Báo cáo tài chính gần nhất của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán: SJC) cho biết, năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận mức lỗ lên tới 5,3 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận kể từ khi thành lập đến nay.
Mức lỗ trên chủ yếu xuất phát từ việc các chi phí như lãi vay và quản lý doanh nghiệp tăng cao. Trái lại, doanh thu cả năm chỉ đạt khoảng 6,8%, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, nguyên nhân dẫn đến doanh thu giảm mạnh Sông Đà 1.01 không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Mà chỉ ghi nhận doanh thu từ dịch vụ vận hành nhà chung cư và cho thuê một số tài sản.
Sau khi báo cáo tài chính năm 2022 của Sông Đà 1.01 được công bố trên website chính thức với khoản lỗ kỷ lục như đã nói, nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu SJC tỏ ra hết sức quan ngại về tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Theo đó, cổ phiếu SJC liên tục giảm sàn, trắng bên mua.
Vẫn biết, báo cáo tài chính trên do công ty tự lập và vẫn chưa thông qua đơn vị kiểm toán. Tuy nhiên, lo lắng của các cổ đông SJC là không phải không có cơ sở. Bởi lẽ, với bề dày lịch sử và nắm giữ hàng loạt dự án bất động sản, mà doanh nghiệp lại không ghi nhận doanh thu từ kinh doanh bất động sản là điều phi lý.
Được biết, Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 được thành lập trên cơ sở Xí nghiệp Sông Đà 1.01 (tiền thân là Đội xây dựng số 1) thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà 1. Từ năm 2013, Sông Đà 1.01 chuyển hẳn sang đầu tư vào mảng bất động sản sau khi thử sức với 2 dự án nhỏ là chung cư Hemisco và CT1 Văn Khê.
Sau đó, doanh nghiệp “lấn sân” sang phân khúc cao cấp bằng Tòa cao ốc Tokyo Tower. Ngoài ra, Sông Đà 1.01 còn là chủ đầu tư dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star” (tên trước là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Về Viễn Đông Star, đây là dự án dính khá nhiều lùm xùm thời gian qua. Nổi bật nhất là việc cư dân tại đây phải sống trong cảnh thiếu điện do chưa hoàn thành nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Đáng chú ý, lùm xùm trên cũng là minh chứng cho việc dự án đã được bàn giao cho người mua nhà.
Nhưng, lần theo báo cáo tài chính của Sông Đà 1.01 kể từ năm 2016, thời điểm dự án bắt đầu khởi công đến nay, công ty chưa hề ghi nhận bất kể một đồng doanh thu nào.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần, tổng giá trị của cả mục “chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” đạt 819,4 tỷ đồng. Trong đó, Viễn Đông Star được hạch toán trong mục “chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” của hàng tồn kho với tên “Công trình dự án CCCT số 1 Giáp Nhị”, có giá gốc 127,7 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính năm 2017, Sông Đà 1.01 bị kiểm toán có ý kiến loại trừ, nhưng không liên quan đến hàng tồn kho. Mục “chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” được đẩy lên mức 1.175 tỷ đồng. Và chi phí này đã bao gồm chi phí xây dựng dự án Eco Green Tower – tức Viễn Đông Star do công ty làm nhà thầu xây dựng.
Cũng kể từ năm 2017 khoản mục này liên tục bị đẩy lên cao. Đến bản báo cáo tự lập vừa công bố, “chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” đang ở mức 1.363 tỷ đồng.
Hiểu đơn giản, cho đến thời điểm lập báo cáo tài chính 2022, Sông Đà 1.01 chưa ghi nhận doanh thu từ dự án Viễn Đông Star. Công ty vẫn “ẩn" doanh thu từ dự án này trong báo cáo tài chính theo hình thức là chưa bán được.
Trong khi thực thế như đã nói, dự án Viễn Đông Star đã được bàn giao tới người mua nhà từ năm 2019. Đồng thời, không ít tài sản của Sông Đà 1.01, trong đó có tài sản tại Viễn Đông Star, đã được thế chấp tại TPBank.
Vậy thì doanh thu từ dự án Viễn Đông Star của Sông Đà 1.10 đã “chảy” đi đâu ?. Và chủ nợ, cũng như cổ đông của của công ty này có đặt câu hỏi vì sao doanh thu từ Viễn Đông Star lại không được ghi nhận trong báo cáo tài chính của công ty ?
Cũng kể từ khi Sông Đà 1.01 không thuê đơn vị kiểm toán, báo cáo tài chính của công ty bỗng dưng xuất hiện một khoản phải thu liên quan tới ông Tạ Văn Trung, Giám đốc công ty, với giá trị lên tới hơn 46 tỷ đồng. Đến cuối quý 3/2022, con số tuyệt đối của khoản phải thu này là 46.568.961.102 đồng.
Điều này đồng nghĩa, ông Trung đã “đóng băng” số tiền hơn 46 tỷ đồng suốt 5 năm. Ước tính theo lãi suất ngân hàng bình quân khoảng 8%/năm, Sông Đà 1.01 đã hụt thu khoảng 14,7 tỷ đồng.
Như vậy, nếu có khoản thu tài chính đều đặn, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này đã không quá “bết bát” nhiều năm qua.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 quý, tức đến cuối năm 2022, khoản phải thu đối với ông Trung đã hoàn toàn biến mất không một dấu vết. Thay vào đó, xuất hiện khoản phải thu gần 31,3 tỷ đồng đối với bà Vũ Thị Thuý, người vừa được bầu giữ chức Chủ tịch Sông Đà 1.01 hồi cuối tháng 12/2022.
Vẫn phải nhấn mạnh rằng, các bản báo cáo của Sông Đà 1.01 từ năm 2018 đến nay đều không được kiểm toán mà do doanh nghiệp tự lập và công bố.
Với việc đổi chủ vừa qua, không loại trừ khả năng nhóm “chủ cũ” cố tình công bố báo cáo tài chính sai sự thật nhằm “cột” trách nhiệm người lãnh đạo mới, cụ thể là bà Thuý.
Nhìn chung, với việc chưa ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng từ dự án Viễn Đông Star và khoản phải thu vẫn “mập mờ” giữa các “nhóm chủ”, thì sức khoẻ tài chính của Sông Đà 1.01 đang tồn tại khá nhiều khuất tất.
Do đó, chỉ khi nào doanh nghiệp kiểm toán bắt tay vào làm việc, các cổ đông mới có cái nhìn toàn cảnh và đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu chính xác nhất. Và khi đó, cổ phiếu SJC mới hết cảnh trắng bên mua như hiện nay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/song-da-101-dau-hieu-bat-minh-dong-tien-ban-hang-va-no-ca-nhan-a210184.html