Liên quan đến việc PV Môi trường và Đô thị Việt Nam “nghi” bị ông Hà Văn Thượng, giám đốc Công ty TNHH Thượng Huế, đồng thời là chủ cây xăng không phép Thượng Huế ở xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có hành vi đe doạ lấy tính mạng của PV. Nguy hiểm hơn, đối tượng này còn lộng ngôn tuyên bố “khiển” được cả dàn lãnh đạo Công an TP Thái Bình.
Để có góc nhìn đa chiều, khách quan vụ việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật.
PV: Trong mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin “nghi” giám đốc Công ty TNHH Thượng Huế ở Thái Bình sử dụng điện thoại đe doạ PV khi viết bài phản ánh về sai phạm của cây xăng thuộc công ty này. Luật sư có quan điểm, đánh giá thế nào về vụ việc trên?
LS: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn như thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội…
Do đó, nếu các nhà báo, phóng viên phát hiện các tiêu cực trong các lĩnh vực đời sống xã hội thì phải có nghĩa vụ dùng ngòi bút của mình phản ánh đến bạn đọc. Cho dù có như thế nào thì việc các đối tượng đe dọa giết người, lợi dụng danh nghĩa các lãnh đạo để hù dọa nhà báo, phóng viên là hành vi trái pháp luật phải xử lý nghiêm.
PV: Đây là vụ việc đe dọa giết người rất nghiêm trọng đối với PV, và có biểu hiện cản trở báo chí tác nghiệp. Xin Luật sư phân tích cụ thể hành vi vi phạm này trên cơ sở quy định của luật pháp?
LS: Căn cứ theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì phạm tội đe dọa giết người.
Trong đó, hành vi “đe dọa” trên có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như qua lời nói trực tiếp, viết thư, gọi điện… hoặc bằng các cử chỉ, hành động như đi tìm công cụ, phương tiện đe dọa giết người dẫn đến tâm lý bất an, lo sợ cho người bị đe dọa. Hậu quả của hành vi đe dọa giết người là sự lo sợ rằng việc bị giết có thể xảy ra nhưng chưa xảy ra trên thực tế.
PV: Việc đối tượng trên tuyên bố mình có mối quan hệ mật thiết đến mức “khiển” được cả lãnh đạo Công an TP Thái Bình, đồng thời đối tượng sử dụng tên tuổi, hình ảnh lãnh đạo ngành công an để uy hiếp PV. Vậy có cần xác minh làm rõ có hay không mối quan hệ này?
LS: Theo tôi, các cơ quan chức năng cần điều tra có hay không có việc tiếp tay của những người này cho các việc vi phạm pháp luật xảy ra tại địa phương mà các đối tượng đã nêu. Nếu không có thì cần phải điều tra xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cá nhân, tổ chức để xâm phạm hoạt động báo chí, đe doạ giết người của các đối tượng này.
PV: Để thượng tôn pháp luật, đảm bảo an toàn tính mạng PV và ổn định an ninh trật tự tại địa phương, thì các cơ quan chức năng liên quan tỉnh Thái Bình cần có hành động cụ thể nào?
LS: Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội đe doạ giết người. Nếu thấy đủ dấu hiệu cấu thành tội trên thì cần phải khởi tố vụ án để điều tra theo quy định pháp luật.
Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này!
Theo đó, người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người khác bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Đối với 02 người trở lên; + Lợi dụng chức vụ quyền hạn; + Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; + Đối với người dưới 16 tuổi; + Để che dấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác. |
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/luat-su-kien-nghi-khoi-to-vu-doa-che-pv-lam-doi-a4050.html