Cần xử nghiêm ngân hàng 'đi đêm' lãi suất

Trước câu chuyện khách gửi tiền tỉ, ngân hàng chào mời mức lãi suất cao hơn nhiều so với mức lãi suất niêm yết công khai, nhiều ý kiến phân tích các hệ lụy, cho rằng cần thúc đẩy sự minh bạch, tránh ngầm cạnh tranh đưa lãi suất lên cao.

ngan-hang-vietinbank-1678780508.jpg
Lãi suất niêm yết cho lãi cuối kỳ 6 tháng ở Vietinbank là 6%/năm, 12 tháng là 7,4%, nhưng nhân viên chào mời mức lãi suất khác niêm yết, 6 tháng là 8,4%, 12 tháng là 8,7% - Ảnh: T.THG

Ngày 13-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đoàn Ngọc Phúc, trưởng khoa kinh tế luật Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhìn nhận việc các ngân hàng không công khai hoàn toàn lãi suất tiền gửi là không công bằng trong cạnh tranh huy động vốn, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay khó có thể giảm. Chi phí sản xuất của người dân và doanh nghiệp tăng gây khó khăn cho việc phục hồi kinh tế.

"Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những ngân hàng thương mại không thực hiện đầy đủ các quy định về lãi suất tiền gửi", ông Phúc nói.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Lê Trung Nam, giám đốc Công ty TNHH EPS Investing Việt Nam, nhận định ngân hàng là ngành cần công khai, nhưng các ngân hàng ngầm 'đua' lãi suất huy động, rất khó giảm được lãi cho vay.

"Tất nhiên do nhiều yếu tố khiến lãi suất cao, nhưng một trong những yếu tố khiến khó giảm lãi suất là ngân hàng ngầm đua tăng lãi suất.  

Đặc biệt, ngân hàng này tăng lãi suất huy động thì ngân hàng khác cũng phải cân nhắc tăng, nếu không người dân sẽ rút tiền từ ngân hàng mình chuyển sang ngân hàng khác gửi, tạo thành vòng xoáy. Dân có thể hưởng chút lợi nhưng nền kinh tế thiệt. Lãi suất cao thiệt hại rất nặng, doanh nghiệp khó sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo vòng xoáy sa thải công nhân, kinh tế khó khăn".

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thúy Hằng, trưởng bộ môn ngân hàng Trường đại học Tài chính - Marketing, nhìn thấy khá nhiều rủi ro thị trường từ chính ngân hàng tiến hành thỏa thuận lãi suất tiền gửi.

"Trong ngắn hạn thì bài toán thanh khoản có thể được giải quyết. Nhưng trong tương lai, nếu mặt bằng lãi suất của thị trường có chiều hướng giảm, các thỏa thuận tăng thêm lãi suất cho khách hàng trở thành những chi phí ngầm mà ngân hàng phải gánh chịu, gây thất thoát tài sản của ngân hàng và gây nên những hệ lụy giảm tính cạnh tranh của ngân hàng cũng như tác động không tốt đến các doanh nghiệp mà năm 2009 đã từng phải đối mặt", bà Hằng giải thích.

Để các ngân hàng thương mại có thể công khai, minh bạch các hoạt động huy động vốn cũng như cho vay, bà Hằng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tăng thanh tra và kiểm tra các tổ chức tín dụng, nhất là khi thị trường có dấu hiệu thỏa thuận lãi suất ngoài bảng niêm yết.

Hay cần có những buổi gặp gỡ, đối thoại nhằm giúp khai thông dòng vốn giữa ngân hàng và khách hàng; các chính sách, biện pháp trung và dài hạn để phát triển thị trường tài chính, đa dạng hóa nguồn cung vốn cho nền kinh tế; gia tăng tính hiệu quả của thị trường liên ngân hàng…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/can-xu-nghiem-ngan-hang-di-dem-lai-suat-a211872.html