Vụ án tại Agribank Cần Thơ: Đến khi nào mới được giải quyết dứt điểm?

Sau gần 5 năm bị khởi tố vụ án để điều tra, tiền lãi của doanh nghiệp phải trả phát sinh lên đến gần 200 triệu đồng/ngày; đã 3 lần các cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi tội danh, 2 lần tổ chức phiên tòa sơ thẩm nhưng đều bị trả hồ sơ để làm rõ thêm hành vi phạm tội.

Bắt nguồn từ một vụ án dân sự ...

Ngày 02/01/2012, Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam do ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân làm Giám đốc có ký Hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD và các phụ lục với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Cần Thơ về khoản vay 258 tỷ đồng. Agribank Cần Thơ xét duyệt dự án Cty Tây Nam nằm trong chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tài sản thế chấp là tài sản riêng (siêu thị Citimart gần 3.000m2 đất và trên 6000m2 sàn trên đường Nguyễn Trãi, TP. Cần Thơ. Khoản vay trên được Công ty Tây Nam sử dụng vào việc xây dựng Cụm chế biến nông thủy sản Tây Nam có địa chỉ tại huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Quá trình thực hiện xây dựng dự án do vướng phải một số khó khăn khách quan (vướng túi bùn lớn dưới vị trí nhà máy xây dựng) nên toàn bộ phần xây dựng phải điều chỉnh lại thiết kế, do đó công trình bị chậm tiến độ hơn 1 năm. Vì vậy đến tháng 8/2014, giữa Agribank Chi nhánh Cần Thơ và Công ty Nông Thủy sản Tây Nam đã thỏa thuận chuyển toàn bộ khoản vay của Công ty Nông Thủy sản Tây Nam sang khoản vay thông thường (chuyển dự án Công ty Tây Nam ra khỏi diện được xét duyệt năm trong chương trình hỗ trợ theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg), khi nào hoàn thành xong dự án, Agribank Cần thơ sẽ tiếp tục xem xét, xét duyệt, và trình cơ quan chức năng để đưa dự án Công ty Tây Nam vào chương trình cho vay hỗ trợ giảm tốn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg.

Dự án Cụm chế biến nông thủy sản Tây Nam có tổng mức đầu tư là 689 tỷ, Công ty Tây Nam đầu tư 200 tỷ, Agribank Cần Thơ cam kết cho vay 289 tỷ (đã giải ngân 258 tỷ), Ngân hàng BIDV chi nhánh Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang (nay là Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Đô, TP. Cần Thơ) cam kết cho vay 200 tỷ. Tuy nhiên, do dự án tiếp tục bị kéo dài và ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế khu vực, Ngân hàng BIDV chi nhánh Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã không thực hiện được cam kết 3 bên, dẫn đến việc Công ty Tây Nam không thể cân đối được tài chính.

Về phía Công ty Tây Nam, ngày 02/11/2015, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã ký công văn số 211/CVTN/2015 gửi Agribank chi nhánh Cần Thơ đề nghị thanh lý Hợp đồng tín dụng. Công văn nêu rõ, do Công ty gặp những khó khăn khách quan, không tìm đủ nguồn tài chính cần thiết cũng như sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng để hoàn thành dự án nên đề nghị phía Ngân hàng thanh lý Hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD ngày 02/01/2012 và các phụ lục liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Công ty Tây Nam cũng gửi công văn tới Đảng ủy Khối doanh nghiệp, UBND tỉnh Hậu Giang và các ban, ngành liên quan thông báo tạm dừng dự án do gặp những khó khăn không thể khắc phục.

Trong quá trình đàm phán thanh lý Hợp đồng tín dụng, do không thương lượng được cách tính lãi suất, nên Công ty Tây Nam và Agribank chi nhánh Cần Thơ thống nhất đồng ý để Tòa án giải quyết. Sau đó Agribank chỉ nhánh Cần Thơ đã làm đơn khởi kiện Công ty Tây Nam ra TAND quận Ninh Kiều. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, ngày 15/01/2016, TAND quận Ninh Kiều đã ra Thông báo thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 10/2016/TLHS - KDTM. Nội dung thông báo nêu rõ: Nguyên đơn (Agribank chi nhánh Cần Thơ) yêu cầu bị đơn (Công ty Tây Nam) trả số tiền vay là 258 tỷ và lãi suất tạm tính đến ngày 10/12/2015 là 100 tỷ (làm tròn số - PV).

Ngày 02/02/2016, căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, TAND quận Ninh Kiều đã ra Thông báo về Phiên hòa giải số 34/TB-TA, gửi tới nguyên đơn và bị đơn trong vụ án kinh doanh thương mại. Thông báo nêu rõ, mời các đương sự có mặt tại Tòa để tiến hành hòa giải theo các nội dung: “Nguyên đơn (Agribank chi nhánh Cần Thơ) yêu cầu bị đơn (Công ty Tây Nam) trả số tiền vay là 258 tỷ và lãi suất tạm tính đến ngày 10/12/2015 là 100 tỷ, bị đơn phải chịu lãi suất phát sinh cho đến khi thanh toán xong nợ. Nếu bị đơn không thanh toán đủ, yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp để Ngân hàng thu hồi nợ”.

Đến khởi tố vụ án hình sự

Ngày 16/6/2016, ông, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam để tiến hành điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hành vi “Làm khống hồ sơ để lừa đảo chiếm đoạt tiền ưu đãi lãi suất của Nhà nước”.

Đến ngày 21/8/2017, Cơ quan điều tra chuyển đổi tội danh từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179 BLHS năm 1999. Ngày 02/5/2018, sau 8 ngày xét xử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank chi nhánh Cần Thơ, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định lại thiệt hại, thẩm định lại giá tài sản thế chấp và tài sản hình thành từ vốn vay tại thời điểm ngân hàng nhận thế chấp và các tài sản kê biên.

Ngày 01/7/2016, 14 ngày sau khi Cơ quan an ninh điều tra công an TP. Cần Thơ bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Việt Nam) đã có Công văn số 653/HĐTV-KHL đề nghị cơ quan pháp luật TP. Cần Thơ cho phép được phát mãi tài sản thu hồi nợ nhằm tránh bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Agribank.

Agribank chi nhánh Cần Thơ cũng có nhiều văn bản đề nghị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ giải tỏa kê biên tài sản với lý do việc kê biên tài sản này là không cần thiết vì các tài sản đã được ký giao dịch đảm bảo, không có tranh chấp theo tinh thần Nghị quyết số 42 nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại của Agribank Việt Nam nhưng không được chấp nhận.

Tính đến ngày 16/6/2016, ngân hàng xác định tổng dư nợ bao gồm cả gốc và lãi các khoản vay của Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long, khoản vay của Phan Duy Phương và Nguyễn Bửu Tâm là 683 tỷ đồng. Ngân hàng cũng xác định, đến ngày 18/2/2021, tổng dư nợ bao gồm cả gốc và lãi các khoản vay đã lên đến 999 tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền lãi phát sinh từ ngày 16/6/2016 cho đến ngày 18/2/2021 là 316 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày lãi phát sinh gần 200 triệu đồng, 67 tỷ/năm).

Như đã thông tin với bạn đọc trong các kỳ trước, trong đơn khiếu nại đề ngày 01/3/2021 gửi đến các cơ quan: Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao, Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính trung ương, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cho biết, ngày 19/02/2021 ông đến nhận tống đạt Bản kết luận điều tra bổ sung số 25/KLĐTBB theo giấy triệu tập số 09 ngày 18/02/2021 của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ đối với vụ án: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank chi nhánh Cần Thơ. Tuy nhiên, ông không đồng ý với Bản kết luận điều tra bổ sung này và cho rằng, ông không phạm tội. Đến ngày ngày 23/3 và 26/3, VKSND tối cao (Vụ 3 và Vụ 6) đã ban hành 2 văn bản yêu cầu VKSND TP. Cần Thơ báo cáo về giải quyết Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân liên quan đến vụ án tín dụng tại Agribank Cần Thơ gây thiệt hại hơn 304 tỉ đồng cho Nhà nước.

PV sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ án này với bạn đọc trong các kỳ sau!

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vu-an-tai-agribank-can-tho-den-khi-nao-moi-duoc-giai-quyet-dut-diem-a34126.html