Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo ký quyết định cho phép chuyển đổi rừng phòng hộ tại khu vực biên giới để làm đường giao thông.
Từ đó, nhiều diện tích rừng đã bị tác động nhưng chưa được trồng rừng thay thế.
Cần 32,19ha rừng nhưng chuyển đổi 153,47ha
Ngày 16/3, Báo Giao thông đăng tải bài viết: “Cao Bằng: Tự ý phá rừng đặc dụng để làm đường, chỉ bị hạ bậc thi đua”, phản ánh việc UBND huyện Nguyên Bình, Cao Bằng đã tự ý “xóa sổ” hơn 3,2ha rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén để thực hiện dự án thi công đường liên xã nối từ QL34 đi xã Phan Thanh, khu du lịch Phia Oắc - Phia Đén, xã Thành Công.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng của huyện Nguyên Bình đã tự ý chặt hạ 40m3 gỗ để mở đường, làm bãi đổ thải. Theo quy định, việc phê duyệt, cho phép chuyển đổi đất rừng để thực hiện dự án trên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành gần 99% nhưng toàn bộ diện tích rừng đặc dụng trên vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định.
Những người được cho là có liên quan gồm: Giám đốc Ban QLDA, Hạt trưởng kiểm lâm huyện, cán bộ trạm kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn huyện Nguyên Bình chỉ bị chuyển công tác, hạ bậc thi đua năm…
Sau bài báo trên, PV Báo Giao thông tiếp tục nhận được thông tin phản ánh cho rằng, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định trái thẩm quyền trong việc chuyển đổi rừng phòng hộ tại khu vực biên giới để làm đường.
Cụ thể, ngày 10/8/2021, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã ký Quyết định số 1415/QĐ-UBND về việc điều chỉnh diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích khác thuộc Dự án ĐT206 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) - Cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang), tỉnh Cao Bằng.
Theo đó, UBND tỉnh đã điều chỉnh diện tích rừng chuyển sang mục đích công cộng làm đường giao thông tại dự án trên từ 153,47 ha (được phê duyệt trước đó) xuống còn 32,19ha (rừng tự nhiên là 28,18ha, rừng trồng là 4,01ha).
Trước đó, ngày 13/12/2017, ông Nguyễn Trung Thảo đã ký Quyết định số 2355/QĐ-UBND về việc phê duyệt chuyển đổi 153,47ha rừng (gồm 150,06ha rừng tự nhiên, 1,11ha rừng trồng; 2,3ha còn lại là đất lâm nghiệp, chưa có rừng) sang phục vụ mục đích công cộng làm đường giao thông cho Dự án ĐT206 này.
Thông tin từ Ban Quản lý dự án (thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng, đơn vị chủ đầu tư ĐT206) cho biết: Nguyên nhân phải ban hành quyết định điều chỉnh diện tích rừng lớn như trên là do đây là rừng phòng hộ tại khu vực biên giới.
Trước đó, bên cạnh việc chuyển đổi rừng để làm đường, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng đã tổng hợp, thống kê cả những diện tích rừng trồng, nương rẫy đã giao đất cho người dân để cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng trong dự án.
Trong khi đó, dự án này lại sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài nên không thể bố trí kinh phí để “gánh” hết diện tích phải trồng rừng thay thế liên quan.
Do đó, UBND tỉnh Cao Bằng đã phải ban hành quyết định điều chỉnh để phù hợp với nguồn vốn đầu tư.
Và trong 4 năm sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhiều diện tích rừng đã bị một số tổ chức, cá nhân tại địa phương đã phát vén, làm nương rẫy và trồng rừng kinh tế…
Quyết định trái thẩm quyền?
Điều 20, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50ha trở lên.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20ha đến dưới 50ha. HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ dưới 20ha...
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Quyết định điều chỉnh diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích khác thuộc Dự án ĐT206 của UBND tỉnh Cao Bằng là trái thẩm quyền, vì theo quy định, diện tích trên là thẩm quyền phê duyệt, cho phép chuyển đổi của Thủ tướng.
Dự án xây dựng đường tỉnh 206 được triển khai với mục tiêu kết nối trung tâm các huyện Trùng Khánh và Hạ Lang có tổng kinh phí 383 tỷ đồng, có quy mô thiết kế đường giao thông cấp V miền núi dài 24km; đường có chiều rộng nền 6,5m, mặt đường rộng 3,5m.
Tuyến đường được khởi công từ ngày 15/4/2021, dự kiến công trình hoàn thành trong quý II/2023.
Dự án nhằm tăng cường lợi thế về phát triển thương mại biên giới và du lịch giữa các cửa khẩu tại các địa phương. Đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng xác nhận có vụ việc chuyển đổi rừng nêu trên. Tuy nhiên, thời điểm đó ông chưa làm Giám đốc Sở nên chưa nắm được thông tin cụ thể.
Hiện nay, vụ việc đang được Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo giao cho Công an tỉnh Cao Bằng vào cuộc kiểm tra, rà soát lại thủ tục pháp lý liên quan. Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng đang chờ kết quả kiểm tra của cơ quan công an.
Người ký quyết định nói gì?
Là người trực tiếp ký các quyết định liên quan, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Các quyết định trên được thực hiện theo tham mưu của Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng. Quyết định chuyển đổi rừng ký năm 2017 được thực hiện theo Luật Lâm nghiệp năm 2004, khi đó tỉnh vẫn được quyền chuyển đổi diện tích rừng do Chủ tịch UBND tỉnh xác lập. Việc chuyển đổi rừng không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên UBND tỉnh Cao Bằng không phải trình HĐND tỉnh thông qua.
Ông Thảo cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc phải điều chỉnh diện tích rừng lớn như tại các quyết định là do cơ quan chuyên môn khi làm hồ sơ đã tính toán sai, đưa cả diện tích làm nương rẫy của bà con vào. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, tỉnh đã bãi bỏ quyết định cũ và điều chỉnh lại đúng thực tế diện tích rừng bị tác động.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bat-thuong-quyet-dinh-chuyen-doi-rung-de-lam-duong-tai-cao-bang-a214463.html