Kem chống nắng có chỉ số SPF ở mức 2,4% không đáp ứng tiêu chuẩn và bị coi là hàng giả

Theo tiêu chuẩn hiện nay, chỉ số SPF trong kem chống nắng phải đạt mức thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo đó kết quả kiểm nghiệm kem chống nắng chỉ là 2,4 thì sản phẩm kem chống nắng đó chính là hàng giả.

Kem chống nắng có chỉ số SPF không đạt tiêu chuẩn là hàng giả

Theo chuyên gia, hàng giả có thể là hàng hóa mà công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì...

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm vi phạm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group (quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai (Trảng Bom, Đồng Nai).

Theo đó, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, hộp 1 tuýp 100 gram. Lý do thu hồi là do chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng (SPF = 2,4). Kết luận này đã khiến cho nhiều người tiêu dùng thắc mắc sản phẩm kem chống nắng với chỉ số SPF ghi trên nhãn là 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ là 2,4 thì sản phẩm kem chống nắng đó có phải hàng giả hay không và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân liên quan sản phẩm này ra sao?

Trao đổi về vấn đề này TS Trần Thanh Thảo (Giảng viên Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020, một trong những trường hợp được xác định là hàng giả đó là hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng; công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Đối với sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body chỉ đạt chỉ số chống nắng (SPF) 2,4 tức ở mức 4,8% so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn sản phẩm. Cạnh đó, theo tiêu chuẩn hiện nay, chỉ số SPF trong kem chống nắng phải đạt mức thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ số SPF trong sản phẩm chỉ đạt mức 16% so với mức độ yêu cầu tối thiểu của sản phẩm kem chống nắng thông thường.

Dựa vào các căn cứ nêu trên, có thể xác định sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body đã bị thu hồi là hàng giả về công dụng, chất lượng, thuộc đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS.

kem-chong-nang-2-1747809094.jpg
Kem chống nắng có chỉ số chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký chính là hàng giả. Ảnh minh họa

ISO công bố tiêu chuẩn thử nghiệm hệ số chống nắng 

Mới đây, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) đã công bố hai phương pháp thử nghiệm hệ số chống nắng (SPF) thay thế các phương pháp cũ đang hiện hành.

Cụ thể, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công bố hai phương pháp mới để đo hệ số chống nắng (SPF) của các sản phẩm mỹ phẩm. Phương pháp đầu tiên là kiểm tra trong các ống thí nghiệm. Còn phương pháp thứ hai là phương pháp lai, cung cấp đánh giá quang học không xâm lấn về khả năng bảo vệ của kem chống nắng trên da người.

Khi các phương pháp này được công bố, ngành công nghiệp có thể sử dụng chúng như phương pháp thay thế cho phương pháp tiêu chuẩn là ISO 24444:2019 hiện tại. Được biết, Tiêu chuẩn ISO 24444: 2019, Mỹ phẩm - Phương pháp kiểm tra khả năng chống nắng - xác định hệ số bảo vệ chống nắng (SPF) trên cơ thể sống (con người), tiêu chuẩn cung cấp các phương pháp đánh giá cho các sản phẩm kem chống nắng bao gồm các khía cạnh: khả năng hấp thụ, phản xạ hoặc phân tán tia cực tím (UV) và chỉ số chống nắng trên cơ thể con người.

Tiêu chuẩn ISO 23675:2024 - Xác định hệ số chống nắng (SPF) trong ống nghiệm. Đây là phương pháp xác định SPF hoặc Double Plate Method (DPM) trong ống nghiệm đã được các thành viên chuyên gia của Cosmetics Europe tư vấn và phát triển. Phương pháp này không đo trực tiếp các chỉ số trên da người, thay vào đó được đo hoàn toàn trong ống nghiệm. Một ưu điểm của phương pháp này cho kết quả đáng tin cậy về các chỉ số chống nắng.

Tiêu chuẩn DPM áp dụng cho các sản phẩm kem chống nắng dạng nhũ tương hoặc dạng lỏng, không bao gồm dạng bột hoặc dạng thỏi rời hoặc nén hay còn gọi là thể rắn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là phương pháp này không áp dụng để xác định khả năng chống nước của sản phẩm chống nắng.

Phương pháp tiêu chuẩn thứ hai là Tiêu chuẩn ISO 23698:2024 - Đo hiệu quả của kem chống nắng bằng phương pháp quang phổ phản xạ khuếch tán. Phương pháp quang phổ phản xạ khuếch tán lai (HDRS) là một quá trình xác định chỉ số SPF, hệ số bảo vệ UVA và bước sóng bảo vệ quan trọng của các sản phẩm kem chống nắng mà không cần phản ứng sinh học trên da người.

Phương pháp này có thể áp dụng cho các sản phẩm dạng lỏng, nhưng chưa được đánh giá để sử dụng cho các sản phẩm kem chống nắng dạng bột. HDRS đưa ra các thông số kỹ thuật để xác định đặc tính hấp thụ quang phổ tuyệt đối của sản phẩm kem chống nắng trên da nhằm ước tính khả năng chống cháy nắng và tia UVA.

Đây được xem là hai phương pháp mới và tiên tiến nhất hiện nay, cho phép các doanh nghiệp sản xuất kem chống nắng có thể áp dụng để cho ra kết quả tốt nhất về chỉ số chống nắng mà các có thể áp dụng trong từng sản phẩm. Ngoài ra, các chuyên gia tham gia tư vấn tiêu chuẩn này cho biết, các nhà sản xuất cần ghi chú rõ ràng phương pháp áp dụng trên bao bì từng sản phẩm để đảm bảo tính minh bạch và tin cậy của người tiêu dùng.

Mục đích của việc kiểm nghiệm kem chống nắng

 

Có thể nói việc kiểm nghiệm kem chống nắng là một bước quan trọng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Chứng nhận kiểm nghiệm cho kem chống nắng đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả, bao gồm các chứng nhận từ cơ quan quản lý nhà nước, tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức độc lập, chuyên ngành và liên quan đến thành phần, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao uy tín thương hiệu.

Hiện nay một số tiêu chuẩn quốc tế đánh giá chỉ số kem chống nắng đảm bảo chất lượng bao gồm: ISO 24444: Tiêu chuẩn quốc tế về xác định chỉ số chống nắng SPF của các sản phẩm chống nắng; ISO 24442: Tiêu chuẩn quốc tế về xác định hiệu quả chống tia UVA của các sản phẩm chống nắng; ISO 24443: Tiêu chuẩn quốc tế về kiểm tra khả năng bảo vệ phổ rộng của sản phẩm chống nắng.

Theo đó các chỉ tiêu kiểm nghiệm bao gồm: Chỉ số chống nắng SPF (Sun Protection Factor): Đánh giá khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB. SPF càng cao thì khả năng chống nắng càng tốt; Chỉ số PA: Đánh giá khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA. PA được đánh giá bằng số lượng dấu cộng (PA+, PA++, PA+++, PA++++); Khả năng kháng nước: Kiểm tra hiệu quả chống nắng của sản phẩm khi tiếp xúc với nước; Độ an toàn cho da: Đảm bảo sản phẩm không gây kích ứng da, dị ứng hoặc các vấn đề da liễu khác; Thành phần hóa học: Kiểm tra các thành phần có trong sản phẩm để đảm bảo không chứa các chất cấm hoặc gây hại cho da; Độ an toàn cho mắt: Chứng nhận an toàn sử dụng cho các vùng da xung quanh mắt; Non-Comedogenic: Chứng nhận sản phẩm không gây tắc nghẽn lỗ chân lông, thích hợp cho da dầu và da dễ bị mụn.

Mục đích của việc kiểm nghiệm là giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được kiểm nghiệm và chứng nhận giúp tạo niềm tin với khách hàng. Tránh những vấn đề pháp lý và chi phí phát sinh do sản phẩm không đạt chất lượng. Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn giúp quá trình công bố chất lượng sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng hơn

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kem-chong-nang-co-chi-so-spf-o-muc-24-khong-dap-ung-tieu-chuan-va-bi-coi-la-hang-gia-a320674.html