Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn hẳn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng nếu không biết nắm bắt cơ hội, cổ phiếu “lọt sàn” cũng là điều có thể xảy ra. Trong bối cảnh thị trường không còn nhiều chỗ cho những mã cổ phiếu kém cỏi, việc bắt buộc cuốn gói rời sàn dường như là cơ chế an toàn nhất để bảo vệ cho lợi ích của nhà đầu tư.
Doanh nghiệp nào sẽ nói lời tạm biệt sàn HoSE và HNX trong năm 2021. Thiết kế: Tuấn Trần |
Việc hủy niêm yết bắt buộc là điều chắc chắn sẽ xảy ra đối với bộ ba An Trường An (HoSE: ATG), Lilama 5 (HNX:LO5) và Sông Đà 7.04 (HNX: S74) khi cùng nắm tay nhau báo lỗ liên tiếp 3 năm liền 2018-2020.
3 doanh nghiệp “nắm chắc tấm vé” rời sàn. Nguồn: VietstockFinance |
Trước tiên, hơn 5 triệu cp LO5 sẽ nói lời tạm biệt với HNX vào ngày 05/05/2021 do 3 năm liền lỗ chồng lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên 90 tỷ đồng. Về phía BCTC 2020, kiểm toán cũng nhấn mạnh về vấn đề vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2020 âm hơn 15 tỷ đồng và Ban TGĐ LO5 tin tưởng với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Công ty mẹ sở hữu 51% vốn), LO5 sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Tương tự, liên tục lỗ 3 năm liền và chuẩn bị rời “cánh cổng” HNX nhưng S74 vẫn mạnh dạn đặt kế hoạch có lãi trong năm 2021, mặc dù con số lãi trước thuế chỉ ở mức thấp (500 triệu đồng). Cơ sở xây dựng kế hoạch này dự kiến đến từ việc tiếp tục thực hiện các Hợp đồng đã ký với các đối tác của Công ty như tại Công trình thủy điện Nậm Thi 1 và 2, Sản xuất vữa bê tông thương phẩm tại Hà Nội, khai thác đá và sản xuất vật liệu đá dăm, cát nhân tạo tại Lương Sơn Hòa Bình, sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn để bán cho các doanh nghiệp xây dựng, giao thông. Mục tiêu của S74 là tập trung thu hồi dứt điểm công nợ tồn đọng với khách hàng, sau khi thu hồi được vốn sẽ thực hiện phục hồi sản xuất các ngành nghề truyền thống.
Chung số phận, không chỉ ghi nhận lỗ liên tục 3 năm liền, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 lên gần 36 tỷ đồng, kiểm toán viên dường như đã “hết lời” khi liên tục đưa ra cơ sở của ý kiến ngoại trừ, thậm chí là nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của ATG.
Giải trình cho sự nghi ngờ này, phía ATG cho rằng Công ty vẫn đang tiến hành việc thu hồi nợ xấu và các khoản đầu tư thiếu hiệu quả có thời gian kéo dài để đảm bảo dòng tiền hoạt động trong tương lai. Ngoài ra, ban lãnh đạo ATG cũng cam kết sẽ hỗ trợ nguồn tài chính để Công ty có thể tiếp tục hoạt động. Trong các tháng đầu năm 2021, ATG cho biết Công ty đã thu xếp được nguồn tài chính thanh toán nợ vay ngân hàng và nợ thuế.
Mới đây (ngày 12/04), HoSE đã ra thông báo sẽ làm thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu ATG.
Pha “lật ngược thế cờ” từ kiểm toán cũng khiến CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (HoSE: PXT) bị bắt buộc phải hủy niêm yết. Dù trên BCTC kiểm toán 2018, Công ty ghi nhận lãi ròng gần 2 tỷ đồng nhưng trên cơ sở ý kiến ngoại trừ, đơn vị kiểm toán cho rằng PXT đã lỗ 1.82 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo (2019 và 2020), Công ty lần lượt ghi nhận lỗ ròng gần 22 tỷ đồng và hơn 18 tỷ đồng. Do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục, HOSE sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu PXT theo quy định.
Một trường hợp khác đến từ nhóm ngành thủy sản là CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC). Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp thủy sản ghi nhận hơn 31 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp (23 tỷ đồng). Như vậy, cổ phiếu NGC nhiều khả năng sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Tại BCTC kiểm toán 2020 của NGC, các kiểm toán viên cũng cho rằng chưa xác định được tính hiện hữu, đúng đắn và khả năng thu hồi của các khoản công nợ gồm hơn 960 triệu đồng phải thu ngắn hạn, hơn 315 triệu đồng trả trước người bán ngắn hạn và hơn 3 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn khác tại ngày 31/12/2020.
Bên cạnh ý kiến ngoại trừ, kiểm toán viên còn nhấn mạnh rằng khoản lỗ lũy kế của Công ty đã vượt quá vốn chủ sở hữu hơn 8 tỷ đồng, còn nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 45 tỷ đồng vì Công ty đã vay ngắn hạn để đầu tư vào tài sản dài hạn nên đơn vị kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của NGC sẽ phụ thuộc vào các hoạt động có lãi trong tương lai cũng như việc tái cấu trúc lại nguồn vốn của Công ty.
NGC cho biết, từ năm 2016-2018, Công ty đã dần khắc phục tình trạng mất cân đối trên từ hơn 26 tỷ đồng còn gần 19 tỷ đồng, nhưng do năm 2019 và năm 2020 kinh doanh thua lỗ nên tình trạng mất cân đối lại tăng lên hơn 45 tỷ đồng như vấn đề đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, HNX đã có thông báo về việc cổ phiếu CTCP Viglacera Hạ Long I (HNX: HLY) có khả năng bị hủy bỏ niêm yết do tổng lỗ lũy kế đã vượt quá số vốn điều lệ thực góp, đồng thời, cổ phiếu HLY cũng nằm trong diện đang bị cảnh báo.
Theo BCTC kiểm toán 2020, doanh thu thuần của HLY đã giảm gần 29% so với năm 2019, còn hơn 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn đã khiến Công ty lỗ gộp hơn 7 tỷ đồng. Tính thêm các khoản chi phí, HLY báo lỗ ròng hơn 14 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế tính tới cuối năm 2020 của Công ty ở mức hơn 21 tỷ đồng, đã âm hơn 500 triệu đồng vào vốn chủ sở hữu.
Một cổ phiếu họ Viglacera khác là CTCP Viglacera Từ Sơn (HNX: VTS) cũng đã bị hủy niêm yết vào ngày 09/04/2021 do thua lỗ 3 năm liền và chuyển sang giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 16/04.
Nguy cơ hủy niêm yết do kiểm toán “bó tay”
Mặc dù ghi nhận lỗ lần đầu trong năm 2020 nhưng do bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến nên CTCP Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT) cũng có khả năng bị hủy bỏ niêm yết.
Tình hình kinh doanh của MPT qua các năm. Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: VietstockFinance |
Kiểm toán cho rằng MPT đang trong quá trình dừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính là dệt may và không tiến hành thực hiện kiểm kê hàng tồn kho vào thời điểm cuối năm nên kiểm toán không thể tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho tại thời điểm này, do đó, kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về số lượng hàng tồn kho tính đến cuối năm 2020 hơn 36 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán cũng chưa thu thập được đầy đủ các bản xác nhận độc lập từ một số khoản phải thu, phải trả khách hàng, đối tác và nhà cung cấp của Công ty. Tổng giá trị không thể xác định được chiếm 70% giá trị tài sản thuần của MPT.
Kiểm toán cho rằng sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của MPT và không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC của doanh nghiệp này.
Đối mặt với loạt bằng chứng khó đỡ từ kiểm toán, phía MPT cho biết nguyên nhân chủ yếu là do Ban điều hành thay đổi TGĐ và Phó TGĐ, sự chuyển giao hồ sơ chứng từ không được thực hiện và Công ty đang thực hiện nghiên cứu để chuyển dịch dần cơ cấu ngành nghề kinh doanh cho phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự. Trước mắt, Công ty chưa triển khai được hoạt động kinh doanh mới nên vẫn ưu tiên giải quyết các khoản công nợ.