Nhận định chứng khoán ngày 22/4/2021: Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”

Áp lực chốt lời diễn ra mạnh mẽ trong phiên chiều 20/4 đã khiến các chỉ số rút ngắn đà tăng đáng kể. Mặc dù rung lắc mạnh nhưng chỉ số cũng duy trì sắc xanh nhờ các mã trụ như VNM, VCB, VHM… Một điểm tiêu cực trong phiên là việc khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 560 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực bán tập trung vào các Bluechips như VHM, VNM, CTG, HPG…

Tòa soạn xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 22/4/2021.

Thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay, chỉ số VnIndex tăng +7,70 điểm – tương đương +0,61%, lên mức 1.268,28 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex tăng +0,73 điểm – tương đương +0,25%, đóng cửa ở mức 296,48 điểm.

VCB, VHM và VNM là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất lên VnIndex ngày hôm nay, đóng góp lần lượt +4,44, +3,66 và +1,78 điểm. Mặt khác, GVR, VIC và HPG là 3 mã tác động tiêu cực nhất cho chỉ số, lấy đi -0,85, -0,81 và -0,53 điểm. Giá trị giao dịch đạt 22.100,19 tỷ VND trên sàn HSX và 3.066,78 tỷ VND trên sàn HNX. Khối ngoại bán ròng -550,270 tỷ VND trên sàn HSX và -5,49 tỷ VND trên sàn HNX.

Về diễn biến nhóm ngành, 7 trên 11 nhóm ngành tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay, nổi bật nhất là ngành Viễn Thông (+2,67%) – được hỗ trợ bởi MWG (+3,71%) và FPT (+1,72%). Ở chiều ngược lại, ngành Công Nghệ (-0,90%) là nhóm ngành có diễn biến tiêu cực nhất phiên hôm nay - do sự giảm điểm của CMG (-2,14%), ELC (-2,82%) và DGW (-0,25%).

Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng kháng cự sẽ tạo ra áp lực rung lắc mạnh cho thị trường khi tiếp cận. Diễn biến thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ vẫn chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.

Chiến lược đầu tư: Giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống mức 35-45% cổ phiếu. Các nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để xem xét bán giảm tỷ trọng danh mục, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự quanh 1.268 và 1.300 điểm.

nhan dinh chung khoan ngay 2242021 tinh trang xanh vo do long
Hình minh họa

Thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn

(CTCK MB - MBS)

Thị trường trong nước tiếp tục là một phiên tăng tốt và dòng tiền cũng có sự lan tỏa mạnh mẽ bất chấp áp lực chốt lời khi VNIndex tiệm cận mốc 1.300 điểm, do vậy việc thống kê là điều không cần thiết. Thanh khoản phiên này tiếp tục được đẩy lên mức cao nhất từ trước tới nay bất chấp khối ngoại tiếp tục bán ròng. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 187 mã tăng/227 mã giảm, ở rổ VN30 có 14 mã tăng, 15 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường trong phiên cuối tuần tiếp tục lập kỷ lục mới với giá trị khớp lệnh phiên đạt hơn 21.165 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại không mấy tích cực khi quay trở lại bán ròng với tổng giá trị gần 560 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Thanh khoản tiếp tục tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Dòng tiền lớn vẫn đang vào thị trường, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường, triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh hơn. Về kỹ thuật, chỉ số VNIndex đã vượt ngưỡng 1.200 điểm một cách thuyết phục. Do vậy về xu hướng rõ ràng thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn. Trong ngắn hạn, đường về mốc 1.300 điểm đang trở nên rộng mở.

Thị trường có thể sẽ điều chỉnh trở lại

(CTCK Yuanta Việt Nam – YSVN)

Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại 1.235 – 1.260 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục có chiều hướng gia tăng, đặc biệt chỉ báo tâm lý tiếp tục suy yếu trong vùng bi quan cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đang gặp khó khăn. Điểm tiêu cực là độ rộng thị trường suy yếu cho thấy chiến lược phù hợp giai đoạn này là giảm rủi ro xuống thấp với những cổ phiếu đang có tỷ lệ đòn bẩy cao.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức 40-45% danh mục và hạn chế mua giai đoạn này, nếu xem xét mua thì cũng chỉ nên dành tỷ trọng rất thấp để hạn chế rủi ro của thị trường vẫn ở mức cao.


(CTCK Đông Á - DAS)Sự phân hóa của thị trường ngày càng rõ nét

Thị trường mở cửa phiên 20/04 với sự tiếp nối hưng phấn từ phiên giao dịch trước, giá cổ phiếu được kéo lên cao, VN-Index đạt được mức tăng 95 điểm (tương đương tăng 8%) chỉ sau 3 tuần giao dịch. Đây là tốc độ tăng mạnh, và tập trung vào mốt số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tất yếu dẫn đến xuất hiện lực bán chốt lời trên các mã tăng nóng này.

Sự phân hóa của thị trường ngày càng rõ nét, nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 và nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng so với cùng kỳ nên thu hút được dòng tiền trong nhịp tăng vừa qua, trong khi phần lớn còn lại của thị trường giao dịch ảm đạm. Khi thị trường chốt lời thì ảnh hưởng tiêu cực lên cả hai nhóm cổ phiếu tăng nhiều và nhóm cổ phiếu chưa tăng.

Nhà đầu tư cảm nhận rõ tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”. VN-Index vẫn đang trong xu thế tăng điểm trung hạn, nhưng đang đối mặt với khả năng rung lắc mạnh mỗi khi chỉ số VN-Index đạt được mức cao mới. Nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược giao dịch T+ để tìm kiếm lợi nhuận trước khi thị trước xác định hướng đi rõ ràng hơn.

Xuất hiện tín hiệu khá tiêu cực

(CTCK Asean - Aseansc)

Trong phiên giao dịch ngày 20/04, mặc dù có lúc tăng gần 26 điểm, tuy nhiên áp lực chốt lời tăng mạnh đã làm chỉ số VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng, đóng cửa chỉ còn tăng gần 8 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 7,7 điểm (tăng 0,61%), đóng cửa ở mức 1.268. Thanh khoản HOSE ở mức gần 844 triệu cp (tăng 3%), giá trị hơn 23.100 tỷ đồng (tăng 17%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (187 mã tăng/ 227 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 553 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VNM, HPG, VHM, và CTG.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh dài dạng ‘Gravestone Doji’ tại vùng kháng cự 1.280 – 1.290 điểm, là tín hiệu khá tiêu cực. Mẫu hình nến này cho tín hiệu đảo chiều giảm giá tại vùng đỉnh. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.260 – 1.265 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.250 – 1.255 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.270 – 1.275 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.280 – 1.285 điểm.

Thị trường phiên 20/04 đã có một phiên rung lắc khá mạnh. Aseansc dự báo trong phiên 22/04 tới, VN-Index có thể giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng hỗ trợ gần 1.260 – 1.265 điểm, và sâu hơn là vùng hỗ trợ 1.250 – 1.255 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhan-dinh-chung-khoan-ngay-2242021-tinh-trang-xanh-vo-do-long-a27793.html