Nhịp đập Thị trường 25/05: GAS kéo VN-Index tăng trở lại

Cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm, nhưng VN-Index sớm hồi phục, vượt lên trên tham chiếu chỉ sau chừng 35-40 phút giao dịch, giữ được sắc xanh cho đến khi đóng cửa. Diễn biến tương tự ở chỉ số nhóm VN30. “Công” lớn này thuộc về GAS và vài Large Cap khác, nhưng sàn HOSE vẫn có gần 50% số cổ phiếu giảm giá.

Ngân hàng, BĐS nhà ở vẫn là các nhóm lớn có diễn biến tiêu cực trong phiên chiều, nhưng ngược lại 1 số nhóm khác như thực phẩm, sắt thép, dầu khí hay sản xuất điện lại có những diễn biến hồi phục khá tích cực. Nhóm BĐS khu công nghiệp vẫn duy trì sắc xanh trên diện rộng, dù cũng không có sự thay đổi nào lớn. Khối ngoại cũng tăng mức bán ròng lên tới gần 400 tỷ đồng.

GAS tăng giá đến 2.4% khi kết thúc phiên chiều. Cổ phiếu này có 1 đợt tăng nhanh và mạnh trong chừng 40 phút mà thôi, nhưng mức tăng lên đến 2,000 đồng/cp. Diễn biến tăng giá của GAS cũng lan tỏa sang khá nhiều cổ phiếu khác cùng gia đình PVN như PVB, PVC, PVD và PVS, trong đó PVB tăng trần 9.9%. Có lẽ có thông tin gì đó liên quan cùng lúc đến cả các mã này. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác trong nhóm này cũng từ giảm giá của phiên sáng mà quay lại tham chiếu, hoặc tăng giá nhẹ trở lại cuối phiên chiều.

Ngoài GAS, có 1 số Large Cap khác trên sàn HOSE đã có mức tăng giá đáng kể, cải thiện vị thế vào cuối phiên chiều, qua đó cũng góp phần kéo chỉ số VN-Index, ví dụ như FPT, MSN, VCB, TCB, VRE hay VNM.  Tuy nhiên số lượng Large Cap giảm giá vẫn nhiều hơn số tăng giá, trong đó vẫn có không ít mã vốn hóa rất lớn như STB, VPB, CTG, HPG, VJC, NVL…

VCB quay lại tăng giá nhẹ, nhưng nhóm ngân hàng trên sàn HOSE vẫn có đến 11 cổ phiếu khác giảm giá, dù hầu hết giảm dưới 1%, ngoại trừ STB và VPB. Cũng có 1 số cổ phiếu có diễn biến hồi phục trong hoặc cuối phiên, như CTG hay SHB nhưng chưa kịp về tham chiếu. Trong số 3 mã tăng giá, ngoại trừ VCB thì có BID và LPB, vốn là 2 mã tăng từ phiên sáng. Nhóm ngân hàng nói chung vẫn tác động tiêu cực lên VNindex chiều nay, bất chấp tin tức mới tích cực được liên tục công bố từ phía NHNN.

Dù có nhiều Large Cap tăng giá trở lại khá nổi bật, ví dụ như FOX, MML, MSR, OIL, SIP, SNZ, VGI, VTP… nhưng chỉ số Upcom Index chỉ hồi nhẹ và vẫn thấp hơn tham chiếu trong suốt phiên chiều.

Nhóm Sắt thép có khá nhiều cổ phiếu có diễn biến hồi phục trong phiên chiều, bao gồm NKG và các mã nhỏ hơn như VGS, SMC, SHI… Riêng HPG và HSG vẫn bị đè giá dưới tham chiếu, trong đó có phần từ khối ngoại với mức bán ròng lớn.

Khối ngoại bán ròng gần 400 tỷ trong cả ngày hôm nay, trong đó phiên chiều bán nhiều hơn phiên sáng. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh là HPG, VND, STB và CTG, cũng như cả chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Ở phía mua ròng, đáng chú ý chỉ có VIC, VRE hay BID. Đa số cổ phiểu bị bán ròng mạnh đều giảm giá, nhưng may thay, có vài mã vẫn tăng giá khi đóng cửa như KBC hay PVD.

Diễn biến chỉ số HNX-Index dĩ nhiên là chịu ảnh hưởng từ VN-Index. Vài phút đầu phiên chiều, chỉ số chính sàn HNX cũng giảm thêm, nhưng sau đó tăng ngay trở lại, vọt lên trên tham chiếu và duy trì cho đến khi đòng cửa. Trong số cổ phiếu largecap sàn này, ngoài NTP, KSF hay IDC đã được nhắc từ ban sáng, thì phải nói đến 2 mã VCS và PVS tăng mạnh trong phiên chiều.

Phiên sáng: Ngân hàng kéo VN-Index giảm

Chỉ số VN-Index lại giảm trong những phút cuối phiên sáng do nhiều Large Cap chuyển đỏ hoặc bị đè sâu hơn, nhất là cổ phiếu ngân hàng. Số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn HOSE đã vượt 50%. Đồng thời, khối ngoại bán ròng gần 190 tỷ trên sàn này.

Nhóm VN30 có đến 20 cổ phiếu giảm giá vào thời điểm cuối phiên sáng nay, so với chỉ 8 tăng giá. Trong số 8 mã tăng ít ỏi này, chỉ có vài cái tên tăng gần như suốt phiên sáng như GAS, BID, VHM, MWG… còn 1 số khác như CTG, VIC, ACB… đã chuyển qua giảm giá. Mức giảm của chỉ số nhóm này đang là gần 3 điểm, gần bằng mức giảm sâu nhất hồi đầu phiên sáng và giảm mạnh hơn VN-Index.

Các nhóm ngành lớn trên sàn HOSE đang bị sắc đỏ xâm lấn mạnh vào cuối phiên, bao gồm ngân hàng, BĐS, sắt thép, dầu khí, chứng khoán… Ngân hàng chỉ còn 2 mã tăng giá, trong khi có đến 15 mã giảm giá. Sắt thép giữa phiên còn chiếm đa số trong sắc xanh, đến cuối phiên đổi màu gần hết. BĐS có vẻ như khá hơn hai nhóm kia, tức còn khá nhiều mã tăng giá, trong đó có VHM và đa số còn lại là các mã BĐS khu công nghiệp khác, nhưng sắc đỏ cũng lấn mạnh ở các cổ phiếu BĐS nhà ở tầm trung. Báo chí đang lan tỏa thông tin về rủi ro thanh toán gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, chắc ai cũng liên tưởng đến nhóm BĐS nhà ở.

Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE có đến 15 mã giảm giá cuối phiên sáng nay, so với chỉ 2 tăng giá là BID và LPB. SHB vẫn là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm, tiếp đó là STB. VCB giảm 800 đồng, cũng gần như là mức giảm mạnh nhất sáng nay. Tương tự, là các đại gia khác như CTG, TCB, VPB.

GAS đang giảm 900 đồng/cp so với mức đỉnh được thiết lập hồi giữa phiên sáng, nhưng vẫn cao hơn tham chiếu 500 đồng. Đại gia của ngành dầu khí giảm giá có lẽ liên quan đến thông tin về ĐHCĐ tổ chức sáng nay, trong đó có kế hoạch giảm doanh thu và lợi nhuận năm nay 2023 giảm mạnh so với năm 2022. Tuy nhiên cũng lưu ý, kế hoạch này dựa trên giả định giá dầu Brent 70 USD/thùng, thấp hơn 10% so với mức hiện tại. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN sáng nay cũng đang bị sắc đỏ xâm lấn, dù đầu phiên còn khá nhiều sắc xanh. Không ít mã đã giảm giá vào lúc này, trong đó đáng chú ý là PVD, PVG, PXS hay BSR. Một số mã như PVC, PVD hay PVS đầu phiên còn tăng giá, đến lúc này giảm hết. chỉ số ít như PVT hay PVB là còn giữ được sắc xanh.

BCM đã tăng giá trở lại 100 đồng chỉ vài phút trước khi hết phiên sáng, dù sao cũng là tin tốt cho cổ đông. Nhóm BĐS khu công nghiệp vẫn giữ được sắc xanh trên diện rộng, nhất là ở NTC, PHR, IDC, SIP, SNZ, TID, LHG, ITA… nhưng rất nhiều mã trong số này đã bị giảm bớt đà tăng.

3 đại gia ngành thép là HPG, HSG và NKG đều đã quay qua với sắc đỏ, trong đó HPG và HSG bị khối ngoại bán mạnh. Nhiều cổ phiếu khác trong ngành này cũng bị đỏ lây như TLH, TVN, SHI.. nhưng vẫn có 1 số mã xanh vào phút cuối như VGS, SHA hay HMC.

Diễn biến của chỉ số HNX Index như chữ V úp ngược, và hiện cũng giảm nhẹ dưới tham chiếu. Đa số largecap sàn HNX đã giảm, trong đó đáng chú ý có CEO, MBS, VNR hay SHS. Một số ít khác tăng giá khá tốt như IDC hay NTP, nhưng có vẻ khá lẻ loi.

Chỉ số chính sàn Upcom đang giảm sâu hơn hẳn các chỉ số bên sàn niêm yết, tính theo %, tuy nhiên vấn đề là trong nhóm largecap sàn này, khó nhìn ra được mã nào giảm sâu và kéo chỉ số giảm theo, nhất là trong nửa cuối phiên sáng nay. Trong số những mã giảm giá đó, đáng chú ý có KLB, QNS, VEF, MVN, BSR… nhưng hầu hết mức giảm ở những mã này vẫn ngang bằng so với mức giảm hồi giữa phiên. Ngược lại, SIP, SNZ hay FOX vẫn là những largecap tăng giá đáng kể.   

10h30: VN-Index quay trở lên trên tham chiếu

Giảm khá sâu sau khi mở cửa được vài phút, chỉ số VN-Index đã đang hồi lại, và vượt lên trên tham chiếu vào lúc này. Sàn HOSE cũng có nhiều cổ phiếu tăng giá hơn, thậm chí đã nhiều hơn số giảm giá (dù chưa vượt quá bán). Khối ngoại đang bán ròng nhẹ ở sàn HOSE.

Chỉ số Nhóm VN30 cũng hồi lên trên tham chiếu, đồng dạng với VN-Index, nhưng hiện đang quay lại sát điểm tham chiếu, và điểm thú vị là nhóm này vẫn có đến 15 cổ phiếu giảm giá, so với chỉ 10 mã tăng giá. Trong nhóm “thiểu số” tăng giá này, có khá nhiều đại gia vốn hóa khủng như GAS, VHM, NVL, VN, MWG, TCB hay BID… dù mức tăng giá hầu hết dưới 1%. Ngoài ra, cũng may mắn là trong nhóm giảm giá, chỉ có PDR giảm trên 1%.

Cổ phiếu nhóm BĐS khu công nghiệp vẫn giữ được sắc xanh trên diện rộng, nhưng đã có bất ngờ ở BCM, cổ phiếu này hiện đang giảm nhẹ 300 đồng với lượng khớp rất thấp. Còn lại, nhiều mã vẫn giữ được đà tăng giá khá cao, như SIP, SNZ, SZC, TID, THG, IDC, LHG… và nhất là NTC, tăng gần 15% với thông tin được giao đất mới. Thực tế NTC đã tăng giá mạnh trong tháng 5 này, không rõ có phải là phản ứng đón đầu thông tin vừa công bố hay không?

Sắt thép cũng đang bất ngờ có nhiều mã tăng giá dù mức tăng dưới 1%, bao gồm cả HPG, NKG, HSG và những mã nhỏ hơn như SMC, TLH, SHA, HMC, VGS…

Nhóm ngân hàng đang có nhiều sắc đỏ, trong đó có cả VCB, CTG, TCB, VPB và nhiều largecap khác. BID là dạng hiếm giữ được đà tăng giá, dù hiện khá mong manh trong nhóm này trên sàn HOSE.

Chỉ số HNX-Index có vẻ đồng dạng với VN-Index, nhưng lại là tăng khá trước 10h trước khi bị đẩy lùi vào giữa phiên sáng. Nhóm Large Cap sàn này vẫn đang phân hóa rõ, với IDC, KSF, NTP, VCS… tăng giá đối trọng lại PVI, VNR, CEO, NVB…, số lượng giảm giá đang nhiều hơn 1 chút so với số tăng giá.

Chỉ số UPCoM-Index đang giảm khá nhanh sau 10g trở đi, có lẽ liên quan đến nhiều Large Cap trên sàn này đồng loạt giảm, bao gồm MVN, QNS, ACV, BSR, VEF, TVN, KLB, MCH… SIP, SNZ hay FOX dù được coi là tăng giá nổi bật trong nhóm Large Cap này, nhưng dĩ nhiên cũng không “cân” lại số giảm giá kia.

VN-Index mở cửa dính chút sắc xanh

Chỉ số VN-Index mở cửa gần như không tăng điểm, nhưng ít ra vẫn dính tí màu xanh. Sàn HOSE đầu phiên màu vàng chiếm ưu thế, dù sau đó có vẻ ngả dần qua sắc đỏ. Chỉ số nhóm VN30 cũng đã giảm dù rất nhẹ, và cũng chỉ có chưa đến 10 mã giảm giá.

Chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm 4 phiên liên tiếp, được cho là phản ứng trước thời hạn thương lượng về trần nợ công bên đó, và có lẽ đây cũng là 1 yếu tố kìm hãm triển vọng tăng của VN-Index trong ngắn hạn, bất chấp thông tin tích cực từ NHNN. Tuy nhiên, NĐT cũng cần nhớ rằng chỉ số này vẫn đang gần như là đi ngang trong phạm vi hẹp kể từ tháng 3 đến nay.

Cổ phiếu ở các nhóm ngành lớn trên sàn HOSE đa số ít thay đổi khi mở cửa, bao gồm cả nhóm ngân hàng hay BĐS. Ví dụ như ở nhóm ngân hàng, chỉ có 4 mã tăng trong khi cũng chỉ có 6 mã giảm giá. Ngoài ra, mức độ biến động giá dù tăng hay giảm cũng rất nhẹ, chỉ có SHB là giảm trên 1%. Tương tự ở nhóm BĐS, chỉ có vài mã tăng hoặc giảm giá hơn 1% như NLG, SJS hay HDC. TDH là trường hợp hiếm khi tăng trần hơn 6.7%.

Nhóm BĐS khu công nghiệp nổi sóng, với hàng loạt mã tăng ngay hoặc sau ATO chỉ vài phút. Trong số này, nổi lên có ITA, SIP, SNZ, PHR… là tăng khá mạnh, từ 3% trở lên, và nhiều mã khác tăng 1-2%.

Các chỉ số chính 2 sàn HNX và UPCoM đầu phiên tăng nhẹ, nhưng Upcom Index chuyển qua giảm tại thời điểm sàn HOSE mở cửa, trong khi HNX-Index vẫn còn tăng chút ít. Việc VNZ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch dĩ nhiên không ảnh hưởng đến UPCoM-Index đầu phiên, tuy nhiên chỉ hỉ số sàn này giảm nhẹ có lẽ do chịu tác động từ không ít Large Cap, ví dụ như ACV, BSR, QNS, KLB… bất chấp SNZ và SIP tăng khá mạnh (trên 3%). Ở nhóm Large Cap sàn HNX, cũng không có nhiều biến động, nhưng ít ra là có vài mã tăng “tạm được”, ví dụ như IDC, KSF hay PVS.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhip-dap-thi-truong-2505-gas-keo-vn-index-tang-tro-lai-a224369.html