Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới trầy trật chống lại sự dai dẳng của lạm phát cao, tốc độ tăng giá ở Thuỵ Sỹ chậm hơn nhiều. Ngoài những yếu tố sẵn có dẫn tới lạm phát thấp, Thuỵ Sỹ cũng có một vài kinh nghiệm chống lạm phát mà các quốc gia khác có thể học hỏi.
Năm ngoái, lạm phát ở Thuỵ Sỹ cao nhất 29 năm, nhưng cũng chỉ ở mức 3,5%. Con số lạm phát này cao so với chuẩn Thuỵ Sỹ - đất nước khá nhỏ với nhiều núi non ở khu vực Tây Âu - nhưng chỉ bằng một phần so với tốc độ lạm phát hai con số hoặc gần như vậy ở các nền kinh tế phát triển khác, như Mỹ với lạm phát 9,1%; Anh 11,1%; và Eurozone 10,6%.
“Tôi cho rằng cảm nhận về lạm phát ở nước ngoài là rõ ràng hơn ở Thuỵ Sỹ. Mẹ tôi sống ở Berlin, Đức và nói với tôi rằng mọi thứ ở đó đã trở nên rất đắt đỏ”, một người đi mua sắm ở Zurich nói với CNBC.
Hãng tin này đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến lạm phát ở Thuỵ Sỹ được kiểm soát ở mức thấp:
GIÁ CẢ Ở THUỴ SỸ ĐÃ CAO SẴN RỒI
Thuỵ Sỹ là một trong những nước giàu nhất thế giới, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người vượt xa các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và Đức. Đây cũng là một trong những quốc gia có mật độ người giàu cao nhất thế giới, với tài sản bình quân 696.604 USD mỗi người trưởng thành. Đi kèm với đó tất nhiên là chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Những thành phố của Thuỵ Sỹ như Zurich và Geneva thường xuyên góp mặt trong top 10 thành phố lớn nhất thế giới, ngay cả khi lạm phát đẩy cao sinh hoạt phí ở những nơi vốn dĩ cũng đắt đỏ khác như Singapore và New York.
Người dân Thuỵ Sỹ nói chung bị ảnh hưởng ít hơn bởi sự tăng giá, bởi họ phải chi một phần ít hơn trong thu nhập cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và chỗ ở nếu so với chi cho những sản phẩm và dịch vụ không thiết yếu.
“Người Thuỵ Sỹ bình quân tương đối giàu, nên tỷ trọng của chi phí thực phẩm trong tổng ngân sách của hộ gia đình không lớn như ở các quốc gia khác”, giáo sư Tobias Straumann của Đại học Zurich nói với CNBC.
TỶ GIÁ ĐỒNG FRANC THUỴ SỸ ỔN ĐỊNH
Một yếu tố khác giữ giá cả ở Thuỵ Sỹ tăng chậm là sự ổn định tỷ giá đồng Franc. Đồng nội tệ của Thuỵ Sỹ đã tăng vững, đạt ngang giá với đồng Euro trong năm 2022. Trong khi nhiều đồng tiền khác mất giá chóng mặt so với đồng USD do đồng bạc xanh mạnh lên nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ, đồng Thuỵ Sỹ vững giá giữa bối cảnh biến động trên thị trường tiền tệ châu Âu.
Đó là bởi đồng Franc Thuỵ Sỹ có vị thế “hầm trú ẩn” trên thị trường tài chính, và vai trò này được phát huy mỗi khi các tài sản khác bị bán tháo. Vị thế đồng tiền an toàn của đồng Franc xuất phát từ việc đồng tiền này được hậu thuẫn bởi một dự trữ lớn gồm vàng, trái phiếu và các tài sản tài chính khác. Với dự trữ lớn, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) có thể đảm bảo được sự ổn định tỷ giá đồng nội tệ mỗi khi thị trường tài chính biến động.
Đồng nội tệ mạnh cũng mang lại lợi thế cho Thuỵ Sỹ, nền kinh tế có sự phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế. Nước này nhập khẩu khoảng 302 tỷ USD hàng hoá và dịch vụ mỗi năm, trong đó phần lớn đến từ các nước láng giềng ở châu Âu. Đồng Franc mạnh giúp Thuỵ Sỹ nhập khẩu hàng hoá với giá thấp hơn.
Thuỵ Sỹ xuất khẩu 305 tỷ USD mỗi năm, nhưng chủ yếu là những hàng hoá và dịch vụ giá trị cao như đồng hồ và dược phẩm, ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá hơn so với những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận thấp và sản xuất hàng loạt.
NGUỒN CUNG NĂNG LƯỢNG ỔN ĐỊNH
Thuỵ Sỹ cũng chịu ảnh hưởng từ một số yếu tố bên ngoài đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao trong năm 2022, như chiến tranh ở Ukraine. Với nhiều dãy núi và hơn 1.500 hồ, Thuỵ Sỹ phụ thuộc ít hơn vào dầu thô và khí đốt nhập khẩu nếu so với một số nước láng giềng. Thay vào đó, thuỷ điện đóng một vai trò quan trọng trong nguồn cung năng lượng của nước này.
Các công ty cung cấp năng lượng của Thuỵ Sỹ cũng chủ yếu thuộc nhà nước, đồng nghĩa ít bị ảnh hưởng hơn bởi biến động thị trường cực đoan nhờ mạng lưới ai toàn tài chính. Ngoài ra, những nhà cung cấp này cũng là đối tượng của sự điều tiết giá nghiêm ngặt hơn.
Cuối năm 2022, giá năng lượng ở Thuỵ Sỹ tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng ghi nhận ở các nước châu Âu khác như Đức (25%), Hà Lan (30%), Anh (52,3%) và Italy 64,7%. Cơ quan điều tiết năng lượng Thuỵ Sỹ dự báo giá năng lượng tăng 27% trong năm nay, với hoá đơn năng lượng bình quân mỗi tháng của hộ gia đình ở nước này là 1.215 Franc, tương đương 1.328 USD.
Ông Jean-Claude Huber, người quản lý khách sạn Piz Buin Klosters ở miền Đông Thuỵ Sỹ, nói rằng việc tiêu chuẩn hoá hợp đồng năng lượng dài hạn đã giúp các doanh nghiệp như của ông tránh được sự leo thang của giá năng lượng.
CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT GIÁ CẢ HÀNG HOÁ VÀ DỊCH VỤ
Cùng với việc kiểm soát giá năng lượng, Chính phủ Thuỵ Sỹ cũng kiểm soát nghiêm ngặt giá hàng hoá và dịch vụ để hạn chế biến động. Trong số các nhóm hàng hoá và dịch vụ chính dùng để tính lạm phát ở Eurozone - bao gồm thực phẩm, nhà ở và giao thông - khoảng 1/3 là đối tượng của sự kiểm soát giá ở Thuỵ Sỹ. Đây là một tỷ lệ lớn hơn ở bất kỳ nước châu Âu nào khác.
Năm ngoái, giá lương thực-thực phẩm ở Thuỵ Sỹ tăng 4%, so với mức tăng 11,9% ở Mỹ; 16,9% ở Anh và 19,8% ở Đức.
Thuế quan cao đối với một số loại nông sản nhập khẩu cũng đồng nghĩa với việc các loại lương thực-thực phẩm sản xuất trong nước như sữa và pho mát có giá “êm” hơn và ít bị ảnh hưởng hơn bởi biến động giá trên thị trường toàn cầu.
KINH NGHIỆM CHO CÁC QUỐC GIA KHÁC
Hồi tháng 12, SNB dự báo lạm phát ở Thuỵ Sỹ sẽ giảm về ngưỡng 2,4% trong năm nay và về 1,8% trong năm 2024, thấp hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này. Dù vậy, giới phân tích nói rằng lạm phát dưới mục tiêu sẽ không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Thuỵ Sỹ.
“Ngay cả khi có kịch bản suy thoái, người từ các nơi khác vẫn cứ đổ tới Thuỵ Sỹ và giúp ổn định nhu cầu. Tôi nghĩ cả năm nay và năm tới đều vậy”, giáo sư Straumann nói.
Thực ra, bức tranh kinh tế độc đáo của Thuỵ Sỹ đã phải mất nhiều thập kỷ để hình thành, và khó có quốc gia nào có thể học theo hoàn toàn mô hình này. Chẳng hạn, chính sách tỷ giá của Thuỵ Sỹ không thể được áp dụng ở Eurozone, vì Eurozone là tập hợp của nhiều nền kinh tế thành viên.
Tuy nhiên, ông Straumann cho rằng việc quốc hữu hoá nguồn cung năng lượng của Thuỵ Sỹ là một bài học quan trọng cho các quốc gia khác, nhất là những nước châu Âu vốn đã đi một chặng đường dài trong việc tư nhân hoá lĩnh vực này và giờ đây đang phải trả giá.
“Trong trung đến ngắn hạn, đây là một ý tưởng rất tốt”, vị giáo sư nói về việc quốc hữu hoá nguồn cung năng lượng. “Nhưng việc này không phải là một cách vững chắc, và châu Âu vẫn bị ám ảnh bởi điều đó. Ngoài ra, nhiều người cho rằng Thuỵ Sỹ quá bảo thủ. Tuy nhiên, nhìn lại mà nói, tôi vẫn cho đó là một quyết định rất tốt”.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kinh-nghiem-chong-lam-phat-cua-thuy-sy-a209760.html