Tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém
Theo Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo để nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
Đối với chính sách tiền tệ, NHNN cần điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.
Tại buổi Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD.
Từ đó xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD, nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD…
Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc Luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của TCTD một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài.
Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết: "Hiện nay, NHNN đang khẩn trương thực hiện xây dựng dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ để trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)".
Nhiều ngân hàng đã giảm tới 2% lãi suất
Nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng doanh nghiệp, cũng như khách hàng cá nhân tiếp cận với nguồn vốn trong năm 2023, từ ngày 6/3/2023, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Cập nhật từ thị trường sáng 6/3, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động xuống dưới mốc 9%/năm, có nơi chỉ còn quanh 8%-8,5%/năm. So với đầu năm 2023, lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,5-1%/năm. So với đỉnh cuối năm 2022, lãi suất đã giảm tới 1,5-2%/năm.
Tại Sacombank,lãi suất tiền gửi cao nhất tại quầy điều chỉnh xuống còn 8,4%/năm (áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng). Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng xuống còn 7,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm.
Đối với gửi trực tuyến, lãi suất cao nhất của Sacombank hiện nay là 8,6%/năm tại kỳ hạn 36 tháng; lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng lần lượt là 7,7%/năm, 12 tháng là 8,1%/năm.
Như vậy, Sacombank đã điều chỉnh giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Tại VPBank, lãi suất cũng đã giảm sâu từ hôm nay. Theo cập nhật trên ứng dụng ngân hàng số, lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng lĩnh lãi cuối kỳ của ngân hàng này chỉ còn 7,3%/năm, giảm tới 2% so với trước. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 8,8%/năm, giảm 0,5 điểm %. Tương tự lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8,4%/năm.
Trong khi đó, VPBank giữ nguyên lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức tối đa 6%/năm.
Tại LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng tại quầy đã giảm mạnh xuống còn 8,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 6 tháng ở mức 7,6%/năm.
LienVietPostBank cộng thêm khá nhiều cho hình thức gửi tiết kiệm online. Lãi suất tiền gửi cao nhất của LienVietPostBank đối với tiết kiệm trực tuyến là 9,2%/năm (kỳ hạn từ 13 tháng). Lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng lần lượt là 8,5%/năm và 8,6%/năm.
BacABank ngày hôm qua còn thuộc nhóm ngân hàng hiếm hoi niêm yết lãi suất cao nhất 9,5%/năm thì từ hôm nay (6/3) cũng đã điều chỉnh mạnh xuống 9,2%/năm (kỳ hạn từ 13 tháng). Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 8,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 8,8%/năm.
Saigonbank cũng công bố biểu lãi suất mới từ ngày 6/3 với mức điều chỉnh khoảng 0,2-0,3 điểm % ở một số kỳ hạn. Hồi cuối tháng 2, ngân hàng này cũng đã có một lần giảm mạnh lãi suất với mức điều chỉnh khoảng 0,5 điểm %.
Tại Saigonbank hiện nay, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 8,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn là 8,9%/năm, kỳ hạn 13 tháng cao nhất là 9,1%/năm, kỳ hạn 36 tháng đạt 8,7%/năm.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chinh-phu-yeu-cau-ngan-hang-nha-nuoc-giam-mat-bang-lai-suat-cho-vay-a210965.html