1001 chuyện rắc rối mua đất làm nhà vườn: Mua rồi mới thấu!

Mua đất chỉ có giấy viết tay, chủ đất sẵn sàng hủy cọc, lật kèo không bán nữa, hoặc mảnh đất không chuyển đổi sang thổ cư được… hay việc dựng nhà trên mảnh đất ở nơi xa xôi khá phức tạp mà chỉ người trong cuộc mới thấu.

Mua đất chỉ có giấy viết tay, chủ đất sẵn sàng hủy cọc, lật kèo không bán nữa, hoặc mảnh đất không chuyển đổi sang thổ cư được… hay việc dựng nhà trên mảnh đất ở nơi xa xôi khá phức tạp mà chỉ người trong cuộc mới thấu.

Chuyện mua mảnh đất 5.000m2 ở (Lâm Đồng) của anh Thanh Tùng (TP Hồ Chí Minh) không ‘xuôi chèo mát mái” ngay từ lúc đầu tiên đặt cọc.

Khi tìm hiểu mảnh đất này, anh Tùng cho hay, đất chưa có sổ đỏ nhưng vì anh đã "kết" nó nên quyết định đặt cọc cho chủ đất số tiền 100 triệu đồng và sẽ tìm hiểu lo chuyện làm sổ sau. Nhưng bất ngờ là sau khi thỏa thuận gần như xong hết thì chủ đất bỗng dưng quay sang hủy cọc, không bán nữa.

“Họ đòi tôi phải trả thêm 50 triệu đồng nữa mới bán, tôi bực quá gửi đơn tranh chấp ra chính quyền xã, một mặt cũng tìm đủ cách để đòi lại được số tiền đặt cọc của chủ đất. Cuối cùng, chủ đất xuống nước và xin thêm 20 triệu đồng nữa nên tôi đành chấp nhận cho xong”, anh Tùng kể.

 1001 chuyện rắc rối mua đất làm nhà vườn: Mua rồi mới thấu! - Ảnh 1.
 

Mua đất làm nhà vườn sinh thái ở các khu vực vùng ven có rất nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” mà chỉ những người trong cuộc trải qua mới thấu.

Chưa hết, xong chuyện mua bán, anh Tùng lại gặp trục trặc khi xin phép chuyển lên đất thổ cư để xây nhà. Mảnh đất là đất trồng cây lâu năm, chỉ được xây nhà tạm chứ không được xây kiên cố.

Sau hơn 3 năm mua mảnh đất này đến nay, anh Tùng cho biết, mỗi năm anh phải mất thêm một khoản thuê người dân địa phương trồng cây, chăn nuôi để lấy thực phẩm sạch chứ cũng không có nhiều thời gian chăm sóc vườn.

“Nghĩ lại thấy "một tiền gà, ba tiền thóc" nhưng nếu bỏ hoang thì phí, mà bỏ công sức tự làm thì không thể. Không biết tôi có thể giữ vườn được bao lâu nữa”, anh Tùng nói.

Còn chị Thu Hương ở Hà Nội có một khoản tiền nhàn rỗi, lại đam mê cảnh sông hồ, đồi núi, khí hậu mát mẻ ở khu vực Tây Nguyên nên đã quyết định mua một mảnh đất ở đây để có thể làm khu nhà vườn sinh thái.

Sau một thời gian tìm kiếm, chị Hương đã gặp được một môi giới rất nhiệt tình dẫn đi xem đất, nhưng cuối cùng chị Hương đã quá buồn khi mua đúng miếng đất không có giấy tờ ở Đắk Nông.

Vì vị trí quá đẹp, lại được người môi giới khẳng định toàn bộ khu vực đều chưa có sổ nên tạm thời mua bán bằng giấy tờ viết tay. Thêm vào đó, chủ đất cũng cam kết sẽ trích lục giấy tờ để làm sổ đỏ nên chị Hương đã quyết định mua mảnh đất rộng gần 1,8 ha nhìn ra hồ với giá hơn 600 triệu đồng.

“Tôi chủ quan khi mua bằng giấy viết tay nên khi xong xuôi, tôi mới đo đạc lại để làm hàng rào thì bất ngờ với thực tế mảnh đất chỉ có 1,5ha. Lúc này, cả chủ đất và môi giới đều không nhận trách nhiệm. Tôi thì bất lực vì giao dịch toàn bằng giấy viết tay không có chính quyền làm chứng.

Khi quyết định mua đất, tôi đã bị cảm xúc lấn át, cứ thấy vị trí hướng đất đẹp và giá phù hợp nên chốt luôn, giờ nghĩ lại thấy hơi liều và đã bị trả giá với mảnh đất thiếu diện tích”, chị Hương chia sẻ.

Khác với anh Tùng, chị Hương, chị Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) lại đau đầu chuyện thuê nhà thầu xây nhà trên mảnh đất mua ở Đà Lạt.

Theo chị Phong Lan, nếu như thợ ở TP Hồ Chí Minh tranh thủ làm sớm cho khỏi nắng thì thợ ở Đà Lạt lại làm đúng giờ như người nhà nước, sáng 8h mới làm, chiều 4h đã nghỉ. Cả ngày chỉ làm việc chừng 6 tiếng, ấy là còn chưa kể nghỉ giải lao ăn uống lót dạ món gì đó.

Chị Lan còn bực mình hơn khi những người thợ ở đây có thể tạm nghỉ vài ngày bất cứ lúc nào để giải quyết việc riêng và chỉ cần thông báo một câu cho chủ nhà.

“Thời gian xây nhà bị kéo dài, chưa kể chi phí phát sinh khá khủng khiếp. Vì thế, tôi rút ra một điều khi thuê thợ xây nhà ở đây là nếu trả lương công nhật thì phải yêu cầu rõ thời gian làm việc, thời gian trả lương. Nếu nhận khoán thì chỉ ứng tiền theo đúng tiến độ công việc”, chị Lan cho hay.

Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp trục trặc khi mua đất làm nhà vườn, anh Nguyễn Long mua đất ở Ba Vì (Hà Nội) lại hết lòng khen ngợi khi có những người hàng xóm tốt bụng.

“Nếu như ở nhà phố, nhà ai biết nhà nấy, “cửa đóng then cài” cả ngày thì ở nhà vườn hàng xóm rất thân thiện.

Ngày nào cũng có người cho món nọ, món kia. Thậm chí cô hàng xóm nấu bát canh cá ngon cũng bưng sang cho. Rồi có hôm có chị hàng xóm cho túi bánh tự làm không gặp lại treo ở cửa… Ấm lòng vô cùng”, anh Long kể.

Đúng là chuyện mua đất làm nhà vườn sinh thái ở các khu vực vùng ven rất nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” mà chỉ những người trong cuộc trải qua mới thấu…

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/1001-chuyen-rac-roi-mua-dat-lam-nha-vuon-mua-roi-moi-thau-a4173.html