Fe Credit hết 'đẻ trứng vàng' cho VPBank

Trong năm 2022, Fe Credit lỗ 3.000 tỉ đồng, nợ xấu tăng vọt. VNDirect dự báo, năm 2023 Fe Credit tiếp tục lỗ khoảng 700 tỉ đồng.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect hôm 23/2, tình hình kinh doanh của Fe Credit trong năm 2022 không mấy khả quan khi ghi nhận khoản lỗ 3.000 tỉ đồng, nợ xấu tăng cao khiến doanh nghiệp này buộc phải trích ra khoản lớn chi phí dự phòng khéo theo lợi nhuận ròng của ngân hàng mẹ - VPBank trong quý 4/2022 giảm 6,7% so với cùng kỳ.

Chỉ tính riêng trong quý 4/2022, nợ xấu của Fe Credit tăng mạnh lên 20,4% (+6,8 điểm % so với cùng kỳ và +5,4 điểm % so với cùng kỳ quý trước) và chi phí dự phòng tăng mạnh 82% so với cùng kỳ trong quý 4/2022 và 23% so với cùng kỳ trong 2022.

Fe Credit cũng bán cho VPBank khoảng cho vay 4.570 tỉ đồng nên tổng thu nhập trong năm 2022 có tăng nhẹ. Mặc dù vậy, chi phí hoạt động và dự phòng lại tăng đáng kể so với cùng kỳ lần lượt ở mức 28%/23%, khiến Fe Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỉ đồng trong 2021 sang lỗ 3.000 tỉ đồng trong 2022.

fe-credit-1677567548.jpg

Điều này cũng kéo theo chất lượng tài sản tại ngân hàng mẹ VPBank đã giảm sút trong 2022 với tỉ lệ nợ xấu tăng 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 2,8% vào cuối năm 2022. Nợ nhóm 2 tính theo % tổng dư nợ cũng tăng từ 3,7% vào cuối 2021 lên 4,1% vào cuối 2022.

Lý giải cho việc kinh doanh giảm sút này, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực từ đến nhóm thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của Fe Credit.

Giờ đây, tình trạng sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu và hoạt động bất động sản & xây dựng tiếp tục gây ra gánh nặng tài chính cho các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của Fe Credit.

Dù doanh nghiệp kỳ vọng Fe Credit sẽ khắc phục tình trạng năm 2022 để có lãi vào khoảng quý 3-4/2023 nhưng VNDirect lại cho rằng, Fe Credit sẽ vẫn tiếp tục lỗ khoảng 700 tỉ đồng trong năm 2023.

Đây được cho là kết quả không được lường trước khi mà hồi cuối năm 2021, lãnh đạo VPBank kỳ vọng khó khăn mảng tài chính tiêu dùng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chỉ là tạm thời. Khi đại dịch qua đi, mọi thứ sẽ lại tăng tốc, thậm chí còn phát triển mạnh hơn trước bởi nhu cầu vay tiêu dùng của người dân khi hoà nhịp sống mới sẽ còn nhiều hơn trước. Lãnh đạo ngân hàng ước tính năm 2022 sẽ đạt lợi nhuận khoảng 6.000 tỉ đồng, tăng thêm 80% vào năm 2023 và giữ tốc độ đó đến tận năm 2025.

Fe Credit từng được coi là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank trong nhiều năm trở lại đây khi thường xuyên đóng góp hơn 50% lợi nhuận cho ngân hàng mẹ. Số liệu cho thấy, kể từ năm 2015, Fe Credit luôn đóng góp tỉ lệ trên dưới 50% lợi nhuận cho ngân hàng hợp nhất. Vị thế, quy mô của VPBank theo đó cũng tăng lên rất nhanh trên thị trường, trở thành ngân hàng có lợi nhuận nhất nhì nhóm cổ phần tư nhân.

Đơn cử như trong năm 2017, VPBank có doanh thu đạt hơn 25.000 tỉ đồng, tăng 48% so với năm 2016. Sau khi trừ thuế, ngân hàng này báo lãi ròng tới hơn 6.430 tỉ đồng, cao nhất trong lịch sử. Phần lớn lợi nhuận trong đó đến từ FE Credit, chiếm khoảng 51% vào tổng lợi nhuận chung của toàn ngân hàng.

Cũng trong năm 2017, Fe Credit cho vay khách hàng chiếm 21 - 22%, số dư cho vay chiếm 23% trên cơ cấu tổng tài sản VPBank. Dù Fe Credit lãi lớn nhưng trong năm 2018, chính lãnh đạo VPBank cũng nhận thức được rủi ro tiềm ẩn từ công ty con nhưng vẫn đưa ra dự định lạc quan trong 5-10 năm tới, tài chính tiêu dùng vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" với nhà băng. 

Tuy nhiên đến cuối tháng 10/2021, VPBank bất ngờ hoàn tất việc chuyển nhượng 49% vốn của công ty con Fe Credit cho đối tác SMBC của Nhật và 1% cho nhà đầu tư trong nước khác. Sau chuyển nhượng, VPBank còn giữ 50% vốn.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/fe-credit-het-de-trung-vang-cho-vpbank-a209386.html