Từ đó đặt ra câu hỏi những lỗ hổng nào cần được siết chặt để bảo vệ “túi tiền”, “bờ xôi ruộng mật” của người nông dân và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp?
Thanh Hóa, mảnh đất trù phú với những cánh đồng bát ngát, nơi mồ hôi và công sức của bao người nông dân đổ xuống. Nhưng những ngày này, trên nhiều thửa ruộng, không chỉ có nỗi lo thời tiết, sâu bệnh, mà còn có một nỗi đau âm ỉ mang tên “phân bón giả”. Gần đây nhất, vụ việc lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 67 tấn phân bón giả nhãn hiệu của một công ty trên địa bàn như một nhát cứa đau điếng vào niềm tin của người nông dân, đồng thời thấy rõ được những “lỗ hổng” đã và đang tồn tại bào mòn sự phát triển của nền nông nghiệp. Bài viết này lý giải vì sao vấn nạn phân bón giả vẫn ngang nhiên tồn tại, nhìn thẳng vào trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước, và tìm kiếm những giải pháp cấp bách.
Cây chết, đất bạc màu, người trắng tay
Tại cánh đồng xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân, ông Nguyễn Văn Biên đang ngồi thẫn thờ giữa đám ruộng lúa nhưng lá đã ngả vàng, úa rũ. “Mua mấy bao phân tin là hàng công ty. Ai ngờ bón xong chưa được 2 tuần thì cây lúa phát triển chậm, rễ đen. Mùa này chắc mất trắng”.
Phân bón Rồng Mỹ và Việt Xô đều là những thương hiệu lâu đời, quen thuộc với nông dân cả nước. Tuy nhiên, sau khi bị Công ty cổ phần công nghệ cao Sao Đỏ, có trụ sở chính tại thôn Ban Thọ, xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm giả nhãn hiệu thì hình ảnh thương hiệu phân bón Rồng Mỹ và Việt Xô bị kéo xuống nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
“Khách hàng giờ nhìn thấy bao phân là nghi ngờ. Dù mình bán hàng thật, có hóa đơn chính hãng, họ vẫn hỏi dồn dập. Chưa kể hàng giả bán rẻ hơn 20%, chúng tôi rất khó cạnh tranh”, bà Trần Thị Hoa, đại lý phân bón ở huyện Thọ Xuân chia sẻ.
Hậu quả của phân bón giả không chỉ dừng lại ở cây trồng và túi tiền nông dân. Nó còn âm thầm hủy hoại chính mảnh đất, “bờ xôi ruộng mật”, nền tảng của sản xuất nông nghiệp.
Nhiều loại phân bón giả được làm từ các nguyên liệu độn rẻ tiền như bột đá, bột gạch, đất sét, tro trấu... hoặc sử dụng các loại hóa chất công nghiệp, phế phẩm không đủ tiêu chuẩn. Khi bón xuống đất, những chất này không cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, mà ngược lại, có thể làm chai đất, phá vỡ cấu trúc đất, làm giảm độ tơi xốp và khả năng giữ nước, giữ dinh dưỡng của đất. Đất trở nên cằn cỗi, bạc màu, năng suất cây trồng giảm sút nghiêm trọng trong những vụ tiếp theo dù có bón phân thật.
Nguy hiểm hơn, một số loại phân bón giả còn chứa các kim loại nặng như chì, cadmium, asen... hoặc các hóa chất độc hại không được kiểm soát. Những chất này tồn lưu trong đất, gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước ngầm. Cây trồng hút nước và dinh dưỡng từ đất cũng có thể hấp thụ các chất độc này, gây tồn dư trong nông sản.
“Chúng tôi đã lấy mẫu đất tại nhiều khu vực nông dân tố giác sử dụng phân bón nghi là giả, kém chất lượng và phát hiện nhiều chỉ tiêu hóa học bất thường, một số nơi có hàm lượng kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép. Việc khắc phục ô nhiễm đất do kim loại nặng là vô cùng khó khăn và tốn kém, có khi phải mất hàng chục năm, thậm chí không thể phục hồi hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền vững của sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản trong tương lai”, một cán bộ nghiên cứu về thổ nhưỡng chia sẻ.
Vấn nạn đất bạc màu, ô nhiễm đất do phân bón giả còn gây ra một vòng luẩn quẩn, đó là đất kém màu mỡ, nông dân lại càng tìm kiếm các loại phân bón “thần hiệu”, dễ bị lừa bởi quảng cáo sai sự thật hoặc ham rẻ mua phải hàng giả, rồi lại tiếp tục hủy hoại đất đai. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại, bào mòn dần đi nguồn tài nguyên quý giá nhất của nông nghiệp.
Vì sao nạn phân bón giả vẫn tồn tại?
Câu hỏi đau đáu nhất là: Vì sao, dù hậu quả nhãn tiền, nạn phân bón giả vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí hoạt động với quy mô ngày càng lớn và tinh vi như vụ làm giả nhãn hiệu hơn 67 tấn phân bón ở Thanh Hóa hay vô số vụ việc khác trên cả nước? Phải chăng, bộ máy quản lý nhà nước của chúng ta vẫn còn quá nhiều “lỗ hổng”?
Liệu rằng, lợi nhuận “siêu khủng” chính là nguyên nhân gốc rễ khiến cho nhiều đối tượng làm giả phân bón? Hiện nay, chi phí sản xuất phân bón giả cực thấp chỉ bằng 10-20% giá thành sản xuất phân bón thật nhưng giá bán lại gần bằng hoặc chỉ thấp hơn một chút so với hàng thật. Lợi nhuận chênh lệch lên tới vài trăm phần trăm, thậm chí hàng nghìn phần trăm cũng là động lực đủ mạnh để các đối tượng làm giả bất chấp pháp luật và đạo đức.
Ngoài ra, các đối tượng làm phân bón giả giờ đây không chỉ đơn thuần trộn các chất độn. Họ đầu tư vào công nghệ làm giả bao bì, nhãn mác, tem chống giả công nghệ cao y như thật, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Họ làm giả cả các giấy tờ, chứng từ liên quan. Địa điểm sản xuất thường thay đổi, di chuyển liên tục hoặc đặt ở những nơi hẻo lánh. Thời gian hoạt động cũng thất thường, có thể chỉ tập trung vào ban đêm, cuối tuần, hoặc theo đợt cao điểm của thị trường tiêu thụ.
Việc vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm cũng được thực hiện một cách lén lút, tránh né các tuyến đường thường xuyên có lực lượng chức năng kiểm tra. Họ có thể sử dụng xe tải không có phù hiệu rõ ràng, hoặc thuê mướn các phương tiện nhỏ, hoạt động phân tán.
Quan trọng hơn, các cơ sở này thường không đăng ký ngành nghề sản xuất phân bón một cách chính thức tại địa điểm hoạt động, hoặc đăng ký ngành nghề khác để che mắt. Họ có thể chỉ đăng ký buôn bán, hoặc các ngành nghề không liên quan đến hóa chất, nông nghiệp. Điều này khiến công tác rà soát, hậu kiểm của các cơ quan quản lý chuyên ngành gặp khó khăn.
Tuy nhiên, sự tinh vi của tội phạm chỉ là một phần. Nguyên nhân sâu xa khiến những “hang ổ” như vụ 67 tấn phân bón giả nhãn hiệu ở Thanh Hóa có thể tồn tại lâu dài nằm ở chính những "lỗ hổng" cố hữu trong hệ thống quản lý nhà nước, vốn đã được cảnh báo từ lâu nhưng chưa được khắc phục triệt để.
Một chuyên gia về thị trường phân bón, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về vấn nạn này, chia sẻ: “Để sản xuất 67 tấn phân bón giả, không thể chỉ là một vài người làm trong một vài ngày. Đó là cả một quy trình, cần nguyên liệu, máy móc, nhân công, vận chuyển, tiêu thụ... Một lượng lớn như vậy ra vào kho không thể hoàn toàn không gây tiếng động. Vấn đề nằm ở chỗ “tai mắt” của cơ quan quản lý có đủ “sáng”, đủ “nhạy” và đủ “thường xuyên” hay không”.
Người này phân tích thêm, việc phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả phần lớn vẫn dựa vào nguồn tin tố giác của người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, hoặc từ công tác nghiệp vụ trinh sát chuyên sâu. Công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất theo kế hoạch của các cơ quan chức năng dù có làm, nhưng chưa đủ mật độ, chưa đủ chiều sâu và chưa đủ hiệu quả để bao quát hết một thị trường rộng lớn với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thậm chí, có những ý kiến cho rằng, đôi khi sự “làm ngơ” hoặc “bao che” của một bộ phận cán bộ quản lý địa phương hoặc chuyên ngành, dù nhỏ cũng có thể tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất hàng giả “yên ổn” hoạt động trong một thời gian nhất định.
Hoàn thiện khung pháp lý theo hướng “phạt nặng, phạt trúng”
Mặc dù đã có những nỗ lực cải cách, nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân bón vẫn còn phức tạp, đôi khi chồng chéo hoặc chưa theo kịp thực tiễn. Có thời kỳ, việc quản lý chất lượng và quản lý kinh doanh phân bón được giao cho các Bộ khác nhau với những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện khác nhau, dẫn đến khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Dù hiện nay, việc quản lý chất lượng đã tập trung về Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quản lý thị trường vẫn là trách nhiệm của Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng khác, nhưng cơ chế phối hợp liên thông dữ liệu, xây dựng kế hoạch kiểm tra chung, thống nhất quy trình xử lý từ phát hiện đến xử lý hình sự vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả trên thực tế.
Trong khi đó, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, áp dụng cả công nghệ in ấn bao bì hiện đại, làm giả tem nhãn, mã vạch... Khoảng cách về công nghệ giữa cơ quan quản lý và tội phạm công nghệ cao ngày càng nới rộng, khiến cuộc chiến chống phân bón giả trở nên khó khăn hơn.
Những “lỗ hổng” này, dù là do bất cập trong cơ chế, hạn chế về nguồn lực, hay yếu nhưng đều tạo thành một “lưới lọc” lỏng lẻo, khiến phân bón giả dễ dàng vượt qua, tuồn ra thị trường và gây hại cho nông dân.
Để chấm dứt hoặc ít nhất là hạn chế đáng kể vấn nạn phân bón giả, bảo vệ nông dân và nền nông nghiệp, cần một cuộc “tổng tấn công” đồng bộ và quyết liệt, tập trung vào việc lấp đầy những lỗ hổng đã được chỉ ra. Đó là hoàn thiện khung pháp lý nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phân bón theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn. Quan trọng nhất là tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả. Mức phạt tiền cần tương xứng với lợi nhuận bất chính thu được. Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm. Áp dụng mạnh mẽ các hình phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, cấm tham gia hoạt động trong lĩnh vực phân bón đối với các đối tượng, doanh nghiệp vi phạm.
Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường phối hợp giữ các bộ, ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; thành lập các đội kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm. Phân công rõ trách nhiệm của từng cấp quản lý địa phương.
Ngoài ra, cần đầu tư công nghệ, xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử như tem điện tử, mã QR... để người nông dân và cơ quan quản lý có thể kiểm tra thông tin sản phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các doanh nghiệp, sản phẩm phân bón, công khai thông tin về các trường hợp vi phạm.
Để hạn chế tình trạng sản xuất phân bón giả, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của các loại nguyên liệu dùng trong sản xuất phân bón; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nguyên liệu; áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn quy trình sản xuất tại các nhà máy, kiểm soát định mức tiêu hao nguyên liệu so với sản lượng thành phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về tác hại của phân bón giả, cách nhận biết sản phẩm thật, quyền lợi của người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho nông dân; xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin tố giác từ nông dân một cách dễ dàng, nhanh chóng và đảm bảo an toàn, bí mật cho người tố giác, có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho người tố giác đúng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính cần chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả cho sản phẩm của mình. Xây dựng hệ thống phân phối uy tín, minh bạch.
Những cánh đồng lúa chết, đất đai bạc màu, và những người nông dân trắng tay không chỉ là câu chuyện cá biệt mà là hiện thực đau lòng đang diễn ra ở nhiều nơi, minh chứng cho sự ngang nhiên tồn tại của vấn nạn phân bón giả. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội, vấn đề an ninh lương thực và vấn đề đạo đức.
Để bảo vệ người nông dân - trụ cột của nền nông nghiệp, để bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai quý giá, và để xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, bền vững, không thể tiếp tục để những “lỗ hổng” tồn tại và nới rộng thêm. Cần một sự thay đổi căn bản, một cuộc “lội ngược dòng” mạnh mẽ từ chính sách, cơ chế đến hành động thực thi. Cuộc chiến chống phân bón giả đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và chính những người nông dân. Chỉ khi đó, những cánh đồng mới thực sự hồi sinh, đất đai mới không còn “khóc”, và nụ cười mới trở lại trên gương mặt những người đã “một nắng hai sương” vì cuộc sống.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vu-67-tan-phan-bon-gia-nhan-hieu-lo-hong-nao-can-duoc-siet-chat-a318037.html