Theo CNN, việc các chuỗi thương hiệu lớn đóng cửa đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của ngành bán lẻ ở một số trung tâm thành phố và khu thương mại sầm uất nhất nước Mỹ.
Những vấn đề mới trong ngành đang đẩy các chuỗi cửa hàng ra khỏi một số trung tâm thành phố. CNN liệt kê các nguyên nhân gồm: tình trạng thừa cửa hàng, người dân làm việc tại nhà, mua sắm trực tuyến, giá thuê nhà cao, tội phạm và các mối lo ngại về an toàn công cộng cũng như khó tuyển dụng nhân công.
Muốn để ngành bán lẻ Mỹ trở lại hưng thịnh như xưa thì sẽ cần sự kết hợp của nhiều yếu tố. Cụ thể là các khu dân cư cần đông dân hơn, nhà ở giá cả phải chăng, cộng thêm cửa hàng bán lẻ trải nghiệm, nhà hàng, khu giải trí, công viên và các tiện ích khác. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.
Terry Shook, công ty tư vấn Shook Kelly, cho biết: “Một khi [những thành phố này] trở thành những khu dân cư đô thị thực sự, thì bạn sẽ thấy hoạt động bán lẻ bắt đầu quay trở lại theo những cách thức và hình thức khác nhau."
Cách các nhà hoạch định chính sách cần cấu trúc lại trung tâm thành phố của họ - với bán lẻ là một điểm thu hút quan trọng sẽ rất quan trọng đối với sức khỏe tài chính của các thành phố và nền kinh tế khu vực. Đáng chú ý, nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng tội phạm là lý do chính dẫn đến việc đóng cửa của nhiều chuỗi bán lẻ lớn.
“Các chuỗi cửa hàng đang đóng cửa. Những người đang làm việc trong các cửa hàng đó đang mất việc vì tội phạm", Thị trưởng thành phố New York Eric Adams cho biết. Việc ăn trộm vặt trong các cửa hàng cũng là một vấn đề, Walgreens cho biết họ đã chứng kiến tổn thất tăng đột biến khiến họ quyết định đóng cửa 5 cửa hàng ở San Francisco vào năm 2021.
CNN cho hay dù tội phạm là một phần nguyên nhân thì việc đóng cửa không còn là mới. San Francisco, Los Angeles, San Diego, New York City, Seattle, Miami và Chicago đã mất dần các cửa hàng bán lẻ từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2021, theo nghiên cứu từ Viện JPMorgan Chase.
Hơn nữa, các chuyên gia đồng ý, việc đóng cửa không chỉ vì tội phạm. Một số xu hướng đã hội tụ để khiến các cửa hàng vật lý gặp rủi ro. Trong đó có sự dư thừa của các cửa hàng ở Mỹ. Theo Morgan Stanley, từ năm 1995 đến năm 2021, số cửa hàng đóng cửa hàng năm nhiều hơn số cửa hàng mở ra.
Xu hướng này trở nên phổ biến với tên gọi “ngày tận thế bán lẻ”. Vì vậy, mặc dù việc đóng cửa các thành phố lớn có thể thu hút sự chú ý của toàn nước Mỹ nhưng trên thực tế, chúng thường là một phần của hoạt động bán lẻ tại Mỹ.
Chẳng hạn, Walmart đã đóng cửa khoảng 40 cửa hàng kể từ năm 2021 và sẽ đóng cửa 20 cửa hàng trong năm nay. Nordstrom sẽ đóng cửa 15 địa điểm vào năm 2023. CVS cũng đã thông báo vào năm 2021 rằng họ sẽ đóng cửa 900 cửa hàng trong ba năm.
Ngay cả tại các cửa hàng vẫn ở trung tâm thành phố, ít người thường mua sắm hơn. Một yếu tố chính ở đây là sự chuyển đổi sang làm việc từ xa do. Trong giai đoạn 2019-2021, số người làm việc tại nhà đã tăng gấp ba lần từ khoảng 9 triệu người lên 27,6 triệu người, theo Cục điều tra dân số . Sự gia tăng của công việc từ xa đã "phá vỡ" các khu vực mua sắm ở trung tâm thành phố vốn được thiết kế để phục vụ cho nhân viên văn phòng đi lại hàng ngày.
Theo nghiên cứu của Nicholas Bloom, một nhà kinh tế của Đại học Stanford, một nhân viên văn phòng điển hình hiện đang chi tiêu ít hơn khoảng 2.000 đến 4.600 USD mỗi năm ở các trung tâm thành phố và xu thế đó đang về gần hơn với vùng ngoại ô. Điều này kéo theo sự dịch chuyển của các nhà bán lẻ. Họ rời các thành phố đắt đỏ hơn như San Francisco và New York để đến các thành phố rẻ hơn ở Vành đai Mặt trời như Phoenix và Houston.
Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ cũng chịu áp lực từ mua sắm trực tuyến. Theo Cục điều tra dân số, thương mại điện tử chiếm 14,7% tổng doanh số bán lẻ trong quý cuối cùng của năm 2022. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đó. Việc đóng cửa chuỗi cửa hàng có liên quan đến các sản phẩm được mua trực tuyến thường xuyên nhất.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cac-chuoi-ban-le-lon-tai-my-dong-cua-hang-loat-ap-luc-tu-nen-tang-online-chi-la-mot-phan-a223521.html