Giá vàng hôm nay 12/5/2021: Vàng rơi khỏi đỉnh 3 tháng

Giá vàng hôm nay trên thị trường quốc tế rơi khá nhanh từ đỉnh 3 tháng do áp lực chốt lời đến từ các nhà đầu tư kỳ hạn ngắn.

Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch chiều ngày 11/5 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giảm nhẹ giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 11/5, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 55,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,35 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 55,88 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,88 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,28 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,88 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,26 triệu đồng/lượng (bán ra).

gia vang hom nay 1252021 vang roi khoi dinh 3 thang
Ảnh minh họa

Đêm ngày 11/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.824 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.822 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 11/5 cao hơn khoảng 19,9% (30 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 11/5.

Giá vàng trên thị trường quốc tế rơi khá nhanh từ đỉnh 3 tháng do áp lực chốt lời đến từ các nhà đầu tư kỳ hạn ngắn.

Giá vàng giảm bất chấp nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới điều chỉnh giảm, dẫn đầu bởi các cổ phiếu công nghệ và nỗi lo về vấn đề lạm phát khó lường trong một cảnh kinh tế hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử.

Vàng giảm giá trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phát ra những tín hiệu tích cực. Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng Tư đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2017 và cao hơn nhiều so với mức tăng 4,4% trong tháng Ba.

Giá cả leo thang bủa vây người Mỹ

Sau nhiều năm quen với lạm phát thấp, người Mỹ đang bắt đầu phải trả tiền nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ khi nền kinh tế phục hồi. Giá các mặt hàng tiêu dùng từ thịt đến nước rửa chén đã tăng hai con số so với một năm trước. Từ trang thiết bị thiết yếu đến các sản phẩm cũng đang trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí đang tăng lên ở từng khâu trong quá trình sản xuất nhiều loại hàng hóa đến vận tải tăng vọt, khiến nhiều người bắt đầu cảm nhận thấy sự căng thẳng.

Khi chi phí trong chuỗi cung ứng leo thang, nhiều công ty quyết định chính khách hàng sẽ phải chịu giá cả cao hơn. Kellogg, nhà sản xuất Frosted Flakes, Cheez-Its và Pringles, cho biết chi phí nguyên liệu, nhân công và vận chuyển cao hơn đang buộc họ và các nhà sản xuất thực phẩm khác phải tăng giá. "Chúng tôi chưa từng thấy kiểu lạm phát này trong nhiều năm", CEO Steve Cahillane cho biết.

Các nhà đầu tư và nhà kinh tế đang theo dõi liệu giá cao hơn có thúc đẩy các biện pháp kiểm soát lạm phát rộng hơn, vốn đã không cần dùng đến trong nhiều năm. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng tăng 2,6% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 8/2018.

Warren Buffett, CEO Berkshire Hathaway cho biết trong cuộc họp thường niên của tập đoàn vào ngày 1/5 rằng, nền kinh tế Mỹ đang trải qua một đợt tăng giá đáng kể. "Giá hàng hóa của chúng tôi đang tăng, mọi người cũng đang tăng giá với chúng tôi và điều đó đang được chấp nhận", ông Buffett nói, "Nền kinh tế đang thực sự rất nóng và chúng tôi không mong đợi điều đó".

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, cuối tháng 4 rằng, áp lực lạm phát là do các vấn đề có thể là tạm thời của chuỗi cung ứng và sẽ không thúc đẩy ngân hàng trung ương thay đổi các chính sách nhằm giảm chi phí đi vay.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gia-vang-hom-nay-1252021-vang-roi-khoi-dinh-3-thang-a33375.html