Tháng 10 vừa qua, CEO Wael Sawan của Shell gây xôn xao khi cho biết tập đoàn năng lượng tư nhân hàng đầu thế giới này đã từ bỏ kế hoạch chi 100 triệu USD mỗi năm để bù đắp lượng khí thải carbon. Trước đây, ông lớn ngành dầu khí từng mua tín chỉ carbon tư nhân tại thị trường tự nguyện để bù đắp lượng khí thải nhà kính tạo ra từ quá trình sản xuất và vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng trước khi bán nhiên liệu cho những khách hàng quan tâm đến môi trường. Shell thậm chí đã lên kế hoạch mỗi năm mua một lượng tín chỉ trị giá 120 triệu tấn carbon dioxide (CO₂) hoặc tương đương cho đến năm 2030.
Các hãng hàng không và công ty năng lượng bắt đầu ngừng mua tín chỉ carbon |
Hiện nay, có hai loại hình giao dịch tín chỉ carbon. Một là do các tổ chức trong khu vực công, chẳng hạn như Liên minh Châu Âu (EU) dẫn dắt, mang tính chất bắt buộc. Tại thị trường carbon bắt buộc, việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Nếu một doanh nghiệp bị cơ quan công quyền, chẳng hạn như EU, áp đặt mức giới hạn thì doanh nghiệp đó phải mua trợ cấp từ các chương trình được pháp luật quy định để bù đắp lượng khí thải vượt trần.
Loại hình giao dịch tín chỉ carbon thứ hai là do các nhà phát triển dự án tư nhân cung cấp và trao đổi, theo thể thức tự nguyện. Tại thị trường này, bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để đạt muc tiêu giảm dấu chân carbon của mình.
Tín chỉ carbon là gì? Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO₂ hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO₂. Việc mua bán sự phát thải khí CO₂ hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. |
Theo Nikkei Asia, Shell và các doanh nghiệp khác đã quyết định không sử dụng tín dụng tư nhân vì nghi ngờ về tính hiệu quả của chúng. Hợp đồng tương lai cho tín chỉ carbon được giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã sụt giảm mạnh với dự báo rằng nhu cầu sẽ yếu đi. Các hợp đồng bù đắp khí thải hình thành trong tương lai của các hãng hàng không đã chạm đáy sau khi niêm yết vào tháng 11.
Tín chỉ tư nhân thường liên quan đến các khoản đền bù dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như các dự án bảo tồn rừng. Các nhà phát triển dự án sẽ cấp tín chỉ carbon sau khi các cơ quan chứng nhận tư nhân xác minh lợi ích môi trường của họ. Tuy nhiên, gần đây, một nhóm chuyên gia, bao gồm cả giáo sư Đại học Cambridge, sau khi kiểm tra 18 dự án bảo tồn rừng lớn, đã phát hiện ra rằng chỉ có 6% khoản tín dụng này mang lại mức giảm khí thải như hứa hẹn.
Giao dịch tín chỉ carbon tại thị trường tư nhân vẫn còn ở mức thấp, với tổng giá trị giao dịch ghi nhận năm 2022 là 1,9 tỷ USD, chưa bằng 1% giao dịch trên hệ thống giao dịch khí thải của khu vực công. Dù vậy, giao dịch tư nhân vẫn được xem là sự bổ sung cho các chương trình công cộng.
Các chuyên gia cho biết, Năm 2015, thế giới đạt được hiệp ước khí hậu toàn cầu, tức Thỏa thuận Paris, nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5oC so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp (trước năm 1760). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó đạt được mục tiêu này trừ khi phải sử dụng các khoản tín dụng tư nhân rẻ tiền, dễ tiếp cận. Với nỗ lực giảm phát thải hiện nay, thế giới có thể sẽ sớm đạt tình trạng nóng ấm dần trên toàn cầu vào năm 2030.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, mục tiêu giới hạn gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C đặt ra tại Thoả thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu sẽ khó đạt được nếu như các giao dịch tín chỉ carbon tư nhân rẻ tiền và dễ tiếp cận không được tăng lên.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đặt câu hỏi về tính hiệu quả của tín chỉ carbon tư nhân trong việc hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các nhà hoạt động khí hậu từ lâu đã kêu gọi các công ty tự mình cắt giảm lượng khí thải thay vì dựa vào việc bù đắp lượng carbon bằng cách mua từ nơi khác. Nikkei Asia chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp đã bắt đầu lo lắng về rủi ro danh tiếng có thể xảy ra nếu họ liên quan đến các khoản tín dụng có chất lượng đáng ngờ.
Tổ chức nghiên cứu thị trường Carbon Direct của Hoa Kỳ dự báo rằng, việc phát hành tín chỉ tư nhân trong năm nay sẽ giảm 5% so với năm ngoài. Trong bối cảnh các hãng hàng không và công ty năng lượng bắt đầu ngừng mua hàng, các nhà phát triển dự án dường như đang cắt giảm việc cấp tín chỉ hoặc đình chỉ các dự án. Đây được xem là một động thái ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực giảm phát thải toàn cầu.
Mặt khác, các chuyên gia chỉ ra rằng, những bên mua tiềm năng vẫn đang rất quan tâm đến tín chỉ carbon chất lượng cao được hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến. Những công nghệ này bao gồm một quy trình được gọi là thu khí trực tiếp bằng phương pháp lưu trữ carbon, hay DACCS, thu thập carbon dioxide từ không khí để lưu trữ dưới lòng đất. Tuy nhiên, những công cụ này lại rất đắt tiền. Với mức hơn 1.000 USD cho mỗi tấn khí thải CO₂ và tương đương, các khoản tín dụng dựa trên DACCS sẽ có giá cao gấp 138 lần so với các khoản tín dụng dựa trên bảo tồn rừng.
Theo Nikkei Asia, nếu các khoản tín dụng chất lượng cao được cung cấp với chi phí thấp, các công ty sẽ có nhiều lựa chọn hơn để theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải. Song để thu hút được nguồn vốn cần thiết cho việc phát triển, tín chỉ carbon phải tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và các cơ chế đánh giá chất lượng của chúng phải được cải thiện.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/doanh-nghiep-khong-con-man-ma-voi-giao-dich-tin-chi-carbon-nguyen-nhan-vi-dau-a248035.html