Việc hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn chưa thống nhất được cơ chế phối hợp quản lý hành lang QL1A khiến đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang đang bị các doanh nghiệp đấu nối trái phép, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Đại lý ô tô cũng đấu nối trái phép
Ngày 16/12/2022, sau phản ánh của Báo về việc 6 đại lý ô tô đấu nối trái phép, Ban Quản lý dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có văn bản phúc đáp yêu cầu rà soát các vị trí chưa được cấp phép đấu nối trên QL1A của Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, đã có 9 điểm vi phạm được thống kê, đề nghị xử lý. Tuy nhiên, đến nay, trong khi vi phạm vẫn tiếp diễn nhưng Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa nhận được bất kỳ hồ sơ xin cấp phép đấu nối nào liên quan.
Theo báo cáo, tổng hợp của Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, mỗi năm trên QL1A đều có hàng chục vụ vi phạm hành lang ATGT. Không chỉ cá nhân, nhiều doanh nghiệp thi công, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện cũng ngang nhiên vi phạm, tự ý mở đường đấu nối vào QL1A nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý. Là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý tuyến đường nhưng đến nay, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn chưa nhận được bất kỳ hồ sơ đề nghị cấp phép đấu nối, thi công nào trên QL1A qua Bắc Giang. Tất cả đều tự ý thi công, đấu nối trái phép làm mất ATGT.
Liên quan đến việc hàng loạt đại lý ô tô Ford, Toyota, Suzuki… tự ý san lấp, thi công mở đấu nối trái phép vào QL1A, đoạn qua thôn Riễu, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, lãnh đạo UBND xã Dĩnh Trì khẳng định: Đơn vị đã kiểm tra, kết luận rõ vi phạm. Các đại lý trên đã tự ý thi công, mở đường đấu nối trái phép vào QL1A.
“Đoạn đường trên chưa có điểm nào được quy hoạch đấu nối vào QL1A. Theo quy hoạch được duyệt, để bảo đảm cảnh quan đô thị, ATGT, tại khu vực này sẽ được xây dựng một tuyến đường gom dân sinh chạy dọc QL1A. Các đại lý này chỉ được cấp phép đấu nối vào đường gom đã được quy hoạch này.
Tuy nhiên, đến nay, hành vi mở đường đấu nối trái phép của các đại lý trên vẫn chưa bị bất kỳ cơ quan nào xử lý, buộc khôi phục, trả lại đất cho đường bộ theo quy định”, vị lãnh đạo này cho hay.
Không chỉ 6 đại lý ô tô trên, dọc QL1A, đoạn qua huyện Lạng Giang còn có hàng chục điểm vi phạm lấn chiếm, sử dụng, đấu nối trái phép.
Theo Văn phòng quản lý hiện trường I.5 (Khu Quản lý đường bộ I), QL1A địa bàn tỉnh Bắc Giang có đến 14 điểm vi phạm và đã đề nghị chỉ đạo UBND các huyện, thành phố của tỉnh xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay, các vi phạm trên vẫn tái diễn.
Điều đáng nói, trong các năm 2019, 2020, ngay khi mới san lấp, thi công trái phép trong hành làng ATGT QL1A, các đơn vị liên quan đều đã bị Cục Quản lý đường bộ 1, Tổng Cục đường bộ VN (nay là Khu Quản lý Đường bộ I - Cục Đường bộ VN) lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt, yêu cầu dừng thi công, trả lại hành lang ATGT.
Để ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra, Chi cục Quản lý đường bộ I.5 còn nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND và Ban ATGT tỉnh Bắc Giang chỉ đạo chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc, không để các doanh nghiệp, cá nhân tái phạm…
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, thay vì chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm, lãnh đạo UBNDTP Bắc Giang, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang còn khẳng định: “Đoạn đường này không phải QL1A, đây là đường gom cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn” để chống chế, tránh né trách nhiệm xử lý vi phạm của các đơn vị.
Theo tìm hiểu của PV, trước đây QL1A đoạn qua tỉnh Bắc Giang do Cục quản lý đường bộ 1 (nay là Khu Quản lý Đường bộ I) quản lý.
Sau khi dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đưa vào khai thác và bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức hợp đồng BOT, QL1A đoạn qua Bắc Giang đã được giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn quản lý.
Từ đó đến nay, hành lang ATGT trên tuyến đường đã bị nhiều doanh nghiệp “xẻ thịt”, san lấp, thi công và đấu nối trái phép tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Đã xử lý vi phạm, chờ xử phạt
Thừa nhận những vi phạm nêu trên, lãnh đạo Phòng Quản lý kết cấu hạ, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Nguyên nhân để vi phạm diễn ra trong thời gian dài là do những bất cập trong cơ chế quản lý hiện hành khiến lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn không thể đến địa phận tỉnh Bắc Giang để kiểm tra, xử lý.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương lại buông lỏng quản lý dẫn đến các trường hợp vi phạm kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Riêng vi phạm đấu nối trái phép của 6 đại lý ô tô tại TP Bắc Giang, vị này khẳng định: Các vị trí trên chưa được phê duyệt quy hoạch điểm đấu nối theo quy định.
Do vậy, cơ quan chức năng phải tổ chức lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời, yêu cầu chấm dứt vi phạm, hoàn trả lại diện tích đất cho đường bộ để bảo đảm ATGT theo quy định.
Thông tin về công tác quản lý tuyến đường, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho biết, UBND tỉnh Lạng Sơn đang giao Sở GTVT Lạng Sơn cùng Sở GTVT Bắc Giang phối hợp xây dựng quy chế quản lý giữa 2 tỉnh.
Đến nay, hầu hết các điều khoản liên quan đến trách nhiệm kiểm tra, phát hiện vi phạm đều đã được thông qua.
Hiện, chỉ còn điều khoản quy định thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc Sở GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn hay các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang là chưa được thống nhất.
Bất đồng này sẽ được các cơ quan chức năng và UBND 2 tỉnh tiếp tục bàn bạc, thống nhất để sớm thông qua quy chế, đưa tuyến đường vào quản lý theo quy định.
Trước đó, Báo Giao thông đã nhiều lần phản ánh việc 6 đại lý ô tô tại xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang đã tự ý thi công, mở đường đấu nối trái phép vào QL1A.
Sau đó, đơn vị quản lý tuyến đường là Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Sau đó, UBND TP Bắc Giang đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng đến nay, các trường hợp trên vẫn ngang nhiên tái diễn, thách thức dư luận.
Cần sớm thống nhất phương án xử lý
Trao đổi với Báo, lãnh đạo Khu Quản lý Đường bộ I cho biết, năm 2018, trước đề nghị của Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn về việc triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và tăng cường mặt đường QL1A, đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn, Bộ GTVT đã ủy quyền quản lý QL1A, trong đó có cả đoạn qua 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn cho UBND tỉnh Lạng Sơn quản lý.
Ngay khi đó, đơn vị và các cơ quan liên quan đã lường trước việc chồng chéo, khó quản lý khi giao đường tại Bắc Giang cho UBND tỉnh Lạng Sơn quản lý vì liên quan đến địa giới hành chính, mối quan hệ với chính quyền địa phương...
“Khi đó, có ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, việc quản lý toàn diện vẫn do chính quyền địa phương thực hiện nhưng nếu chính quyền làm ngơ, đứng ngoài cuộc hoặc dung túng cho sai phạm thì mô hình quản lý trên sẽ rất khó ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm liên quan”, lãnh đạo Khu Quản Đường bộ I nói và cho rằng: Với những bất cập trong quản lý hiện này, Sở GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn cần tổng hợp, kiến nghị phương án giải quyết về Bộ GTVT để được hướng dẫn, quyết định theo thẩm quyền.
Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn có thể đề xuất phương án được Bộ GTVT ủy quyền trực tiếp cử lực lượng đến kiểm tra, xử lý trên đoạn quan địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hoặc đề xuất bàn giao, ủy quyền lại đoạn đường này cho UBND tỉnh Bắc Giang quản lý, chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kiểm tra, xử lý để bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và ATGT.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hai-tinh-bat-nhat-dau-noi-trai-phep-bam-nat-ql1a-a212024.html