Nguyên nhân khoản lỗ của EVN từ đâu?
Phát biểu tại họp tổ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25.5, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) cho rằng, thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng đã khiến cử tri quan tâm và thắc mắc nguyên nhân nào dẫn đến khoản lỗ lớn như vậy, giải pháp giải quyết thế nào.
"Cử tri cho rằng, cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ (EVN – PV) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao, thế thì nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, nguyên nhân có phải từ năng lực quản lý hay không?” - đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.
Cũng theo bà Tạ Thị Yên, một vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là lúc EVN báo lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ.
"Vấn đề trên vô hình chung tạo ra sự lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài cho ngành điện là chúng ta phải nghiên cứu, tìm ra các phương án tối ưu, đảm bảo an ninh năng lượng; có thể tìm được nguồn nguyên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất.
Trong đó, cần cơ chế giá hợp lý các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", bà Tạ Thị Yên cho hay.
Cũng phát biểu về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, người dân bức xúc liên quan lĩnh vực điện năng vì có nhiều vấn đề. Trong đó có việc, tại sao chúng ta phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới. "Vì sao thế, đây cũng là tài sản quốc gia, tại sao lãng phí như vậy", ông Minh đặt câu hỏi.
Theo ông Minh, cử tri cho rằng, sở dĩ 4.800 MW không được lên lưới là sai về thủ tục, quy chế. Do vậy, ngành điện phải đổi mới nhiều. Trong báo cáo của Chính phủ không thấy có giải pháp nào để cải tiến vấn đề này.
"Tôi tham dự nhiều cuộc họp với ngành điện, trong tổng số 100% sản lượng điện phát lên, EVN chỉ phát trực tiếp 11%, 89% sản lượng còn lại là của các công ty và doanh nghiệp khác không thuộc EVN hoặc thuộc EVN nhưng là công ty cổ phần.
EVN không tăng tiền mua điện cho 89% doanh nghiệp này, tại sao lại lỗ, trong khi giá bán vừa rồi đã tăng. Trong khi đó, số doanh nghiệp có sản lượng điện phát lên lưới trong giai đoạn 2021-2022 vẫn lãi rất lớn", ông Minh cho biết.
Đã có 24 dự án điện tái tạo chốt giá tạm với EVN, công suất 1.347 MW
Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến 24.5 có 37 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện.
24 dự án trong số này chấp nhận giá tạm tính bằng 50% mức trần trong khung giá của Bộ Công Thương, tức khoảng 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Giá mua điện chính thức và quyết toán tiền sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm tính cho 80% số dự án trên, tức 19 dự án, tổng công suất 1.347 MW.
Tại hội nghị với chủ đầu tư các dự án điện tái tạo chuyển tiếp để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa các dự án vào vận hành chiều 24.5, chủ đầu tư các dự án này nói đang cùng EVN đẩy nhanh kí hợp đồng mua bán điện, thử nghiệm để công nhận vận hành thương mại (COD).
Như vậy, khi các bước này hoàn thành, hệ thống điện sẽ có thêm hơn 1.340 MW điện từ các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, giúp giảm bớt khó khăn về nguồn cung.
Ngoài ra, dự án Điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2, công suất 30 MW đã đàm phán xong, đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Công Thương phê duyệt giá. Có 4 dự án khác công suất 154 MW đang rà soát hồ sơ.
Trao đổi với Lao Động, chủ đầu tư một dự án năng lượng tái tạo cho biết, trong lúc chờ các chính sách để chốt được mức giá chính thức với EVN, việc tạm thời đẩy điện lên lưới, được mua điện với mức 50% giá trần cũng là giải pháp tình thế. Điều này giúp các chủ đầu tư sẽ tạm thời có chi phí để vận hành nhà máy sau nhiều tháng "đắp chiếu".
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhap-khau-dien-nhung-4600-mw-dien-gio-mat-troi-khong-duoc-len-luoi-a224327.html