OCB: Nợ xấu 2.671 tỷ đồng, dự phòng chỉ 1.067 tỷ

Dù nợ xấu tăng mạnh lên 2.671 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn đạt tới 1.375 tỷ đồng nhưng Ngân hàng OCB chỉ dành 1.067 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Kể từ năm 2015 đến nay, 2022 là năm đầu tiên Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chứng kiến lợi nhuận đi lùi. Trong khi đó, nợ xấu và nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng vọt.

ocb-1678677696.jpg Ảnh minh họa

Nợ xấu 2.671 tỷ đồng, dự phòng chỉ 1.067 tỷ

Năm 2022, OCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3.510 tỷ đồng, giảm 895 tỷ đồng, tương đương 20,3% so với năm 2021. 

Trước đó, kể từ năm 2015 đến 2021, lãi ròng tại OCB có xu hướng tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 209 tỷ đồng (năm 2015), 387 tỷ đồng (năm 2016), 817 tỷ đồng (năm 2017), 1.761 tỷ đồng (năm 2018), 2.582 tỷ đồng (năm 2019), 3.535 tỷ đồng (năm 2020) và 4.405 tỷ đồng (năm 2021).

Trong năm 2022, tại OCB, lợi nhuận sụt giảm nhưng nợ xấu lại đi lên đáng kể. Tại ngày 31/12/2022, nợ xấu của OCB lên đến 2.671 tỷ đồng, tăng 1.322 tỷ đồng, tương đương 98% so với năm 2021; tỷ lệ nợ xấu đạt 2,23% tổng dư nợ tín dụng, tăng mạnh so với con số 1,32% hồi cuối năm 2021.

Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn lên đến 1.375 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng, tương đương 87,5% so với cuối năm 2021 và chiếm 1,15% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Thế nhưng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại OCB lại thấp hơn nợ có khả năng mất vốn rất nhiều, chỉ đạt 1.067 tỷ đồng.

Có thể thấy, nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn tại OCB đang lập kỷ lục kể từ năm 2015.

Trước đó, từ năm 2017 đến 2021, cặp chỉ tiêu nợ xấu – nợ có khả năng mất vốn và tỷ lệ nợ xấu của OCB lần lượt là 864 tỷ đồng – 572 tỷ đồng – 1,79% (năm 2017); 1.288 tỷ đồng – 676 tỷ đồng – 2,29% (năm 2018); 1.308 tỷ đồng – 732 tỷ đồng – 1,84% (năm 2019); 1.509 tỷ đồng – 697 tỷ đồng – 1,83% (năm 2020); 1.349 tỷ đồng – 733 tỷ đồng – 1,32% (năm 2021).

Không loại trừ nợ xấu tại OCB có liên quan đến Tập đoàn Đại Nam của bà Phương Hằng và ông Dũng Lò vôi. 

Ngày 6/5/2022, HĐQT OCB đã ban hành nghị quyết số 36 về việc nhận tài sản bảo đảm là 963 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty TNHH TV&XD Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương.

Cùng ngày, ngân hàng nhận thêm 1.104 lô đất thuộc khu nhà ở Đại Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để thay thế nghĩa vụ trả nợ của CTCP Đại Nam, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, CTCP Glove Đại Nam, CTCP Glove Hằng Hữu, Công ty TNHH TV&DV Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng. 

Như vậy, OCB đã nhận tổng cộng 2.067 lô đất của các doanh nghiệp liên quan đến ông Huỳnh Uy Dũng và bà Phương Hằng.

Mạnh tay cho vay bất động sản

OCB là một trong những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng. BCTC hợp nhất quý 4/2022 của nhà băng này chưa công bố phân tích dư nợ cho vay khách hàng theo ngành nghề kinh doanh nhưng số liệu này được thuyết minh trong BCTC bán niên sau soát xét.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2022, OCB dành 11.019 tỷ đồng vào hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng 1.889 tỷ đồng, tương đương 20,7% so với hồi cuối năm 2021. Chưa kể, OCB còn ghi nhận 10.024 tỷ đồng cho vay hoạt động xây dựng.

Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm 2022, OCB đã chi 21.043 tỷ đồng cho vay bất động sản và xây dựng, chiếm 19,2% tổng dư nợ tín dụng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ocb-no-xau-2671-ty-dong-du-phong-chi-1067-ty-a211623.html