Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (2/5), khi mối lo về sự lây lan rủi ro giữa các ngân hàng khu vực tăng cao trước thềm quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Tâm trạng bất an về sức khoẻ của nền kinh tế cũng khiến giá dầu sụt hơn 5% xuống mức thấp nhất 5 tuần.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 367,17 điểm, tương đương giảm 1,08%, còn 33.684,53 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,16%, còn 4.119,58 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,08%, còn 12.080,51 điểm.
Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cả ba chỉ số. Dẫn đầu phiên giảm này của chứng khoán Mỹ là cổ phiếu ngân hàng, với SPDR S&P Regional Banking ETF - một cổ phiếu quỹ ngân hàng khu vực - giảm hơn 6%. Giới đầu tư đặt câu hỏi lớn về sự ổn định của các định chế tài chính khu vực có quy mô nhỏ hơn, sau khi ngân hàng First Republic Bank sụp đổ vào cuối tuần vừa rồi, nối tiếp ba vụ “sập tiệm” liên tiếp của ba ngân hàng khu vực khác trong tháng 3.
Hai nhà băng khác đang bị nghi ngờ về sức khoẻ là PacWest và Western Alliance chứng kiến giá cổ phiếu giảm tương ứng 27% và 15% trong phiên này. Cổ phiếu ngân hàng khổng lồ JPMorgan Chase giảm 1,6%, để mất một phần thành quả tăng của phiên trước. JPMorgan Chase đã tăng trong phiên ngày thứ Hai sau khi thâu tóm First Republic Bank. Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn khác gồm Goldman Sachs và Citigroup cũng giảm hơn 2%, trong khi Bank of America giảm 3%.
“Chúng tôi cho rằng mối lo về lĩnh vực ngân hàng, cộng thêm sự bất an về trần nợ, và quan trọng hơn cả là nỗi lo về những bấp bênh xung quanh lập trường chính sách tiền tệ của Fed trong tương lai, đang là những nhân tố dẫn tới tâm lý ngại rủi ro trên thị trường vào lúc này. Bởi vậy, trong một lĩnh vực vốn dĩ đã có áp lực từ trước như ngân hàng, sự lo lắng càng lớn hơn nữa”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nói với hãng tin CNBC.
Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày của Fed đã khởi động vào ngày thứ Ba. Theo dự kiến, Fed sẽ tuyên bố tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp này vào ngày thứ Tư. Theo công cụ FedWatch của sàn CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 85% vào một động thái như vậy của Fed. Thị trường cũng trông đợi từ ngân hàng trung ương này những tín hiệu về việc liệu Fed có ngừng hay tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp này để chống lạm phát.
Một diễn biến khác khiến giới đầu tư lo lắng trong phiên ngày thứ Ba là thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ rằng nước này có thể sớm kịch trần nợ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm thứ Hai cảnh báo rằng ngay từ ngày 1/6, Chính phủ nước này có thể sẽ hết cách để thanh toán các hoá đơn và khoản nợ. Mốc dự báo mà bà Yellen đưa ra sớm hơn so với thời hạn tháng 7 mà ngân hàng Goldman Sachs dự đoán.
“Thị trường đối mặt với một sự kết hợp hoàn hảo các yếu tố rủi ro trong ngày hôm nay. Đây là một ngày điển hình của tâm lý ngại rủi ro, khi một loạt bấp bênh ngắn hạn cùng chi phối thị trường”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty quản lý gia sản B. Riley Wealth Management nhận định.
Đó cũng là những nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,99 USD/thùng, tương đương giảm 5%, chốt ở 75,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 4 USD/thùng, tương đương giảm 5,3%, còn 71,66 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ hôm 24/3, đồng thời đây cũng là phiên giảm giá mạnh nhất của cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 1.
Phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư trong phiên này còn là số liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ. Số lượng công việc đăng tuyển dụng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, cho thấy thị trường việc làm đang suy yếu. “Nền kinh tế Mỹ vẫn đang chậm rãi bước vào một cuộc suy thoái trong năm nay. Lĩnh vực sản xuất đang co lại, người tiêu dùng chật chật… Đang có những dấu hiệu của sự rạn nứt trên thị trường việc làm”, một báo cáo của ngân hàng Barclays nhận định.
Ngoài quyết định lãi suất của Fed, trong tuần này nhà đầu tư còn dõi theo cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ năm. ECB cũng được dự báo sẽ nâng lãi suất trong lần họp này.
“Việc các ngân hàng trung ương tiếp tục thực thi sứ mệnh chống lạm phát đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế của thời gian tới”, chuyên gia Tamas Varga của PVM Oil nhận định.
“Về cơ bản, triển vọng đối với giá dầu đang xấu đi do những tín hiệu từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Nếu bức nền vĩ mô tiếp tục suy giảm, lực bán sẽ gia tăng và dễ dàng đẩy giá dầu xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.
Số liệu vào cuối tuần vừa rồi cho thấy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, bất ngờ giảm trong tháng 4, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.
Thông tin về nguồn cung cũng không có lợi cho giá dầu. Iran cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã vượt mốc 3 triệu thùng/ngày. Iran là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đang chịu sự trừng phạt kinh tế của Mỹ từ năm 2018. Trong năm 2021, sản lượng dầu của Iran đạt bình quân 2,4 triệu thùng/ngày.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dow-jones-boc-hoi-hon-300-diem-vi-noi-lo-khung-hoang-ngan-hang-gia-dau-lao-doc-hon-5-a220726.html