Bối cảnh Covid-19 hiện nay khó có thể tránh được vấn đề nợ xấu của quốc gia và điều này tác động đến hệ thống ngân hàng |
Quý I rực rỡ
Thống kê báo cáo tài chính quý I/2021 của 19/27 ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch (chiếm 60% vốn hoá của ngành) cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 30,2%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Theo đó, trong quý I/2021, dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận thuộc về VietinBank với mức tăng 169,1% nhờ thu nhập lãi thuần tăng 26% (do chi phí huy động giảm 20%), thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 21% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 69%. Trong khi đó, lợi nhuận này chưa bao gồm khoản phí trả trước của hợp đồng bán bảo hiểm nhân thọ với Manulife khoảng 1.300 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác cải thiện biên lãi ròng (NIM) và tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ là Techcombank, giúp lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm 2021 tăng 76,8% so với năm cùng kỳ năm 2020.
Với Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành cho biết, quý I/2021, lợi nhuận tăng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.000 tỷ đồng.
Cải thiện NIM (do lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng), tăng thu từ hoạt động dịch vụ và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3 yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.
Cụ thể, tổng thu nhập lãi thuần trong quý I/2021 của 19 ngân hàng được thống kê tăng 30% so với cùng kỳ, với NIM quy ra năm ở mức 4,3% (cùng kỳ là 3,9%). Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 10,1% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 12% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia phân tích của FinnGroup cho rằng, Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 17/5/2021) với lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm và cho phép giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã giúp các ngân hàng không gặp áp lực về chi phí trích lập.
TS. Hà Huy Tuấn, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, nhân tố chính tác động tới sự gia tăng tỷ trọng thu nhập hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập của các ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây là các khoản thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán. Xu hướng này có thể thấy rõ ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với công ty bảo hiểm.
“Các thỏa thuận độc quyền này ngoài việc đem lại khoản phí trả trước lớn còn giúp các ngân hàng mở rộng nguồn thu dịch vụ từ phí hoa hồng bảo hiểm trong dài hạn. Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển cũng thúc đẩy các ngân hàng mở rộng dịch vụ như tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán”, TS. Hà Huy Tuấn nói.
Rủi ro dần tăng
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 trên thế giới và Việt Nam đang có diễn biến phức tạp, khó lường, được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát gia tăng trong quý II/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước diễn biến mới của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thận trọng hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cho biết: “Việt Nam không còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi lạm phát có khả năng tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2021 và dự báo ở mức 4% trong năm 2022. Bên cạnh đó, ADB quan ngại rủi ro trước mắt về bong bóng tài sản, ví dụ sự tăng giá của thị trường chứng khoán, giá cả bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng nhanh, cũng như tỷ lệ nợ xấu dự báo tăng. Theo đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam sau một loạt quyết định cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 không nhất thiết phải nới lỏng hơn nữa”.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ không được như kỳ vọng do đại dịch vẫn còn nặng nề. Các quốc gia khác bơm tiền trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, nên cho dù có đầu cơ bất động sản hay chứng khoán họ vẫn có tiền để dành và khi đại dịch đi qua sẽ có sức bật. Trong khi đó, gói cứu trợ của Việt Nam nhỏ, không tạo ra được nguồn lực tài chính tiềm năng trong khu vực doanh nghiệp và dân chúng, nên không tạo được sức bật về tiêu dùng và đầu tư như các nước khác trên thế giới”.
Các chuyên gia phân tích của FinnGroup cho rằng, trong nhóm ngân hàng, điểm cần lưu ý với 19/27 ngân hàng đó là tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2021 ở mức 1,4%, không đổi so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng nợ cần chú ý (SMLs) tăng 2 điểm phần trăm về tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ cho vay và tăng 20,8% về quy mô, trong đó, VPBank, VIB, VietinBank dẫn đầu về mức tăng tính theo giá trị tuyệt đối.
Theo ADB, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay khó có thể tránh được vấn đề nợ xấu của quốc gia và điều này tác động đến hệ thống ngân hàng. Hiện tại, chưa có thống kê đầy đủ về nợ xấu, vì hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang triển khai các gói hỗ trợ, hoãn, giãn nợ… cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bức tranh toàn cảnh nợ xấu sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Ông Andrew Jeffries nhìn nhận, tương lai của Việt Nam rất sáng, nhưng nợ xấu là một rủi ro khi đã bắt đầu tăng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chống chọi với đại dịch gần như đã “uống đến giọt nước cuối cùng”, cơ hội có đến cũng chỉ tận dụng được một phần. Trong khi đó, dòng vốn chảy không nhỏ vào thị trường bất động sản và chứng khoán, nếu hai thị trường này có diễn biến xấu, hoặc thanh khoản sụt giảm thì nguồn vốn sẽ bị “kẹt”.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức vừa phải, điều này ảnh hưởng đến khả năng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, do đó, nợ xấu sẽ là câu chuyện khó khăn cần chú ý”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/du-bao-som-loi-nhuan-quy-ii-cua-ngan-hang-a36403.html