Nợ xấu là vấn đề tồn đọng nhiều năm của Sacombank

Nợ xấu và các khoản tài sản tồn đọng sau sáp nhập vẫn là những yếu tố kìm hãm đà tăng trưởng của Sacombank. Quý I/2021, lợi nhuận ngân hàng này đi ngang.

no xau la van de ton dong nhieu nam cua sacombank
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB)

Theo Báo cáo tài chính riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB), trong 3 tháng đầu năm, tổng huy động tăng nhẹ 0,7% trong khi tín dụng tăng 5%.

So với cùng kỳ năm 2020, thu nhập lãi thuần tăng 7,4%, tương ứng tăng 202 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng cũng có sự tăng nhẹ, đặc biệt hoạt động dịch vụ tăng 16%, đưa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng thêm 4,5% so với quý 1/2020, đạt 1.369 tỷ đồng.

Sacombank tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu do chính ngân hàng xây dựng sau sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank).

Theo đó, khoản trích lập dự phòng rủi ro hơn 464 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận trước thuế của Sacombank xuống còn 905 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ năm ngoái 1 tỷ đồng.

Kết thúc quý 1/2021, ngân hàng đã thu hồi, xử lý được 2.828 tỷ đồng dư nợ, góp phần kéo giảm tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ về 1,3%.

no xau la van de ton dong nhieu nam cua sacombank
Sacombank hiện đang xếp thứ 6 trong BXH các ngân hàng nhiều nợ xấu nhất sau quý I/2021

Thực tế, nợ xấu vẫn là vấn đề tồn đọng nhiều năm nay của Sacombank từ sau khi sáp nhập.

Mới đấy nhất, ngày 7/5, Sacombank đã tổ chức đấu giá 5 khoản nợ của các cá nhân và pháp nhân gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất Động Sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long, bà Liêng Thị Thảo, ông Liêng Thành Liêm và bà Đàm Kim Khụng.

Các khoản nợ này phát sinh từ năm 2011 đến 2013. Tính đến ngày 6/4, tổng nghĩa vụ của 5 khoản khoản nợ là hơn 2.402 tỷ đồng; trong đó, vốn là 930 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 1.472 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là là hơn 25,2 triệu cổ phần do CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco) phát hành.

Trong đó, có hơn 2,75 triệu cổ phần của ông Ngô Trí Dũng; 6,5 triệu cổ phần của ông Trần Ngọc Henri; 12,7 triệu cổ phần của CTCP Địa ốc Ngân Hiệp và hơn 3,3 triệu cổ phần của bà Đàm Kim Phụng.

Sacombank đặt mức giá khởi điểm là gần 2.394 tỷ đồng, gần bằng tổng nghĩa vụ của các khoản nợ trên.

Mặc dù, Sacombank đã thu hồi xử lý được gần 9.900 tỷ đồng từ các khoản lãi dự thu được khoanh theo Đề án, đến nay vẫn còn khoảng 12.000 tỷ đồng lãi dự thu. Sacombank dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ xử lý hoàn tất, chủ yếu là phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Riêng về khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản tại Khu Công nghiệp Phong Phú mà Sacombank tiếp nhận từ Southern Bank vẫn chưa được bán đấu giá thành công để xử lý nợ. Việc đấu giá tài sản này hiện đang bị tạm ngưng do vướng mắc các vấn đề pháp lý cần phải rà soát lại.

Những khoản nợ xấu để lại từ việc sáp nhập khiến chất lượng tài sản của Sacombank bị ảnh hưởng ít nhiều. Tài sản có khác, trong đó phần lớn là các khoản phải thu, lãi dự thu gần 35.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng tài sản của ngân hàng. Đây là phần tài sản không có khả năng sinh lời. Phần lớn trong đó thậm chí khó có khả năng thu hồi, buộc ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.

Đến nay, Sacombank vẫn còn hơn 27.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC.

Về mối quan hệ với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), đại diện của Sacombank cho biết, hiện nay ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank đã rời vai trò quản trị điều hành tại LienVietPostBank. Do đó, hai ngân hàng không có sự liên quan nào ngoài các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng.

 

 

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/no-xau-la-van-de-ton-dong-nhieu-nam-cua-sacombank-a33495.html