Vì cuộc khó khăn, thiếu đất sản xuất nên những năm 2007 – 2008, bà con đồng bào người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện cuộc di dân vào mảnh đất Tây Nguyên. Theo đó, hàng chục hộ dân người Dao đã chọn mảnh đất Chư Krey huyện Kông Chro làm nơi lập nghiệp.
Thế nhưng, tại đây cuộc sống của các hộ dân này gặp nhiều khó khăn, giao thông trắc trở, đặc biệt vào mùa mưa lũ, nước lớn học sinh thường xuyên phải nghỉ học. Bên cạnh đó, hầu hết bà con chọn cách sống gần rừng vì vậy công tác quản lý nhà nước, an ninh trật tự tại khu vực này cũng gặp những khó khăn, phức tạp.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, tạo điều kiện giúp người dân ổn định cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường, năm 2018 UBND huyện Kông Chro đã triển khai “Dự án ổn định dân di cư tự do” tại làng Lơ Bơ, xã Chư Krêy với kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng. Ngôi làng cách trụ sở UBND xã Chư Krey khoảng 4km.
Đồng thời, chính quyền cũng xây dựng trạm hạ thế, san ủi mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông, xây dựng 2 bể nước và hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng dời nhà từ trong rừng ra khu tái định cư. Đặc biệt, bà con được cấp sổ hộ khẩu và hỗ trợ làm các giấy tờ cho con cái được đến trường.
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhiều hộ quay trở về nơi ở cũ. Sau 5 năm xây dựng và đi vào hoạt động, khu tái định cư này lại trở nên hoang tàn, vắng vẻ bởi người dân không mặn mà với nơi ở mới. Nhiều căn nhà xập xệ, tốc mái, mục nát, cây cỏ mọc um tùm vắng bóng người ở.
Anh Triệu Sinh Thành – Phó Trưởng thôn Lơ Bơ, xã Chư Krêy cho biết: “Mặc dù nơi ở mới này cách không xa khu đất sản xuất. Thế nhưng, nhiều hộ vẫn chọn sinh sống tại nương rẫy – làng cũ phần vì người dân đã quen sinh sống ở đây. Ngoài ra ở khu sản xuất đất đai màu mỡ, rộng rãi vừa có thể nuôi gà, heo lại có thể trồng cà phê... Gia đình mình cũng đã chuyển vào nơi ở cũ để tiện việc chăm sóc vườn tược. Ngoài kia, nhà nước quy hoạch chỗ ở thì cũng thuận tiện đi lại nhưng mà bà con không thuận lợi làm kinh tế, không quản lý vườn được”.
Tượng tự ông Thành, nhiều hộ người Dao khác trong làng cũng đều bỏ lại những ngôi nhà được Nhà nước cấp ở khu tái định cư để về sống gần nương rẫy. Tại khu tái định cư, những ngôi nhà có diện tích khoảng 30-40m2 thưng bằng ván gỗ, mái lợp tôn hầu hết đều cửa đóng then cài. Nhiều ngôi nhà còn trở thành chuồng bò hoặc được chủ nhà “cho thuê” với giá 0 đồng để giữ nhà, đất.
Theo thống kê của UBND xã Chư Krêy, tổng số người dân tộc Dao đang sinh sống trên địa bàn là 35 hộ với 144 khẩu, tổng số diện tích đất canh tác là gần 120ha. Trong đó, có 10 hộ còn ở lại khu tái định cư,22 hộ ở lại khu sản xuất, 11 hộ đi làm ăn xa và chuyển đến địa bàn Đăk Lăk sinh sống.
Theo ông Đinh Xuân Hưởng - Phó Chủ tịch xã Chư Krêy, địa phương cũng đang chỉ đạo các ngành chức năng cố gắng tuyên truyền, vận động bà con về ở khu tái định cư để con em được học hành thuận tiện. Ngoài ra, bà con có thể sinh hoạt trông thôn làng cho đảm bảo hơn về tình hình an ninh chính trị cũng như trật tự trên địa bàn.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Bằng các nguồn vốn của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, UBND huyện cũng đã đầu con đường từ nơi ở vào khu sản xuất nhằm giúp bà con thuận tiện phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con chăm lo nhà cửa còn về khu đất sản xuất chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra về việc thực hiện Luật đất đai và luật lâm nghiệp, tránh tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy”.
Bài và ảnh: Trần Hiền
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gia-lai-che-khu-tai-dinh-cu-tien-ty-nguoi-dan-keo-nhau-vao-bia-rung-sinh-song-a248737.html