Trong báo cáo mới được công bố, CTCK BIDV (BSC) đánh giá việc làn sóng dịch bệnh Covid-19 một lần nữa bùng phát tại Việt Nam đã tác động khiến GDP trong ngắn hạn tăng kém. Đồng thời, nguồn cung vaccine thông qua COVAX chậm lại khả năng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc phục hồi của vĩ mô.
BSC điều chỉnh giảm triển vọng GDP xuống 6,16% tương đương mức giảm 0,15% so với kỳ vọng đầu năm với kịch bản cơ sở, ở kịch bản tích cực tiếp tục được giữ tại 7,11%.
Nguồn BSC
Tình trạng lao động nhìn chung cho thấy tín hiệu tích cực. Tuy vậy, trong tháng 3, số công ty giải thể, tạm dừng hoạt động ngắn hạn duy trì cho thấy việc tái cấu trúc còn tiếp diễn đến hết năm với lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 28,2% đồng thời lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động giảm 0,5%.
Kiểm soát tốt dịch bệnh tại tháng 2 là tiền đề cho sự hồi phục bán lẻ, tiêu dùng duy trì tích cực. Trong tháng 3, thương mại, dịch vụ duy trì tăng lần lượt 6,8% và 3,9%.
Trong các tháng đầu 2021, tình hình giải ngân chậm 13.0%. Nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện song hành cùng kỳ nghỉ lễ, cũng như công tác nhân sự diễn ra trong tháng 3, góp phần làm chậm giải ngân so cùng kỳ 2020. Tuy vậy, BSC cho rằng giải ngân vẫn được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt phục hồi kinh tế, ước đạt 485,636 tỷ VND (bằng 101.7% dự toán 2021).
Lũy kế tới cuối tháng 3, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 22% và 26,3% so với cùng kỳ; xuất siêu 0.4 tỷ USD khiến CCTM lũy kế năm 2021 là 2.03 tỷ USD. Xuất nhập khẩu kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng ổn định trong quý 2, BSC ước tính nâng dự báo xuất khẩu lên mức 10.2% trong khi nhập khẩu tăng 12.1% vào năm 2021 do nhóm hàng hóa thiết bị dụng cụ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Xuất khẩu. nhập khẩu lũy kế 3 tháng 2021
Về biến động TTCK Quý 2/2021, trong kịch bản dự báo, BSC tin rằng VN-Index duy trì đà tăng trung hạn và đủ khả năng vượt mức cản tâm lý 1.200, hướng tiếp về khu vực quanh 1.300 vào khoảng cuối tháng 5 và kết thúc tháng 6 ở trên ngưỡng 1.250. Tuy vậy, vận động tăng sẽ chia thành các nhịp sóng nhỏ với những đợt điều chỉnh ngắn hạn trước khi tiếp tục xu hướng đi lên. Các thị trường thế giới dự báo giữ được trạng thái tăng kéo dài từ năm ngoái nhưng sẽ là nhịp tăng từ từ và ổn định trong bối cảnh kinh tế tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách của các NHTW lớn. Quá trình thử nghiệm vaccine mới cũng như phân phối những vaccine đã kiểm duyệt được đẩy mạnh hơn, hỗ trợ tâm lý thị trường. Cùng với đó, việc các quốc gia triển khai hộ chiếu vaccine cũng sẽ khiến ngành du lịch và lưu trú có sự hồi phục tốt hơn.
BSC dự báo trong Quý 2, P/E VN-Index tiếp tục tăng lên mức 19.3, đồng thời với kịch bản VN-Index đạt 1.250 điểm, dự báo vốn hóa tăng 5%. Về khối ngoại, BSC nhận định thị trường tiếp tục có cơ hội đón dòng tiền mới khi các Quỹ tracking theo MSCI và FTSE mở mới cũng như nối tiếp quá trình tăng tỷ trọng Việt Nam trong danh mục đầu tư.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-bsc-vn-index-du-kha-nang-vuot-can-tam-ly-ket-thuc-quy-22021-tren-nguong-1250-diem-a23700.html