Doanh nghiệp TP.HCM sụt giảm sản xuất: HUBA kiến nghị loạt biện pháp hỗ trợ

Theo HUBA, nhiều ngành nghề vẫn còn khó khăn chồng chất khi đơn hàng sụt giảm, dòng tiền “đứt đoạn”… buộc phải giảm nhân công, tiết kiệm chi phí…

cong-nhan-1680495216.jpg Ảnh minh họa

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo gửi Thường trực UBND TP.HCM về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3 và quý 1/2023.

Theo đó, từ đầu năm 2023, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ được duy trì và triển khai về tài khóa, tín dụng, giảm lãi suất vay và tăng đầu tư công, đã giúp một số ngành có những bước tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề vẫn còn rất khó khăn, chật vật để tìm hướng đi.

ĐƠN HÀNG GIẢM 50%

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch thường trực HUBA, một số ngành nghề như lương thực thực phẩm, tuy có sự tăng trưởng sản phẩm đồ uống và một số loại thực phẩm nhưng toàn ngành lại sụt giảm.

"Dự báo doanh số quý 1/2023 sẽ giảm khoảng 2%. Điều này đến từ việc tiêu thụ xuất khẩu lẫn nội địa giảm sâu do sức mua yếu mặc dù Sở Công thương thành phố và các doanh nghiệp thúc đẩy các chương trình kích cầu nhưng không khả quan. Dự báo trong quý 2/2023, doanh thu ước giảm khoảng 4%", báo cáo nêu.

Tương tự, ngành dệt may cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.

Khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

"Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may", ông Hưng cho biết.

Ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%.

Ngay cả ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, tình hình xuất khẩu cũng giảm 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên ném, paleet, đồ gỗ giảm đến 45%. Chưa kể thị trường nội địa cũng đón nhận những đợt sụt giảm lớn về tiêu thụ khi các sản phẩm nội thất các dự án đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền, đươn hàng nội địa xuất khẩu gỗ tại chỗ giảm từ 30-40%...

Các doanh nghiệp Việt bị cạnh tranh khốc liệt bởi doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động…

Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.

Cũng trong tình trạng tương tự, trong nhiều tháng qua ngành bất động sản đã đóng băng, điều này kéo theo các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng, trong khi đó sắt tăng giá, các hợp đồng xây dựng đã ký bị ảnh hưởng…

"Doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản", báo cáo của HUBA nêu rõ.

Ngay cả du lịch, dù được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi Trung Quốc mở cửa, nhưng những hạn chế khâu cấp visa nhập cảnh, việc thiếu vắng các cơ sở hạ tầng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế... là điểm nghẽn hạn chế khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp, dù nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế, song trên thực tế việc thụ hưởng chưa nhiều, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn khi tỷ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.

CẦN HỖ TRỢ THIẾT THỰC HƠN

Theo khảo sát của hiệp hội, có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ là 41,2%.

Về lao động, có 64,7% doanh nghiệp cam kết giữ nguyên được số lao động hiện có; 17,65% có xu hướng cắt giảm lao động tương đương với số nhu cầu tuyển dụng thêm.

Chính vì vậy, để có thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay 01 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn.

Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

HUBA cũng kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp. Nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo, nên công ty gặp nhiều khó khăn.

Song song đó, HUBA kiến nghị UBND TP.HCM thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo tăng cường kết nối doanh nghiệp và ngân hàng thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm cần nhanh chóng khởi động và hoàn thành đường vành đai 3, đường trên cao nối vào cảng Cát Lái, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, Quốc lộ 50, đường ven sông Sài Gòn, công trình kênh rạch...

Theo khảo sát của HUBA về cải cách hành chính tại TP.HCM, các doanh nghiệp cho rằng các cơ quan quản lý có thái độ hỗ trợ doanh nghiệp, tỷ lệ từ 55% đến 63% các lĩnh vực đều đạt loại tốt và xuất sắc, riêng cơ quan quản lý đất đai và xây dựng là thấp với 43%.

Tuy nhiên, kết quả về cải cách hành chính nhìn chung chưa thấy hiệu quả rõ rệt và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ các cấp độ nhưng phần lớn doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thể tự làm qua mạng mà vẫn phải thuê dịch vụ. Chỗ nào dịch vụ giá cao, chi phí không chính thức nhiều thì dễ nhận biết là ở đó khó khăn cần xem xét.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng mọi khó khăn trở ngại trong thủ tục hành chính đều xảy ra ở giai đoạn trước khi cầm được tờ giấy biên nhận hồ sơ và sau khi đã có kết quả trả hồ sơ cũng vẫn gặp khó khăn…

Nhiều quy trình hồ sơ chưa thể hiện rõ vai trò tham mưu chính, xét duyệt theo cơ chế hội đồng kèm theo văn bản hỏi ý kiến nhiều nơi theo kiểu “chia trách nhiệm”. Thậm chí hỏi ra Bộ... và chỉ cần mội nơi chưa có ý kiến thì hồ sơ bị kéo dài vô thời hạn. Nguyên tắc “quá hạn coi như đồng ý” không có trên thực tế như mọi người thường nói.

HUBA cho rằng thành phố cần tập trung vào công tác giáo dục, tuyên truyền kết hợp xiết chặt kỷ luật làm chuyển biến thái độ đội ngũ cán bộ công chức sang thân thiện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp làm ăn, phát triển kinh doanh.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/doanh-nghiep-tphcm-sut-giam-san-xuat-huba-kien-nghi-loat-bien-phap-ho-tro-a215303.html