Cty Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) được thành lập vào năm 2004. Sau hơn một thập kỷ phát triển, đến nay tập đoàn này có 14 công ty thành viên hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm: Năng lượng, Xây dựng, Hạ tầng và Bất động sản.
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Trung Nam Group là ông Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973). Tính đến tháng 6/2019, doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng.
Những dấu ấn của Trung Nam Group
Ở lĩnh vực BĐS, những năm 2008-2011 tên tuổi của Trung nam Group gắn với ba siêu dự án lớn đó là dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, dường như Trung Nam không có duyên với lĩnh vực BĐS khi những dự án được giới thiệu hoành tráng một thời thường rơi vào cảnh “long đong lận đận”.
Cụ thể, dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills - Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 1,67 tỷ USD (tương đương 38.000 tỷ đồng) do một công ty thành viên của Trung Nam Group là CTCP Trung Nam (hay còn gọi là Trungnam Land) làm chủ đầu tư, rộng 350 ha, được khởi công xây dựng từ năm 2011.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm. Điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ.
Vào giữa năm 2017, để hồi sinh dự án này, Trungnam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội (Thịnh Phát Hà Nội).
Đến tháng 7/2019, UBND quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Trungnam Land vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND Tp. Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trung Nam Group.
Được biết, tháng 2/2019, dự án Golden Hills City có thêm Kita Land (thuộc Kita Group) tham gia đồng đầu tư và Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenLand) độc quyền phân phối. Dự án được phân chia thành 5 khu, tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng.
Từ tháng 3/2019, Kita Land đã tiến hành ký hợp đồng với các nhà đầu tư cá nhân những lô bất động sản sẽ hình thành trong tương lai thuộc dự án Golden Hills dưới hình thức ký cùng lúc 02 hợp đồng với khách hàng gồm: Hợp đồng vay vốn của các chủ đầu tư cá nhân và hợp đồng cam kết giữ chỗ nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, sau đó, Kita Land lại bị tố vi phạm hợp đồng, vòng vo không giải quyết yêu cầu thanh lý hợp đồng, hoàn trả tiền cho khách hàng.
Còn nhớ, năm 2008, Trung Nam Group và một số đối tác khác đã công bố sẽ xây dựng tòa tháp đôi với tổng mức đầu tư 180 triệu USD tại Đà Nẵng với tham vọng xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ, đạt tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi Trung Nam Group đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại dự án này cho đối tác khác, bỏ lại sau lưng những lời hứa hẹn. Đến nay, dự án này đã “treo” hơn 10 năm. Phía UBND TP Đà Nẵng đang muốn thu hồi đất của siêu dự án để xây dựng khu vườn dạo.
Từng có thời điểm Trung Nam Group và chính quyền Đà Nẵng xảy ra xích mích. Bởi lẽ, Trung Nam Group từng khởi kiện đòi UBND Tp. Đà Nẵng hơn 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ việc UBND Tp. Đà Nẵng công bố danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, trong đó cho biết Trungnam Group nợ gần 300 tỷ đồng tiền thuê đất tại dự án Golden Hills City và dự án Vệt 50m.
Ở lĩnh vực địa ốc, Trung Nam Group còn tham gia dự án Công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley với tổng mức đầu tư 150 triệu USD; Trung Nam Group còn tham gia liên danh cùng với SE Corp - CIENCO 1 - Cường Thịnh Thi - Cái Mép - Phúc Lộc - Công Thành - Phương Thành làm chủ đầu tư dự án Cầu Bạch Đằng theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 7.277 tỷ đồng, khởi công từ tháng 2/2015 và khánh thành vào tháng 9/2018.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam Group đang là chủ đầu tư dự án "Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM giai đoạn 1" có tổng đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT. Tuy nhiên, dự án này cũng "long đong lận đận" không kém những dự án BĐS khác.
Cụ thể, ban đầu dự án được dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thực hiện (từ năm 2016 – 2018), nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Đồng thời chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch để cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Đây là lần đầu tiên dự án chống ngập quy mô 'khủng' được giao cho tư nhân thực hiện.
Nếu như đúng kế hoạch, năm 2018 TP Hồ Chí Minh sẽ hết ngập do triều cường. Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group từng cam kết, trong năm 2017 đơn vị sẽ bàn giao 7,8 km đê kè hoàn thiện, cống Bến Nghé để đến ngày 30/4/2018 hoàn tất và bàn giao dự án cho thành phố. Tuy nhiên, tháng 5/2018 Trung Nam Group thông báo tạm dừng thi công dự án chống ngập ngàn tỷ do 'hết' tiền.
Theo Trung Nam Group, nguyên nhân dừng thi công dự án là do BIDV – Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án bởi UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án (theo biểu Phụ lục 02A tại quyết định số 2240/QĐ-NHNN) để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Việc chậm xác nhận báo cáo cho vay từ phía UBND thành phố đã xảy ra từ tháng 9/2017.
Sau đó, dự án được lùi đến tháng 6/2019 rồi đến cuối năm 2019 vẫn chưa hoàn thiện. Đến tháng 5/2020, Trung Nam Group lại hứa sẽ hoàn thành dự án vào tháng 10/2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa Đại hội sẽ diễn ra nhưng phía Trung Nam Group vẫn "ám binh bất động".
Như vậy, đã rất nhiều lần phía chủ đầu tư "hứa suông" và hiện tại, TP Hồ Chí Minh vẫn đang chịu cảnh ngập lụt. Mới đây nhất, một lần nữa chủ đầu tư lại dự kiến công trình chống ngập sẽ "về đích" vào cuối năm 2020, lúc này TP.Hồ Chí Minh sẽ giải quyết được tình hình ngập do triều cường và mưa. Tuy nhiên, sau bao lần thất hứa thì lần dự kiến này dư luận đang mất dần kỳ vọng.
Có lẽ không có “duyên” với BĐS, xây dựng, hạ tầng nên những năm gần đây Trung Nam Group đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng với các dự án xây dựng nhà máy thủy điện, điện gió và điện mặt trời.
Cụ thể, Trung Nam Group được biết đến với nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 (70MW) với tổng vốn đầu tư 3.665 tỷ đồng, nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (30MW), nhà máy thủy điện Krông Nô 3 (18MW), nhà máy điện gió Trung Nam (151,95MW) tại Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh (165MWp).
Đặc biệt, năm 2018, Trung Nam Group đầu tư “siêu dự án” Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (204MW) tại Ninh Thuận với diện tích 264ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Tháng 3/2019, Trung Nam Group được lựa chọn là nhà đầu tư dự án trạm biến áp và đường dây 500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam. Tháng 4/2019, thành lập tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời.
Lợi nhuận khiêm tốn, Trung Nam Group liên tục huy động vốn qua trái phiếu
Dồn lực cho những dự án mới khiến tình hình tài chính của Trung Nam Group không mấy khả quan. Tổng tài sản của công ty tăng mạnh chủ yếu do đẩy mạnh vay nợ trong khi hoạt động kinh doanh chưa có lợi nhuận.
Cụ thể, theo tờ The LEADER, cuối năm 2016, tổng tài sản của Trung Nam Group chỉ ở mức 4.078 tỷ đồng, sang năm 2017, con số này tăng lên 5.750 tỷ đồng và cuối năm 2018 đạt mức 8.841 tỷ đồng.
Tổng tài sản tăng hơn 2 lần chỉ trong vòng 2 năm đến chủ yếu từ hoạt động vay và nợ. Tới cuối năm 2018, nợ vay ngắn hạn của Trung Nam Group là 788 tỷ đồng và nợ vay dài hạn của công ty cũng đạt 2.608 tỷ đồng.
Nguồn tiền vay được Trung Nam Group rót vào các công ty con đang triển khai dự án. Cuối năm 2018, công ty ghi nhận đầu tư dài hạn đạt 4.385 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ, trong đó đầu tư vào các công ty con chiếm 3.835 tỷ đồng.
Để đảm bảo khả năng trả nợ, Trung Nam Group đã thế chấp nhiều tài sản tại các ngân hàng trong đó có cổ phần của các công ty điện mặt trời, điện gió được thế chấp tại Ngân hàng Quân Đội (MB); hay các quyền và lợi ích từ dự án chống ngập tại TP.HCM được thế chấp tại BIDV.
Ước tính tổng số lãi vay Trung Nam Group phải trả trong 3 năm từ 2016 đến 2018 khoảng 450 tỷ đồng. Trong khi áp lực trả nợ và lãi vay lớn, kết quả kinh doanh của Trung Nam Group không được khả quan.
Doanh thu của công ty năm 2018 đạt 897 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với mức 1.654 tỷ đồng năm trước đó. Nhờ ghi nhận khoản lãi 43 tỷ đồng từ thu nhập tài chính, lợi nhuận của Công ty có tăng trưởng, song ở mức rất thấp. Năm 2018, Trung Nam Group ghi nhận lãi vỏn vẹn 21 tỷ đồng trong năm 2018. Hai năm trước đó, lợi nhuận của Trung Nam Group chỉ ghi nhận lần lượt là 17,3 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng.
Do lợi nhuận khiêm tốn, trong 1 năm trở lại đây, Trung Nam Group đã liên tục tiến hành tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính. Các công ty con của Trung Nam Group dồn dập huy động vốn qua trái phiếu với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Từ cuối tháng 8/2019 đến đầu tháng 6/2020, Trung Nam Group đã huy động thành công hơn 9.000 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu, tất cả đều được thu xếp bởi MBBank.
Cụ thể, tháng 8/2019, Trungnam Land đã phát hành thành công 988 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 5 năm.
Mức lãi suất cho năm đầu tiên cố định là 10,5%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 24 tháng của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cộng với biên độ 3,8%/năm. Danh tính trái chủ là nhà đầu tư tổ chức không được tiết lộ nhưng với lãi suất neo vào MBBank thì không loại trừ khả năng dòng tiền đầu tư có gốc từ nhà băng này.
Cùng tháng, CTCP Điện Mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) - một doanh nghiệp thành lập năm 2017, do Trung Nam Group trực tiếp sở hữu 70% vốn - đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 9 năm cho nhà đầu tư tổ chức. Lô trái phiếu này cũng được áp dụng mức lãi suất tương tự như của Trungnam Land.
Trong giai đoạn từ 3/12 - 6/12/2019, TN Solar Power tiếp tục thực hiện thành công 4 đợt phát hành trái phiếu (kỳ hạn 4 năm), chia làm 4 đợt phát hành: Đợt 1 ngày 3/12 (400 tỷ đồng), đợt 2 ngày 4/12 (400 tỷ đồng), đợt 3 ngày 5/12 (400 tỷ đồng) và đợt 4 ngày 6/12 (300 tỷ đồng), tổng cộng 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, trái chủ mua vào toàn bộ số trái phiếu này là MBBank.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là toàn bộ quyền tài sản và tài sản trên đất hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (tại tỉnh Ninh Thuận), toàn bộ số cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại TN Solar Power.
Trong tháng 3 và tháng 4/2020, Trungnam Land tiếp tục phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và 700 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Cả 2 lô trái phiếu này đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản.
Tháng 5/2020, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (TNTNSP) đã phát hành 3.300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 9 năm, được bảo đảm bằng tài sản. Trái chủ nhận được trái tức 3 tháng/lần.
Đối với 4 kỳ tính lãi đầu tiên của trái phiếu, lãi suất cố định là 10,5%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo được xác định bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 24 tháng của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cộng với biên độ tối thiểu 3,9%/năm.
Qua các thương vụ phát hành trái phiếu, dễ dàng nhận ra MBBank là đối tác tín dụng lâu năm của Trung Nam Group, nhà băng này thường đóng vai trò đại lý lưu ký và quản lý tài sản bảo đảm.
Đầu tư năng lượng tái tạo nhiều rủi ro
Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW. Trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200 MW; Điện gió khoảng 11.800 MW…
Đáng chú ý, hầu hết các dự án điện mặt trời ở Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý rác thải pin năng lượng mặt trời (PMT) vì đây là một mô hình đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Các nước trên thế giới cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này.
Thực tế, tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp đang đầu tư ồ ạt điện mặt trời với công suất lớn trong khi rác thải pin năng lượng mặt trời gây ô nhiễm rất lớn, hơn cả ni-lông nếu không được xử lý.
Ngoài ra, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi đổ tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp điện mặt trời, bởi rủi ro các dự án phải giảm công suất dẫn đến khả năng thu hồi vốn, trả nợ của chủ đầu tư bị ảnh hưởng.
Thậm chí, có dự án huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng không nằm trong quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, chủ đầu tư mỏng vốn, “tay không bắt giặc”, không thực hiện dự án đúng tiến độ…
Hơn nữa, những khó khăn với doanh nghiệp điện mặt trời đã bắt đầu lộ diện khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực (ngày 22/5/2020). Theo đó, giá mua điện đã giảm khá nhiều so với mức giá ưu đãi cũ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lan-dan-nhieu-du-an-trung-nam-group-doi-huong-sang-nang-luong-tai-tao-co-de-nuot-a31356.html