Sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh, danh ca Lệ Thu đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 7 giờ, ngày 15 tháng 1 năm 2021 (theo giờ địa phương tại California, Mỹ, tức ngày 16 tháng 1 theo giờ Việt Nam).
Thông tin về sự ra đi của cô khiến công chúng vô cùng bàng hoàng và thương tiếc. Lệ Thu được biết đến là một đại danh ca huyền thoại của nền tân nhạc Việt Nam, được vô vàn người ái mộ.
Sự ra đời đặc biệt và số phận may mắn để trở thành một đại danh ca
Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Cô là con gái duy nhất trong một gia đình bình dân. Sự ra đời của danh ca Lệ Thu khá kỳ lạ. Trước cô có đến 7 anh chị em nhưng đều qua đời trước 7 tuổi, chỉ duy nhất mình cô còn sống khỏe mạnh.
Nhiều khán giả xem sự ra đời kỳ lạ này như một định mệnh để Lệ Thu trở thành một đại danh ca lớn. Sau này, chính Lệ Thu từng may mắn thoát chết trong một vụ nổ lớn tại phòng trà do Khánh Ly quản lý. Đây cũng là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời đi hát của cô. Cô kể:
Danh ca Lệ Thu qua đời tại Mỹ vì Covid-19
"Tối hôm đó, tôi đang sửa soạn chuẩn bị tới phòng trà đi hát thì chồng tôi kiếm chuyện gây sự với tôi. Tôi lấy làm lạ vì ông ấy xưa giờ sợ tôi lắm, giờ lại gây chuyện với tôi. Tôi đành ở nhà để nói cho xong chuyện với chồng.
Tôi đang nói chuyện với chồng thì một người bạn của mẹ tôi chạy vào nhà hô lên: "Chị ơi, con Thu nó chết rồi". Tôi chạy ra thì bà ấy cụt hứng. Hóa ra bà ấy biết phòng trà Khánh Ly quản lý bị nổ, tưởng tôi chết rồi nên vội chạy về nhà báo cho mẹ tôi biết.
Đến lúc ấy tôi mới hú hồn. Hóa ra nhờ chuyện gây lộn với ông chồng mà tôi thoát chết.
Nhưng ngay sau đó, tôi vẫn quyết lên xem phòng trà thế nào. Tôi đi taxi mà taxi chẳng hiểu sao nổ lốp, văng cả bánh xe ra, phải chuyển sang xe khác.
Đến phòng trà, tôi thấy máu văng tung tóe, chết đúng 13 mạng người...".
Và cũng chính vì là người con duy nhất trong gia đình còn sống nên Lệ Thu được bố mẹ nhất mực cưng chiều, không phải đụng chân đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Danh ca Khánh Ly từng kể:
"Thời đó, chúng tôi đi diễn bên châu Âu phải ở nhà của bầu show. Bầu show phải đi làm, chỉ tới giờ mới về để chuẩn bị cơm nước cho chúng tôi. Chúng tôi ngại quá, mới chia nhau ra để tự nấu nướng.
Chúng tôi làm cả ngày luôn. Cứ tối đến, chúng tôi lại lấy thịt, cá trong tủ lạnh ra nấu nướng rồi chia nhau, đứa rửa chén, đứa dọn bàn, đứa sắp bát đĩa, đứa thổi cơm, đứa nhặt rau. Một mình chị Lệ Thu ngồi trên phòng cách coi tivi, cười ha ha.
Tôi nghe thấy tiếng mới lên phòng khách bảo: "Chị xuống làm cơm đi! Bao nhiêu người ngồi dưới bếp, một mình chị trên này coi tivi".
Chị ấy thấy thế mới bảo tôi: "Mày thông cảm, tao là con một". Lần sau tôi lại nhắc tiếp thì chị ấy nói: "Mày thông cảm, tao đẻ thiếu tháng".
Nhờ sự cưng chiều này mà Lệ Thu trải qua một tuổi thơ thoải mái, không vướng bận cơm áo gạo tiền, có điều kiện để thả mình theo âm nhạc, thơ ca và lớn lên với một tâm hồn đầy chất nghệ thuật.
Con đường trở thành huyền thoại âm nhạc, với mức cát-xê cao ngất ngưởng
Lệ Thu di cư vào Sài Gòn năm 1953, theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers. Tại đây, cô được giáo dục và thừa hưởng một nền văn hóa Tây học hiện đại, văn minh.
Tài năng ca hát của Lệ Thu được phát hiện vào năm 16 tuổi, khi cô trình diễn ca khúc Dang dở tại phòng trà Bồng Lai. Ông chủ phòng trà vì quá bất ngờ trước giọng hát của cô nên đã mời ký hợp đồng. Kể từ đó, cô đi hát với nghệ danh Lệ Thu. Cô nói:
"Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu".
Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học. Nhưng một thời gian sau cô quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát. Quyết định này cũng không vấp phải sự phản đối nào từ gia đình.
Năm 1962, Lệ Thu rời phòng trà Bồng Lai tới hát cho vũ trường Tự Do (một trong những vũ trường lớn nhất tại Sài Gòn). Tại đây, cô trình diễn nhiều nhạc phẩm tiếng Anh, tiếng Pháp như: La Vie En Rose, A Certain Smile, La Mer, Love Is A Many Splendored Thing...
Chính việc hát nhạc ngoại đã giúp Lệ Thu tiếp thu những lối hát mới, hiện đại, súc tích hơn. Cũng thời gian đó Lệ Thu thành hôn với một người đàn ông tên Sơn, du học ở Pháp về.
Chỉ vài năm sau, Lệ Thu trở thành một ngôi sao sáng, tên tuổi ăn khách trên khắp các sân khấu phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội.
Trong những năm 1968 đến 1971, Lệ Thu được xem là nhân tố quan trọng để kéo khách đến những phòng trà, vũ trường lớn như Queen Bee, Tự Do, Ritz. Cô sở hữu mức cát-xê cao ngất ngưởng, đứng đầu giới ca sĩ thời bấy giờ. Lệ Thu từng chia sẻ:
"Cho đến hiện tại, tôi vẫn nhớ kỉ niệm về giao kèo với một bầu show. Ông ấy trả cho tôi hẳn một triệu đồng tiền cát-xê trong một tháng (tương đương gần 1 tỷ đồng ngày nay).
Ngày đó, lương công chức cao cấp là 32 ngàn, một lượng vàng chỉ khoảng một ngàn hay 500 đồng gì đó, tôi không nhớ rõ. Điều đó chứng tỏ mức cát-xê ấy là rất cao.
Tôi thấy mức tiền như vậy nên đồng ý nhận lời. Tiền cát-xê tôi được trả phải nhét vào bao bố mang về. Một triệu là số tiền quá nhiều".
Mức cát-xê đó giúp Lệ Thu có tiền mở hẳn một phòng trà riêng trên đường Lê Lai, điều mà ít ca sĩ cùng thời làm được.
Ngoài việc đi hát hàng đêm, Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.
Với danh tiếng và tầm ảnh hưởng lớn như vậy, Lệ Thu được xếp vào thế chân vạc bất tử trong âm nhạc. Cô là một trong ba đại danh ca huyền thoại của nền tân nhạc Việt Nam trước 1975, cùng danh ca Thái Thanh và danh ca Khánh Ly.
Khác với tiếng hát cao vút, trong trẻo của Thái Thanh hay chất ma mị, liêu trai của Khánh Ly, Lệ Thu nổi tiếng bởi chất giọng nữ trung dày, hơi khàn độc đáo cùng lối hát tự sự, truyền cảm.
Tiếng hát của cô được đóng đinh bởi những bản nhạc tiền chiến và tình ca lãng mạn của những nhạc sĩ lớn như Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lam Phương… Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thừa nhận, Lệ Thu là người thể hiện ca khúc Hạ trắng của ông hay nhất.
Thậm chí, cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn khi ấy còn mê mẩn tiếng hát Lệ Thu tới mức bơm tiền liên tục để cô hát tại phòng trà riêng của mình, dù không hề quen biết nhau.
Nữ danh ca sở hữu một sự nghiệp đồ sộ, với hàng trăm ca khúc thu âm, vô số bài hát bất hủ đi cùng năm tháng và trình diễn khắp mọi nơi từ trong ra ngoài nước. Cô được xem là con gà đẻ trứng vàng cho các hãng băng đĩa và cái tên bảo chứng cho các phòng vé, với lượng khán giả yêu thích đông đảo.
Danh tiếng của Lệ Thu lớn tới mức, người ta nói rằng cô chỉ cúi đầu trước Thái Thanh và đến Khánh Ly cũng thừa nhận thời mới đi hát phải kính cẩn chào Lệ Thu. Ngay từ trước 1975, Lệ Thu đã được các hãng thu, đài truyền hình nước ngoài mời tới hát.
Lệ Thu cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng nền âm nhạc hải ngoại từ những năm 80. Sau khi sang Mỹ, cô cùng Khánh Ly thu âm những băng đĩa đầu tiên để bán cho cộng đồng khán giả Việt tại hải ngoại nghe.
Cô cũng tổ chức nhiều show diễn khác nhau, lưu diễn liên tục từ Mỹ sang châu Âu, Úc để phục vụ kiều bào. Đến khi những trung tâm ca nhạc lớn tại hải ngoại mở ra, cô chính là một trong những ca sĩ đầu tiên góp mặt.
Sau này, dù tuổi đã cao, nhưng cô vẫn giữ được giọng hát truyền cảm, đi hát liên tục khắp trong và ngoài nước, được nhiều khán giả yêu thích.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/danh-ca-le-thu-vua-qua-doi-so-phan-dac-biet-cat-xe-cao-ngat-nguong-chi-cui-dau-truoc-mot-nguoi-a3923.html