Dự án Chung cư Nguyễn Kim - khu B, quận 10 là dự án xây dựng mới chủ yếu để phục vụ tái định cư cho các lô K, L, M, N, O chung cư Nguyễn Kim cũ, thực hiện theo chủ trương triển khai việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đang bị hư hỏng hoặc xuống cấp nghiêm trọng cần được cải tạo, xây dựng lại, nên được miễn tiền sử dụng đất.
Còn dự án Cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3 (viết tắt dự án Cao ốc văn phòng) là dự án đầu tư xây dựng trên đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm.
Cả 2 dự án đều do TCT Địa ốc Sài Gòn 100% vốn Nhà nước làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, TCT Địa ốc Sài Gòn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu sót.
Với dự án Chung cư Nguyễn Kim - khu B, KLTT cho rằng việc TCT Địa ốc Sài Gòn thực hiện hình thức chỉ định thầu đối với 3 gói thầu: Gói thầu thi công xây dựng phần móng, hầm và sàn tầng trệt với giá trị 147,7 tỷ đồng; Gói thầu lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán với giá trị 9,8 tỷ đồng và Gói thầu tư vấn giám sát với giá trị 5,2 tỷ đồng là thực hiện chưa đúng quy định.
Về công tác thẩm định, phê duyệt tổng dự toán công trình dự án Chung cư Nguyễn Kim - khu B, báo cáo thẩm định cho Gói thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị còn thiếu một số nội dung tóm tắt quá trình đấu thầu, tổng hợp kết quả thẩm định và chậm thực hiện đăng tải thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu…
Đáng nói, dự án này đã khởi công chậm so với kế hoạch khoảng 2 năm, các gói thầu thi công công trình đều chậm tiến độ so với hợp đồng thi công và dự án chậm tiến độ hoàn thành so với kế hoạch 3 năm.
Trong khi đó, với dự án Cao ốc văn phòng, KLTT nêu rõ dự án đã được Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) TCT Địa ốc Sài Gòn và được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án từ năm 2006, nhưng đến nay chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Tất cả các gói thầu thi công đều chậm tiến độ, đến thời điểm thanh tra vẫn còn đang thực hiện các gói thầu hoàn thiện trong và ngoài công trình.
Khu đất số 257 Điện Biên Phủ là đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê hàng năm, nhưng TCT Địa ốc Sài Gòn kêu gọi đầu tư, góp vốn hợp tác thực hiện dự án khi chưa xin ý kiến chấp thuận của UBND thành phố trước khi thực hiện.
Khu đất nêu trên Nhà nước cho thuê trả tiền thuê hàng năm, nên giá trị thương quyền của khu đất thuộc về Nhà nước. Do đó, yêu cầu TCT Địa ốc Sài Gòn nộp lại giá trị thương quyền của khu đất số 257 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3 (nay là phường Võ Thị Sáu, quận 3) vào Ngân sách Nhà nước.
Giá trị vốn góp bằng giá trị thương quyền khu đất 257 Điện Biên Phủ được TCT Địa ốc Sài Gòn và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) thống nhất xác định là 45 tỷ đồng, căn cứ vào Chứng thư thẩm định số 09/TĐG-CT/VINAP ngày 8/5/2014 của Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư Việt Nam (giá chứng thư thẩm định là 42,429 tỷ đồng).
Về tỷ lệ vốn góp và phân chia lợi nhuận, hiện nay tiến độ thực hiện dự án đã vào giai đoạn cuối (các gói thầu đã đạt từ 93% đến 98%), số tiền huy động từ Công ty Nguyễn Kim là gần 169 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư thực tế vào dự án giảm so với tổng mức đầu tư ước tính ban đầu (300 tỷ đồng).
Do đó, cần phải rà soát, đối chiếu số tiền đầu tư thực tế mà mỗi bên đã góp vào dự án sau khi quyết toán hoàn thành công trình, để xem xét lại tỷ lệ góp vốn và tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa TCT Địa ốc Sài Gòn và Công ty Nguyễn Kim nhằm đảm bảo lợi ích của TCT Địa ốc Sài Gòn.
Trên cơ sở KLTT, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu đã có kết luận về việc thực hiện 2 dự án kể trên. Trong đó, thống nhất cơ bản nội dung KLTT số 03/KL-TTTP-P7 ngày 6/4/2021 của Thanh tra thành phố. Giao Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc TCT Địa ốc Sài Gòn khẩn trương, nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến công tác đầu tư xây dựng dự án; nghiêm túc thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, chấm dứt việc chỉ định thầu không đúng quy định; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu… Đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 2 dự án, tránh lãng phí tài sản Nhà nước, lãng phí đất đai.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu TCT Địa ốc Sài Gòn nộp lại giá trị thương quyền của khu đất số 257 đường Điện Biên Phủ vào ngân sách Nhà nước sau khi dự án được được đưa vào khai thác, sử dụng và có nguồn thu…
Tổ chức kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có liên đến các hạn chế, thiếu sót theo KLTT. Qua đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có biện pháp xử lý phù hợp quy định.
Liên quan tới TCT Địa ốc Sài Gòn, ngày 18/7, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết đã kỷ luật khai trừ đảng đối với một số đảng viên thuộc TCT này do vi phạm pháp luật. Cụ thể, khai trừ ra khỏi đảng đối với các đảng viên gồm: Nguyễn Tín Trung (nguyên Chủ tịch HĐTV), Nguyễn Phước Ngọc (nguyên Chủ tịch HĐTV), Đỗ Văn Phúc (nguyên Phó Tổng giám đốc), Nguyễn Đình Phú (nguyên Phó Tổng giám đốc), Hoàng Hải Đăng (nguyên Phó Tổng giám đốc), Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên Phó Tổng giám đốc), Trần Công Đức (nguyên Thành viên HĐTV), Võ Hữu Hải (nguyên Kiểm soát viên).
Việc khai trừ đảng các đảng viên trên từ kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy TCT Địa ốc Sài Gòn nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 8 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thi hành kỷ luật mức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy TCT này.
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, tổ chức đảng và đảng viên của TCT Địa ốc Sài Gòn đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu giám sát để xảy việc chuyển nhượng đất vi phạm pháp luật, gây thiệt hại tài sản Nhà nước và khiến nhiều cán bộ, đảng viên là lãnh đạo đơn vị bị khởi tố, tạm giam.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-vi-pham-trong-viec-thuc-hien-2-du-an-cua-tong-cong-ty-dia-oc-sai-gon-a230728.html