Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo Thông tư 03 sửa đổi, ngân hàng thương mại được giữ nguyên nhóm nợ và cơ cấu để DN được tiếp tục vay (có hiệu lực ngày 17/5/2021). Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch và không vượt quá 12 tháng.
Tuy nhiên, chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: Các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021; khách hàng không có khả năng trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô.
Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại. “Có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng”, vị này kể.
Từng xử lý nợ xấu của VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng (nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN) chỉ ra: Với đợt COVID lần thứ tư bùng phát, DN thực sự khó khăn và liên quan đến giữ nguyên nhóm nợ, cho vay tiếp, chúng tôi nhận thấy các ngân hàng cũng đang cố gắng hỗ trợ. “Tuy nhiên, ngân hàng sẽ phải phân loại kỹ dự án, khoản vay, tránh có thể bị lợi dụng tranh thủ “quy” hết về đổ lỗi cho COVID. Với tình hình hiện tại, dự báo, nợ xấu nhiều ngân hàng tăng dù đã trích lập”, ông Hùng nói.
Làm sao để hạn chế tình cảnh ngân hàng siết nợ đẩy doanh nghiệp vào khó khăn? Theo ông Hùng, ngân hàng cũng là DN, trung gian đứng ra huy động vốn rồi cho vay lại nên nếu có vấn đề gì về khoản vay, họ cũng phải chịu trách nhiệm.
DN không trả được nợ, nợ xấu ngân hàng ắt dềnh lên. “Câu chuyện đợt bão COVID lần này đã đến hồi phải chuyển lên “tầng cao” hơn. Muốn hỗ trợ cộng đồng DN, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, với gói hỗ trợ khoản vay hay lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh”, ông Hùng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngan-hang-va-noi-lo-no-xau-phinh-to-a41826.html