Cùng thành lập vào thời điểm từ 20 đến 25/7/2017, ngay trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chưa đến 20 ngày nhưng bốn công ty “non trẻ” đã thâu tóm được hơn 156,1 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank), với giá trị tham chiếu ngày đầu tiên chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu thì tổng giá trị là hơn 6.084 tỷ đồng. Với những giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng việc mua bán cổ phiếu của cả bốn công ty này đầy bí ẩn và có dấu hiệu trốn thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng?
Những tỷ phú bí ẩn
Theo bản cáo bạch, VPBank có mã chứng khoán VPB, số lượng cổ phiếu niêm yết là 1.332.689.035 cổ phiếu, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phiếu. VPB niêm yết có hiệu lực ngày 8-8-2017 và ngày chính thức là 17-8-2017, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cổ phiếu, với biên độ dao động trong ngày đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu.
Tuy không có tên trong danh sách những cổ đông trước khi VPB được niêm yết những trên thị trường xuất hiện bốn công ty vừa mới thành lập, đại diện pháp luật của cả bốn công ty này có tuổi đời còn rất trẻ, chưa xuất hiện trên thị trường chứng khoán nhưng số vốn điều lệ ngay từ ban đầu đã lên đến hàng trăm tỷ đồng và tổng giá trị cổ phiếu được thâu tóm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Công ty TNHH đầu tư Lưu Khuyên (Công ty Lưu Khuyên) có mã số doanh nghiệp là 0107930858, được thành lập ngày ngày 21-7-2017, với hai thành viên sáng lập, người đại diện pháp luật ban đầu là ông Phạm Huy Trung Hiếu sinh năm 1987, trụ sở tại Phòng 1, Tầng 8, tòa nhà Licogi13, 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, TP.Hà Nội, có số vốn điều lệ đăng ký hơn 499,5 tỷ đồng.
Với hai thành viên sáng lập và ông Hiếu góp hơn 232,1 tỷ đồng, chiếm hơn 46,4% cổ phần. Sau đó, ngày 10-8-2017, bà Trần Thị Hương “bất ngờ” thay thế ông Phạm Huy Trung Hiếu trở thành người đại diện theo pháp luật của Công ty Lưu Khuyên và thay thế ông Hiếu trở thành thành viên góp vốn đúng bằng số vốn mà ông Hiếu đã đăng ký góp vốn trước đó tại Công ty Lưu Khuyên. Chỉ trước đó một ngày Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng (Công ty Quang Đăng), có mã số doanh nghiệp là 0107929764 (thành lập ngày 20-07-2017) với hai thành viên sáng lập, có cùng địa chỉ là trụ sở tại Phòng 1, Tầng 8, tòa nhà Licogi13, 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, TP.Hà Nội, vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng, do bà Đỗ Thị Mai đại diện theo pháp luật, chiếm tương ứng 79.8% vốn góp. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán thông báo ngày 27-3-2018 về cuộc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu VPB của hai công ty này thì tổng số cổ phiếu chuyển nhượng này lên tới gần 100 triệu (99.945.946) cổ phiếu, lớn nhất trong lịch sử giao dịch chuyển nhượng mã VPB từ khi chào sàn.
Có cùng một ngày thành lập là 25-7-2017, không cùng địa chỉ Công ty TNHH tư vấn kinh doanh Trang Thành (Công ty Trang Thanh) và Công ty TNHH Quản lý đầu tư Tín Tâm (Công ty Tín Tâm) đều có số vốn và lượng cổ phiếu ít hơn. Cụ thể, Công ty Trang Thành, mã số doanh nghiệp là 0107935662, trụ sở chính Tầng 16, Daeha Business Centre, Số 360, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, TP Hà Nội, vốn điều lệ 272,2 tỷ đồng, do ông Trần Quốc Anh Thuyên, sinh năm 1992, làm người đại diện. Căn cứ công văn số 1011/UBCK-PTTT ngày 07-02-2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán VPB, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu hơn 22.7 triệu (22.700.000) cổ phiếu VPB. Tương tự, Công ty Tín Tâm có địa chỉ tầng 6, tòa nhà Việt Á, số 9 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, do ông Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1995 là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật, với số vốn hơn 345 tỷ đồng, nắm giữ gần 34,5 triệu cổ phiếu tại VPB.
Một vấn đề đặt ra là: Với những sự trùng lập nhất định của cả bốn công ty nêu trên thì liệu những người đứng tên cổ phần hay đại diện pháp luật là những ông chủ thực sự hay có người đứng phía sau để gom cổ phiểu của VPB trước và sau khi cổ phiếu này được niêm yết trên sàn chứng khoán ?
Bất thường và trốn thuế?
Không chỉ có những bí ẩn về hoạt động thu gom cổ phiếu của VPB mà việc chuyển nhượng cổ phiếu của cả bốn công ty nêu trên cũng đầy bí ẩn, cùng một kiểu giao dịch là cổ phiếu được chuyển lại cho chính người đại diện pháp luật của công ty. Do đó, hàng loạt những câu hỏi được đặt ra và với mỗi giao dịch của một công ty này có nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ tiền thuế.
Bất thường đầu tiên phải kể đến sự hình thành, hoạt động của Công ty Quang Đăng và Công ty Lưu Khuyên. Được thành lập cách nhau một ngày, có cùng địa chỉ hoạt động, với 16 ngành nghề kinh doanh giống nhau, ngày giải thể cũng chỉ cách nhau một ngày (Công ty Quang Đăng ngừng hoạt động từ ngày 6-2-2018 và Công ty Lưu Khuyên giải thể ngày 5-2-2018) và có cùng công văn số 1011/UBCK-PTTT ngày 07-2-2018 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và hồ sơ chuyển quyền chứng khoán VPB, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo đã thực hiện chuyển nhượng sở hữu cổ phiếu VPB. Trong đó, Công ty Quang Đăng đã chuyển nhượng lại cho bà Đỗ Thị Mai với số lượng 47.549.265 cổ phiếu và bà Bùi Bích Hạnh 2.450.735 cổ phiếu (bà Mai là Chủ tịch HĐTV, người đại diện pháp luật của Công ty Quang Đăng). Tương tự, Công ty Lưu Khuyên đã chuyển cho bà Trần Thị Tâm với số lượng 23.199.527 cổ phiếu và bà Đặng Thị Thanh Tâm 26.746.419 cổ phiếu (bà Hương là Chủ tịch HĐTV, người đại diện pháp luật của Công ty Lưu Khuyên). Tổng số cổ phiếu được chuyển nhượng là 99.945.946 cổ phiếu (gần 100 triệu cổ phiếu), ngày có hiệu lực chuyển quyền 26-3-2018.
Như vậy, có thể thấy được việc chuyển nhượng số cổ phiếu tại hai Công ty Lưu Khuyên và Công ty Quang Đăng đều được thực hiện sau khi cả hai đã chính thức tuyên bố giải thể. Lý do giải thể của hai công ty được đưa cũng rất giống nhau, là “Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động của Công ty”. Do đó, HĐTV đã quyết định ngưng hoạt động kinh doanh.
Theo Quyết định giải thể của HĐTV Công ty Quang Đăng ngày 6-2-2018, đến thời điểm ra quyết định giải thể Công ty đã thống kê và hoàn thành mọi nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng ký với đối tác có liên quan; Công ty đã tiến hành thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ trực tiếp tại văn phòng công ty. Tại Điều 5 của Quyết định này, về thanh lý tài sản sau khi thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp (nếu có): Thành lập tổ thanh lý tài sản do bà Đỗ Thị Mai – Chủ tịch HĐTV làm tổ trưởng, bà Bùi Bích Hạnh – Thành viên góp vốn là tổ viên (cả hai đã là người nhận chuyển nhượng lại cổ phiếu của PVB); Tài sản của công ty vào thời điểm thanh lý chỉ bao gồm các trang thiết bị, đồ dùng văn phòng mà Công ty đã mua sắm phục vụ cho hoạt động của Công ty kể từ thời điểm thành lập đến thời điểm giải thể. Các thành viên góp vốn Công ty nhất trí thanh lý số tài sản đó và số tiền thu từ việc thanh lý tài sản được sử dụng để thanh toán cho các chi phí liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp theo quy định.
Về nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, ngay sau khi công bố quyết định giải thể, Công ty sẽ tiến hành các thủ tục quyết toán thuế để được đóng mã số thuế theo quy định của pháp luật. Ở đây, có thể thấy được toàn bộ số cổ phiếu của PVB đã được bỏ ra ngoài giá trị còn lại khi giải thể Công ty Quang Đăng ?.
Một vấn đề đặt ra: Tại thời điểm chuyển quyền này PVB là cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng những thương vụ này lại diễn ra theo kiểu “nội bộ”, sau thời điểm công ty đã được tuyên bố giải thể và theo số liệu chúng tôi có được những khoản chênh lệch đã không được đưa vào diện tính thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy các doanh nghiệp đã trốn được bao nhiêu tiền thuế ?.
Thực tế, chỉ cần lấy số lượng gần 100 triệu cổ phiếu của Công ty Quang Đăng và Công ty Lưu Khuyên đã chuyển nhượng với giá 39.000 đồng/cổ phiếu (giá tham chiếu ngày đầu tiên VPB lên sàn) thì giá trị khoảng 3.900 tỷ đồng. Lấy giá tham chiếu ngày 26-3-2018 (ngày chuyển quyền có hiệu lực) là 64.300 đồng/cổ phiếu và với thương vụ chuyển nhượng lên đến 6.430 tỷ đồng, số tiền chênh lệch lên đến 2.530 tỷ đồng. Theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì kể từ ngày 1-1-2016 thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (số chênh lệch mua vào và bán ra cổ phiếu của các tổ chức), được áp dụng 20% (sau khi trừ đi chi phí doanh nghiệp). Như vậy, với số tiền chênh lệch trong vụ chuyển nhượng nêu trên thì tiền thuế phải nộp có thể lên đến hơn 500 tỷ đồng ?. Tuy vậy, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 với chi phí quản lý doanh nghiệp là 6.654.900 đồng. Đến ngày 6-2-2018, chi phí từ tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đều bằng không. Tương tự, Công ty Lưu Khuyên năm 2017, chi phí quản lý doanh nghiệp là 6.654.900 đồng bằng với lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đến ngày 9-2-2018 tất cả đều bằng không. Ngày 2-3-2018, mã số thuế của cả hai doanh nghiệp này đã được đóng lại.
Tương tự, Công ty Trang Thành được tuyên bố giải thể vào ngày 22-2-2018 và toàn bộ 22.713.211 cổ phiếu PVB của công ty được chuyển quyền lại cho ông Trần Quốc Anh Thuyên (Chủ tịch HĐTV Công ty Trang Thành), ngày hiệu lực chuyển quyền là 11-4-2018. Theo giá tham chiếu ngày 11-4-2018 đóng cửa mức giá cổ phiếu PVB là 66.100 đồng/cổ phiếu, với giá này tổng giá trị cổ phiếu là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, lấy giá tham chiếu khi lên sàn thì giá trị số cổ phiếu này chỉ là hơn 885,8 tỷ đồng và như vậy số tiền chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra của số cổ phiếu này có thể lên đến hơn 615 tỷ đồng, nhân với 20% thì thuế thu nhập của doanh nghiệp sẽ là hơn 123 tỷ đồng (?). Theo bảng báo cáo kết quản hoạt động kinh doanh năm 2017 chi phí quản lý doanh nghiệp là 6.654.900 đồng và cũng là số lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018, tất cả đều bằng không và đến ngày 20-3-2018 Công ty đóng mã số thuế.
Đối với Công ty Tín Tâm, mã số thuế được đóng từ ngày 27-3-2018 nhưng đến ngày 15-6-2018 toàn bộ 34,5 triệu cổ phiếu mới được chuyển quyền cho ông Nguyễn Mạnh Cường (Chủ tịch HĐTV Công ty Tín Tâm) với giá chốt phiên giao dịch là 49.500 đồng/cổ phiếu, giá trị giao dịch hơn 1.700 tỷ đồng và nếu lấy giá tham chiếu khi lên sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu thì thương vụ chuyển nhượng này chênh lệch được hơn 355 tỷ đồng, giá trị thuế thu nhập phải nộp là hơn 71 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 của Công ty Tín Tâm chi phí quản lý doanh nghiệp là 6.654.900 đồng và đây cũng là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại bảng báo cáo cân đối kế toán tại ngày 28-2-2018 của Công ty Tín Tâm số đầu năm đều bằng không.
Như vậy, từ những cuộc chuyển quyền cổ phiếu nêu trên thì các doanh nghiệp đã có thể trốn lên đến 694 tỷ đồng tiền thuế và ai là người đã “ăn gọn” hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của nhà nước?
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tu-nhung-vu-chuyen-nhuong-co-phieu-bat-thuong-tai-vpbank-nhan-dien-cac-nhom-truc-loi-tien-thue-a29837.html