Theo Quyết định số 1062/QĐ- BTC của Bộ Tài chính về việc thành lập Ban Quản lý Quỹ vaccine Covid-19, toàn bộ nguồn tiền ước tính cho quỹ này lên tới 25,2 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, ngoài một phần được lấy từ ngân sách thì phần còn lại là huy động từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Và, chỉ có 2 tài khoản duy nhất được tiếp nhận nguồn tiền này là Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Hai tài khoản trên tiếp nhận toàn bộ khoản tiền trong nước và một tài khoản tiếp nhận nguồn tiền từ nước ngoài cũng mở tại BIDV (Bank for investment and Development of Vietnam JSC).
Trả lời báo giới ngày hôm qua (28/5), ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết: Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.
Đây là yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vaccine tiêm kịp thời cho người dân.
Qua tìm hiểu sơ bộ của phóng viên VnEconomy, hiện có hàng loạt doanh nghiệp lớn công bố số tiền ủng hộ Chính phủ mua vaccine dưới hình thức tiền mặt, chuyển khoản cho bên bán hàng.
Tiêu biểu trong số này là các tập đoàn Vingroup, T&T, các ngân hàng thương mại MB, các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn. Thậm chí, một doanh nghiệp là ông chủ Khu Du lịch Đại Nam còn hiến 1.000 tỷ đồng dưới dạng sổ hồng để tỉnh Bình Dương đấu giá lấy tiền mua vaccine.
Trở lại với với vấn đề BIDV được lựa chọn mở tài khoản tiếp nhận Quỹ vaccine , đây thực sự là một món hời. Bởi trong tổng số kinh phí ước tính 25,2 nghìn tỷ đồng, ngoại trừ một phần là ngân sách thì nguồn đóng góp xã hội hoá từ trong, ngoài nước rất lớn.
Từ trước tới nay, 4 “ông lớn” ngân hàng do nhà nước chi phối vốn luôn được “hưởng lộc” nguồn tiền không kỳ hạn từ các tổ chức lớn như bảo hiểm xã hội, hệ thống kho bạc và các khoản tiền an sinh khác của Chính phủ do Bộ Tài chính quản lý.
Trong khi, mọi khoản đóng góp này đều chuyển qua hệ thống tài khoản ngân hàng như ông Võ Thành Hưng đã khẳng định: Quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nếu các doanh nghiệp muốn đóng góp vào quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Theo ông Hưng, Thủ tướng chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế trong thời gian liên quan đến việc mua vaccine .
Như vậy, các khoản ủng hộ mua vaccine từ trước đó cũng được nhập vào tài khoản mở tại BIDV.
Trong hệ thống tiền gửi ngân hàng, tiền gửi thanh toán không kỳ hạn được cho là miếng mồi béo bở mà ngân hàng nào cũng ao ước. Từ trước tới nay, 4 “ông lớn” ngân hàng do nhà nước chi phối vốn luôn được “hưởng lộc” nguồn tiền không kỳ hạn từ các tổ chức lớn như bảo hiểm xã hội, hệ thống kho bạc và các khoản tiền an sinh khác của Chính phủ do Bộ Tài chính quản lý.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bidv-kiem-bam-khi-tiep-nhan-hang-nghin-ty-dong-tu-quy-vaccine-a38833.html