉnh Thái Nguyên, ngày 21/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Thái Nguyên ra quyết định khởi tố 4 bị can (đều thuộc Tập đoàn Tiến Bộ - Mã: TTB) liên quan vụ án hình sự “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán”. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Dẫn nguồn tin từ Báo Đầu tư, 3/4 bị can bị khởi tố có ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phùng Văn Thái, Tổng Giám đốc và ông Trần Thanh Hà, Kế toán trưởng.
Trước thông tin trên, nhà đầu tư quan tâm về chân dung tập đoàn này?
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (mã: TTB) tiền thân là Doanh nghiệp Tư nhân Công nghiệp và Thương mại Tiến Bộ thành lập năm 1998, với ngành nghề chủ yếu là sản xuất cốp pha - dàn giáo, kinh doanh dịch vụ cho thuê cốp pha dàn giáo và thiết bị xây dựng, kinh doanh sắt thép; và sản phẩm chính là cốp pha - dàn giáo, thiết bị xây dựng.
Năm 2004, công ty chuyển đổi từ Doanh nghiệp Tư nhân sang hình thức Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Tiến Bộ có hai thành viên trở lên, với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến năm 2008 chuyển đổi thành CTCP Tập Đoàn Tiến Bộ gồm ba cổ đông sáng lập với vốn điều lệ đăng ký 30 tỷ đồng.
Năm 2009, công ty đại chúng hóa. Năm 2015, cổ phiếu TTB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau đó ba năm, công ty chuyển niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
Hoạt động kinh doanh chính của công ty gồm các hoạt động sản xuất dàn giáo cốp pha, cho thuê dàn giáo cốp pha, đầu tư xây dựng chung cư, khu thương mại, kinh doanh thương mại, sản xuất cầu lông.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến tháng 3/2022, các cổ đông lớn của Tập đoàn Tiến Bộ đều là các tổ chức, trong đó hai tổ chức có sở hữu lớn nhất là Công ty TNHH Bắc Nam Thái Nguyên và Công ty TNHH Một thành viên Quyết Thắng QT, mỗi tổ chức nắm giữ 8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,88%).
Theo sau là Công ty TNHH Công nghiệp Anh Thảo nẵm giữ 7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,9%); Công ty TNHH Ngọc Bích nắm giữ 6,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,4%); Công ty TNHH TPVA Hà Nội nắm giữ 6 triệu cổ phiếu, (tỷ lệ 5,91%); và CTCP Blue Investments nắm giữ 5,5 triệu cổ phiếu (5,42%).
Về sở hữu của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ tính đến cuối năm 2022, theo Báo cáo tình hình quản trị năm 2022 của Tập đoàn Tiến Bộ, ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) đang nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất với 4.343.611 đơn vị (tỷ lệ 4,28%);
Theo sau là hai cá nhân, ông Trần Thanh Hà, Kế toán trưởng và bà Dương Thị Vân, Trưởng Ban Kiểm soát (miễn nhiệm năm 2022), mỗi người nắm giữ 4.110.101 cổ phiếu (tỷ lệ 4,05%).
Tiếp đến là bà Dương Diễm Hằng, Thành viên HĐQT độc lập sở hữu 1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,99%); bà Phùng Thị Nam, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc sở hữu 518.403 cổ phiếu (tỷ lệ 0,51%); bà Thân Thị Thu Thủy, Thành viên Ban Kiểm soát (miễn nhiệm năm 2022) sở hữu 146.564 cổ phiếu (tỷ lệ 0,14%); và một số cá nhân khác nắm giữ số lượng dưới 1.000 đơn vị.
Trong quá trình khoảng 8 năm niêm yết, Tập đoàn Tiến Bộ đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, cụ thể là hành vi không công bố thông tin theo quy định pháp luật, hay công bố thông tin không đúng thời hạn và báo cáo có nội dung không chính xác.
Một vi phạm khác liên quan đến Tập đoàn Tiến Bộ, ngày 28/1/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Dương Thanh Xuân (địa chỉ: tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) và ông Nguyễn Thành Nam (địa chỉ: số 5, ngõ 41 đường Đào Sư Tích, phường Ngô Quyền, Bắc Giang) với số tiền 600 triệu đồng mỗi cá nhân.
Nguyên nhân được xác định do hai cá nhân này cùng sử dụng 102 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu TTB của Tập đoàn Tiến Bộ.
Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an, hành vi củaông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của hai cá nhân này.
Thông tin về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, Tập đoàn Tiến Bộ có tổng tài sản 1.987 tỷ đồng, tăng 41% so với một năm trước. Khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với gần 874 tỷ đồng. Hai dự án bất động sản hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và hàng tồn kho là chung cư Tiến Bộ (125,5 tỷ đồng) và Chung cư Green City (Bắc Giang) (211,9 tỷ đồng).
Doanh thu và lãi sau thuế cả năm ngoái đạt lần lượt 1.409 tỷ và 2,75 tỷ. Riêng quý IV/2022, Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần 112 tỷ đồng, chưa đầy 1/6 cùng kỳ năm trước. Hoạt động bán chung cư mang về gần 105 tỷ đồng, chiếm 93% tổng doanh thu của quý, mảng cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa đóng góp lần lượt 4,4% và 2,2%.
Quý cuối năm 2021, doanh thu 689 tỷ đồng của Tập đoàn Tiến Bộ hầu hết đến từ mảng bán hàng hóa (681 tỷ đồng), khác biệt hoàn toàn với quý cuối năm 2022 vừa qua. Lợi nhuận gộp quý IV/2022 giảm 81% so với cùng kỳ còn 1,2 tỷ đồng. Sau khi hạch toán hết các chi phí, tập đoàn báo lỗ sau thuế 1,12 tỷ đồng, trái ngược với số lãi 4,46 tỷ đồng của quý IV/2021.