Mới đây, HAGL Agrico đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Dự kiến sẽ lỗ năm thứ ba liên tiếp
Cụ thể, HAGL Agrico đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng, trong khi đó lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 437 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm 2.316 tỷ đồng.
Với kế hoạch kinh doanh năm 2023, dự kiến đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp HAGL Agrico phải ghi nhận lợi nhuận là con số âm. Trước đó, năm 2021 và 2022 công ty ghi nhận âm lợi nhuận trước thuế với lần lượt 1.298 tỷ đồng và 3.565 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính kiểm toán 2022, HAGL Agrico ghi nhận lỗ sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất hơn 3.576 tỷ đồng – khoản lỗ cao hơn so với báo cáo tự lập là lỗ 3.566 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, đơn vị kiểm toán E&Y nhấn mạnh nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty HAGL Agrico.
Theo E&Y, nguyên nhân do công ty đã phát sinh lỗ thuần là 3.576 tỷ đồng và lỗ lũy kế là hơn 7.003 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 4.288 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2022.
Nhìn chung, hậu “chia tay” với Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG), cũng như về tay tỷ phú Trần Bá Dương, HAGL Agrico liên tục tái cấu trúc và đang “cắn răng” chuyển đổi, hủy bỏ vườn cây không hiệu quả, chấp nhận lỗ hàng nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị bào mòn nặng nề và chịu sức ép từ nhiều phía.
Đây được đánh giá là bước đi cần thiết để tạo dựng quỹ đất “sạch” quy mô lớn, để làm tiền đề triển khai các kế hoạch kinh doanh mới. Tuy nhiên từ năm 2021, Thaco chính thức nắm quyền điều hành tại HAGL Agrico, tình hình kinh doanh của công ty vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc như kỳ vọng của đại gia ô tô Trần Bá Dương.
“Án” hủy niêm yết treo lơ lửng
Không chỉ tình hình kinh doanh kém khởi sắc mà trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HNG cũng gây thất vọng không kém.
Có thể nói, nửa đầu năm 2022 là khoảng thời gian không muốn nhớ lại của cổ phiếu HNG khi thị giá lao dốc không phanh, nếu xét từ đỉnh xuống đáy thậm chí còn chia đôi thị giá.
Cũng lao dốc tương tự như HNG, tuy nhiên sức bật sau khi tạo đáy của cổ phiếu này lại không được như người “anh em” cũ của mình. Trong khi HAG tăng gần gấp đôi trong 3 tháng, tiến về đỉnh cũ, thì giá cổ phiếu HNG chỉ phục hồi 20% từ đáy và vẫn quanh quẩn ở vùng giá thấp nhất lịch sử. Chốt phiên 28/4, cổ phiếu HNG giảm sàn về mức 3.720 đồng/cp.
Nhìn lại lịch sử, giai đoạn năm 2018, cổ phiếu HNG đã tăng mạnh trước và sau khi công bố thông tin Thaco ký kết hợp tác chiến lược với HAGL, làm tiền đề để “giải cứu” HAGL Agrico. Tuy nhiên khi chính thức về tay Thaco, giá cổ phiếu HNG lại không được như kỳ vọng, thậm chí còn xuống dốc không phanh. Điều này được cho là bởi tình hình kinh doanh không ghi nhận tiến triển, đi ngược lại kỳ vọng cổ đông trước đó.
Và cũng chính bởi lợi nhuận 2 năm liên tiếp 2021 và 2022 đều là con số âm, Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã chuyển 1,108 tỷ cổ phiếu HNG từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 12/4 vừa qua, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Như vậy, nếu tình hình kinh doanh năm 2023 không thực sự đột biến để “hấp thụ” hết các khoản chi phí vận hành khổng lồ, và theo đúng như kế hoạch mà ĐHĐCĐ thường niên thông qua, không loại trừ khả năng cổ phiếu HNG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE (vào đầu năm 2024) do báo lỗ năm thứ 3 liên tiếp.
Nhiều cổ đông hi vọng có “phép màu” xảy ra để cổ phiếu “bật dậy” trở lại, song chính Chủ tịch Trần Bá Dương khuyên cổ đông chấp nhận nguy cơ hủy niêm yết. “Nếu có giải pháp thoát niêm yết thì công ty cũng đã thực hiện rồi”, ông Dương nói.
Thực tế, từ năm 2018 trở lại đây, biên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HAGL Agrico đã liên tục giảm mạnh trước khi chuyển âm trong 2 năm gần nhất. Trong khi "chi phí quản lý doanh nghiệp" được tiết giảm tối đa về còn 95 tỷ thì "chi phí lãi vay" và "chi phí khác" đã tăng đột biến từ vài lần đến vài chục lần so với năm trước đó (lần lượt ở mức 838 tỷ đồng và 2.388 tỷ đồng).
Điểm nhấn trong năm 2022 là việc công ty đã chịu tới 2.141 tỷ đồng cho chi phí xóa sổ vườn cây.
Với tình hình kinh doanh hiện tại, thật khó để kỳ vọng vào việc HAGL Agrico có thể chuyển dương khoản "lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh" trong năm 2023, bởi lẽ khoản nợ vay lớn vẫn đang là gánh nặng hiện hữu.
Thoái vốn tại một số khoản đầu tư tại công ty liên doanh liên kết, xử lý các khoản phải thu ngắn hạn hay xử lý danh mục hàng tồn kho có chăng sẽ là những giải pháp song hành để HNG tìm điểm cân bằng cho kết quả kinh doanh cuối cùng (lợi nhuận) - một kết quả có lợi để công ty không phải ghi nhận 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Mặc dù vậy, với mức tồn kho thành phẩm chỉ là 46 tỷ đồng trong khi phần lớn đều là tồn kho phục vụ trực tiếp hoạt động đầu tư, rõ ràng đây không phải một giải pháp cứu cánh hiệu quả.
Nhìn chung, con đường trước mắt của HAGL Agrico còn quá nhiều gập ghềnh và đầy sóng gió khi mà những gì đang diễn ra cũng như con số cho thấy, con đường tìm lại ánh sáng của công ty còn khá xa, và đường trở về mệnh giá của cổ phiếu vẫn còn là dấu hỏi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-cua-hagl-agrico-dang-tren-bo-vuc-tham-a220903.html