Nhận diện cơ hội sóng ngành nửa cuối năm

Đà tăng của thị trường chứng khoán vừa qua nhờ dòng tiền dẫn dắt nhiều hơn là phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khiến nhiều cổ phiếu đang ở mức định giá khá đắt. Thị trường nửa cuối năm khó kiếm lời lớn như nửa đầu năm, nhưng vẫn có những nhóm ngành dẫn sóng tăng.

Bank còn dư địa

Tuần trước, trong một vài phiên giao dịch, dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng. Lần lượt một vài cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh.

Theo dữ liệu thống kê ngày 18/7/2023, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch ở mức 21,12%, tăng từ mức 18,63% phiên trước, cao thứ nhì trong 10 ngày liên tiếp. Chỉ số ngành tăng 0,64%, cho thấy có dòng tiền vào nhóm này và cầu chủ động đẩy giá. Trong phiên này, VPB, TPB là 2 mã lọt trong Top có khối lượng giao dịch trong ngày lớn hơn 1,5 lần trung bình 5 phiên trước đó. VPB, SHB, SSB là 3 cổ phiếu vượt đỉnh 3 tháng. Phiên 20/7/2023, mã SHB đã lập đỉnh mới của năm và HDB đạt đỉnh 6 tháng.

chung-khoan-la-mot-trong-nhung-nganh-duoc-ky-vong-co-song-trong-nua-cuoi-nam-nho-da-hoi-phuc-cua-thi-truong-1690424927.jpg
Chứng khoán là một trong những ngành được kỳ vọng có sóng trong nửa cuối năm nhờ đà hồi phục của thị trường.

Ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital cho rằng, định giá ngành ngân hàng hiện đang ở mức rẻ hơn so với bình quân 3 năm trong quá khứ. Hệ số giá trên giá trị sổ sách bình quân (P/B) năm 2024 ước tính của ngành (không tính Vietcombank) là 1,1 lần, ROE ngành dự báo ở mức 18%, thấp hơn so với mức P/B trung bình 3 năm gần nhất là 1,4 lần.

Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước, thông qua nhiều đợt cắt giảm lãi suất và các biện pháp hỗ trợ đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản giúp củng cố triển vọng ngắn hạn của ngành ngân hàng, từ đó có thể hỗ trợ cho định giá ngành này được cải thiện.

“Nhìn VIB, đỉnh điểm có lúc giao dịch tại P/B 4x, giờ chỉ còn 1,5x, trong khi ROE 30%, NIM cao nhất ngành, điểm trừ là rủi ro nợ xấu. Nhìn ngay lúc này, VIB không mấy hấp dẫn, nhưng khi kinh tế phục hồi, có thể tăng giá gấp hai’, một nhà đầu tư lâu năm theo trường phái giá trị chia sẻ.

Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng bị rơi về vùng định giá thấp, P/B từ 0,9 - 1,5x, chẳng hạn ngân hàng thường xuyên được các công ty chứng khoán đánh giá cao như TCB đang có định giá P/B năm 2023 là 0,8 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành là 1,4 lần - là mức được cho là đã phản ánh các rủi ro về trái phiếu, nợ xấu. Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Invesment bank cho rằng, đây là cơ hội lớn để mua tích luỹ TCB cho một chu kỳ ngành ngân hàng đang phát triển trong dài hạn.

Có thể thấy, mức định giá giảm mạnh so với đỉnh là điều dễ thấy ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng trước các lo ngại về trái phiếu, bất động sản, kéo theo rủi ro nợ xấu tăng cao và dòng tiền vào thị trường ở mức khả quan hơn chưa thật sự mạnh mẽ nên đà tăng của cổ phiếu ngân hàng không dễ dàng.

Tính đến ngày 20/7/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt mức tỷ suất sinh lợi khá tốt, với 16,5%. Trong bối cảnh nền kinh tế thực vẫn đang gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công cho rằng, thị trường 6 tháng cuối năm sẽ khó thuận lợi như nửa đầu năm. Đứng ở góc nhìn định giá, có 2 nhóm cổ phiếu hiện đang có mức định giá khá hấp dẫn là ngân hàng và vận tải dầu khí.

Ở nhóm ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận sẽ bắt đầu có sự phân hóa đáng kể, phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của các ngân hàng. Các ngân hàng có xu hướng cho vay thận trọng, không nắm giữ trái phiếu bất động sản như ACB, STB, VCB sẽ duy trì mức tăng trưởng cao khi định giá khá thấp so với định giá chung của thị trường.

Ở nhóm vận tải dầu khí, các công ty hiện nay đang được hưởng lợi nhờ xu hướng giá cước vận tải tăng cao kể từ đầu năm 2022 đến nay và hầu hết sẽ có mức tăng trưởng tốt trong năm 2023. Về định giá, cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong ngành như VTO, VIP, PVP vẫn đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách, mặc dù tạo ra một mức tỷ suất lợi nhuận ROE tốt. Do đó, các cổ phiếu ngành vận tải dầu khí có thể sẽ dẫn sóng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023.

Cùng góc nhìn về nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (mã BSH) bày tỏ quan điểm đầu tư giai đoạn này không dựa trên triển vọng ngắn hạn. Dù vậy, theo thống kê, ngành duy nhất hiện chưa tăng giá là ngân hàng. Rõ ràng, cổ phiếu bất động sản tăng nhưng cổ phiếu ngân hàng không tăng, trong khi ngân hàng đang cho bất động sản vay rất nhiều. Nếu đợt vừa rồi, cổ phiếu ngân hàng cũng tăng, VN-Index có thể leo đến vùng 1.300 điểm.

Nói về sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng, cá nhân ông Bình ưa thích cổ phiếu VCB, nhưng cổ phiếu này đang ở mức giá cao, bên cạnh đó ACB, TPB cũng có tiềm năng.

“Cổ chứng” kỳ vọng đi trước

Kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán lần lượt được công bố với những con số đúng như dự báo về doanh thu tăng trưởng đáng kể của mảng môi giới, tự doanh nhờ thị trường phục hồi.

Tuy nhiên, theo ông Matthew Smith, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, không nên mong đợi quá nhiều đối với con số lợi nhuận quý II/2023, vì vẫn sẽ thấp hơn so với mức đỉnh 2021, do thị trường chứng khoán tương đối ảm đạm trong tháng 4 và tháng 5. Nhà đầu tư nên tập trung vào phân tích báo cáo tài chính bán niên 2023 - đặc biệt là khoản cho vay ký quỹ và lợi nhuận từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/ lỗ (FVPL) - đây sẽ là những chỉ báo sớm về lợi nhuận quý III/2023 và các quý sau đó.

Dòng tiền đang có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Các công ty chứng khoán là những đại diện sáng giá cho thị trường tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng thị trường tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 được hỗ trợ bởi các yếu tố kỹ thuật tích cực, lãi suất chiết khấu giảm và thanh khoản thị trường tăng vọt trong bốn tuần qua. Các cổ phiếu ngành chứng khoán đã tăng giá vượt trội so với thị trường từ đầu năm đến nay, nhưng ông

Matthew Smith vẫn khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu ngành chứng khoán trong danh mục đầu tư, do dự báo đà tăng của nhóm này vẫn được duy trì. Bốn cổ phiếu được chuyên gia khuyến nghị là SSI, VND, VCI, HCM.

P/B dự phóng của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang quanh ngưỡng 1,5 - 2,3x, không phải là mức “sàn” nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức định giá P/B cao nhất được ghi nhận khi thị trường tăng mạnh (năm 2021) là 3,7 - 4,4x. Ông Mathew cho rằng, cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn còn tiềm năng tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm và mức sinh lời kỳ vọng trong 12 tháng là 21 - 26%.

Rủi ro đối với khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu của các công ty chứng khoán chính là nhóm này rất nhạy cảm với những diễn biến trên thị trường - vốn biến động liên tục và rất khó để dự báo một cách chắc chắn. Nếu xu hướng tăng gần đây của thị trường đảo chiều, chắc chắn sẽ chấm dứt đà tăng của ngành. Nhưng các nhà đầu tư nên lưu ý rằng, các công ty chứng khoán có chiến lược kinh doanh khác nhau nên mức độ rủi ro khi thị trường đảo chiều xu hướng tăng cũng khác nhau.

Cơ hội ở những cổ phiếu định giá hấp dẫn

Ông Nguyễn Hữu Bình cho rằng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào việc đầu tư dài hạn vào cổ phiếu định giá thấp của những doanh nghiệp có nền tảng, cơ hội bứt phá cho năm sau.

Ví dụ, nhóm thuỷ sản như các doanh nghiệp tôm, cá (FMC, VHC...); gỗ, nhóm nguyên liệu hàng hoá do nhu cầu thế giới năm 2023 thấp; nhóm hoá chất - khi kinh tế tốt hơn, công nghiệp phát triển thì các doanh nghiệp hoá chất sẽ tăng trưởng trở lại.

Còn để nói về cơ hội trong từng doanh nghiệp, sẽ còn tuỳ thuộc vào góc nhìn mỗi người và cần đi sâu vào từng doanh nghiệp. Ví dụ, với Hoá chất Đức Giang (mã DGC), nhiều người cho rằng giá phốt pho đang xuống thấp do nhu cầu thấp, nhưng nếu năm sau, kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu tăng lên sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thông thường, hàng năm, 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Có nghĩa rằng, nhóm đầu tư công về cơ bản vẫn còn dư địa hưởng lợi, dù trong 6 tháng đầu năm, nhóm đầu tư công đã có nhịp tăng rất dài.

Nhóm thứ hai, dịch vụ dầu khí, cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn, là bởi Chính phủ đang đẩy mạnh các dự án mỏ khí mới để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), điều này sẽ làm giảm sản lượng năng lượng của các nhà máy thủy điện và nhiệt điện và giúp đẩy mạnh hoạt động của nhóm điện khí, điện gió và điện mặt trời.

“Trước mắt, dự án Lô B - Ô Môn sẽ là câu chuyện giúp nhóm dịch vụ dầu khí hồi phục tốt. Xét về định giá và dư địa tăng trưởng, tôi cho rằng, nhóm này vẫn đang có mức định giá tương đối hấp dẫn”, ông Minh nói.Dòng tiền dẫn dắt là chính, nhiều cổ phiếu đã đắt

Nhìn vào các chỉ số vĩ mô, ông Nguyễn Hữu Bình cho rằng, VN-Index lên vùng 1.170 điểm là bắt đầu trở nên đắt. Quý III, dự báo vĩ mô vẫn còn khó khăn và quý IV cũng chưa nhìn thấy được gợi mở đáng kể nào. Về thông tin chính sách, chính sách tài khóa có thể còn chút dư địa, nhưng dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, Ngân hàng Nhà nước cố gắng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải tính toán kỹ tác động ngược đến tỷ giá.

“Lãi suất cho vay hạ không nhiều, room tín dụng không tăng mạnh thì chưa giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp. Hiện thị trường chứng khoán đang phản ánh dòng tiền hơn là phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một số mã đã quá đắt và một số mã đang bắt đầu đắt hơn. Đơn cử, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát đã lên đến vùng giá 27.000 đồng/cổ phiếu, nhưng việc định giá lại cổ phiếu này có hợp lý, nhất là khi giá thép tiếp tục hạ”, ông Bình đặt vấn đề.

Theo ông Bình, lãi suất có thể xuống một nhịp nữa nhưng đó không phải điều cốt lõi của thị trường chứng khoán. Nhiều người đang kỳ vọng VN-Index lên 1.200 - 1.300 điểm, thậm chí đến 1.400 điểm, chủ yếu liên quan đến dòng tiền. Khi thị trường lên bằng dòng tiền đến mức đắt thì khi nhà đầu tư nhìn lại sẽ xảy ra hiện tượng bán tháo.

Thống kê cho thấy, ít nhất hơn 10 mã đạt đỉnh lịch sử nên sẽ có rủi ro nếu thị trường có xu hướng đảo chiều. Trong đó, VSH tăng lên gần hơn 44.000 đồng/cổ phiếu; PGD đã tăng đến vùng giá 58.000 đồng/cổ phiếu; BMP đã vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu; FPT cũng lên vùng 80.000 đồng/cổ phiếu...

Về chiến lược đầu tư, một số chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên xem xét những cổ phiếu đã có mức tăng mạnh trong thời gian qua để chốt lời tránh rủi ro, còn những cổ phiếu nào có tiềm năng nhưng chưa tăng nhiều thì vẫn giữ cho năm sau.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhan-dien-co-hoi-song-nganh-nua-cuoi-nam-a231549.html