|
Ngày 19/1 trở thành phiên giao dịch đáng nhớ nhất từ khi tham gia thị trường chứng khoán của hàng trăm nghìn nhà đầu tư cá nhân mới (F0). VN-Index có thời điểm mất 75 điểm và cuối cùng đóng cửa với mức giảm 61 điểm (-5,1%).
Tính theo mức tuyệt đối, đây là phiên giảm điểm kỷ lục lịch sử của chứng khoán Việt Nam sau hơn 20 năm ra đời.
Lần gần nhất thị trường chứng khoán trải qua cú sốc tương tự là vào ngày 9/3/2020 khi VN-Index mất 56 điểm. Đó là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại Việt Nam với hàng loạt ca bệnh mới nhập cảnh từ châu Âu. Sau đó, VN-Index rớt xuống đáy 659 điểm vào cuối tháng 3/2020 trước khi tăng liên tục trở lại gần 1.200 điểm. Cũng từ đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân lập kỷ lục sau từng tháng.
Nhưng lần này, chứng khoán lao dốc dù không có thông tin tiêu cực đặc biệt nào xuất hiện.
Yếu tố tâm lý
Giám đốc cấp cao của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam Trương Hiền Phương đánh giá một phần nguyên nhân phiên giảm sâu 19/1 từ chủ đích của những nhà đầu tư lớn. Nhóm này chốt lời sau thời gian thu lợi nhuận.
“Động thái bán bất chấp của nhà đầu tư lớn đã tác động lên tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ cũng đặt lệnh bán để bảo vệ thành quả và chọn hướng an toàn vì thời gian qua cũng đã có lợi nhuận từ chứng khoán”, ông Phương chia sẻ.
Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho biết không quá bất ngờ khi thị trường giảm mạnh. Theo ông, những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm đều đã dự báo thị trường chứng khoán sẽ trải qua đợt điều chỉnh sau giai đoạn liên tục tăng.
Ông Hùng nhắc lại trong các phiên trước, khi VN-Index chạm ngưỡng 1.200 điểm, thị trường đều chịu lực bán mạnh. Với tâm lý lo ngại khi thị trường không vượt mốc 1.200 điểm, đa số nhà đầu tư có kinh nghiệm bán bớt cổ phiếu để quản trị rủi ro. Nhiều nhà đầu tư mới vì tâm lý đám đông nên cũng bán ra để chốt lời.
Một loạt cổ phiếu giảm sàn trong rổ VN30 phiên 19/1. Ảnh: SSI. |
Ông cũng nhấn mạnh giá nhiều cổ phiếu thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao, đi quá xa so với tốc độ tăng trưởng, giá trị thật của doanh nghiệp. “Chứng khoán có thể đi trước kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhưng chỉ ở mức độ nào đó, không thể quá xa nên hành động chốt lời là bắt buộc”, ông Hùng chia sẻ với Zing.
Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) Nguyễn Thế Minh phân tích thêm mặt bằng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán đang khá cao so với quý III/2020. Điều này một phần kéo căng dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, phiên đáo hạn hợp đồng tương lai trong tuần này có thể sẽ tạo ra biến động lớn lên các cổ phiếu trong rổ VN30.
Tác động khi hệ thống nghẽn lệnh
Như nhiều phiên giao dịch trước, nhà đầu tư lại gặp phải tình trạng khó khớp lệnh trên sàn HoSE trong phiên chiều. Thanh khoản khớp lệnh tại HoSE phiên 19/1 gần 18.000 tỷ đồng nhưng thực tế có thể còn cao hơn nhiều nếu hệ thống giao dịch không quá tải.
Ông Minh cho biết trong phiên 19/1, khi áp lực bán trên thị trường đổ dồn ngay trong buổi sáng, hiện tượng nghẽn lệnh bắt đầu xuất hiện từ 10h30. Việc lệnh vào chậm dẫn đến giá khớp trên bảng điện biến động liên tục. Do đó, nhà đầu tư có thể hoang mang không biết bán giá nào.
“Họ tìm cách bán để làm sao khớp lệnh là được, dùng lệnh ưu tiên khớp (MP) do không thấy giá khớp lệnh. Nhà đầu tư cá nhân dùng nhiều lệnh MP, nhắm mắt bán để khớp được, dẫn đến việc bán tháo”, ông Minh nói với Zing.
Thêm vào đó, việc khó khớp lệnh trong phiên chiều diễn ra liên tục khiến nhiều nhà đầu tư tranh thủ bán ra ngay trong phiên sáng.
Ông Minh phân tích khi thanh khoản trên thị trường vẫn tốt, lực cầu có thể dễ dàng hấp thụ lượng cổ phiếu bị bán ra và vì vậy khó xảy ra hiện tượng bán tháo nếu không có thông tin xấu. Nhưng hiện tượng khó khớp lệnh khi thanh khoản tăng cao khiến nhà đầu tư không mua được cổ phiếu. Do đó, xu hướng thị trường trong phiên 19/1 có độ nhiễu.
Thanh khoản thị trường tiếp tục đi ngang trong phiên chiều khi hiện tượng khó khớp lệnh tiếp diễn. Ảnh: VNDS. |
Cơ hội cho nhà đầu tư kiên nhẫn
Ông Phương cho rằng sau giai đoạn giá cổ phiếu tăng cao thời gian dài, nhiều nhà đầu tư nắm giữ không dám bán ra, nếu bán phải mua lại ở vùng giá cao hơn. Nhà đầu tư mới lại e ngại mua vào.
Do đó, thị trường cần sự điều chỉnh như phiên 19/1 để tái cân bằng, trở về vùng giá hợp lý hơn. “Nhà đầu tư chấp nhận mức lời thời gian qua bán ra còn người mới có cơ hội đầu tư tiếp vào những cổ phiếu tiềm năng. Các công ty chứng khoán cũng có lượng tiền để hỗ trợ giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư mới”, ông Phương chia sẻ với Zing.
Giám đốc cấp cao của KIS nhấn mạnh về mặt kỹ thuật, việc thị trường điều chỉnh sau thời gian tăng là bình thường và phiên 19/1 mang tính ngắn hạn, chưa hàm chứa nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Do đó, ông Phương khuyến nghị nhà đầu tư không cần phải quá lo ngại, bán tháo để mất đi những khoản lợi nhuận đáng tiếc.
Về dài hạn, chứng khoán vẫn được hưởng lợi nhờ sự phục hồi chung của toàn nền kinh tế và các doanh nghiệp cũng có kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2020, hứa hẹn tăng trưởng trong năm 2021. Thêm vào đó, định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực.
P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn hơn một số nước trong khu vực. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ông Hùng cũng đồng quan điểm chứng khoán sẽ còn đi lên trong trung và dài hạn với nền kinh tế đang tăng trưởng tốt như Việt Nam. Tuy nhiên, ông lưu ý những phiên giảm sâu có thể tạo tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư mới.
Theo ông, sau phiên 19/1, nhà đầu tư mới tham gia thị trường sẽ thận trọng hơn trong giai đoạn sắp tới và có thể quay về lựa chọn các doanh nghiệp có giá trị cốt lõi. Nhiều nhà đầu tư mới cần những phiên giảm sâu để hiểu hơn về thị trường và tránh được suy nghĩ có thể dễ dàng kiếm tiền chỉ sau vài phiên thắng.
Song song đó, giám đốc của VDSC nói thêm phiên giảm mạnh cũng mở ra cơ hội mua cho nhà đầu tư kiên nhẫn chờ giá cổ phiếu giảm thời gian qua. “Chứng khoán tăng giai đoạn vừa qua vì lãi suất rẻ. Do đó, khi lãi suất còn rẻ, thị trường vẫn còn cơ hội”, ông Hùng chia sẻ quan điểm với Zing.
Với góc nhìn thận trọng, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam (MBKE) Phan Dũng Khánh đánh giá phiên điều chỉnh 19/1 có tính chất tiêu cực nhiều hơn. Theo ông, việc điều chỉnh là cần thiết nhưng thị trường giảm từ từ sẽ tốt hơn giảm sốc trong một phiên.
Ông Khánh nhận định nếu vùng hỗ trợ quan trọng 1.120-1.130 điểm bị xuyên thủng trong những phiên tới, thị trường sẽ còn tiếp tục đi xuống. Ngược lại, nếu giữ vững vùng này, chứng khoán sẽ hồi phục.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-hoi-nao-cho-nha-dau-tu-sau-ngay-chung-khoan-giam-ky-luc-a4304.html