Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, dự án đường trục kinh tế Bắc – Nam đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương tại Văn bản số 209/TTg-CN ngày 05/02/2008; được UBND tỉnh Hà Tây cũ chấp thuận Hồ sơ đề xuất tại Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 27/3/2008 và điều chỉnh chấp thuận Hồ sơ đề xuất tại Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 24/6/2008.
Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 17/BKH-GCNĐTTN ngày 04/7/2008. Theo hợp đồng BT số 03/HĐBT ngày 01/7/2008, dự án có tổng giá trị khoảng 7.328 tỷ đồng, tiến độ 60 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Theo quy hoạch, dự án trục kinh tế Bắc – Nam có quy mô 63,32 km, chạy song song giữa vành đai 4 và 5, đường gom mỗi bên rộng 54 m, với 6 làn xe. Riêng đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ có quy mô 20km và rộng 42m. Dự án được kỳ vọng là tuyến đường hiện đại nhất Thủ đô, khi hoàn thiện sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phía Tây Hà Nội.
Để triển khai dự án này, Nam Cường được giao 2 dự án làm đối ứng là Dự án Khu đô thị Quốc Oai và Khu đô thị Chương Mỹ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được giao hai khu đô thị khác là Khu đô thị Thạch Thất và Khu đô thị Thạch Phúc theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, cuối năm 2013, UBND Thành phố Hà Nội thông báo dừng triển khai dự án này. Thời điểm đó, Tập đoàn Nam Cường tỏ ra khá bất ngờ với quyết định này của UBND TP Hà Nội.
Ngày 28/3/2014, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo, liên quan đến việc dừng triển khai dự án này. Cụ thể, UBND TP Hà Nội chấp thuận dừng triển khai thực hiện Dự án đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây cũ theo nguyên trạng khối lượng đã thực hiện.
Sau khi hoàn thành việc thanh lý hợp đồng BT, giao Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận nguyên trạng khối lượng đã thực hiện của Dự án BT trên hiện trường từ nhà đầu tư và giao Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nghiên cứu lập dự án đầu tư cho đoạn tuyến 6,2 km đã giải phóng mặt bằng, thi công dở dang trên địa bàn huyện Phúc Thọ với quy mô hợp lý, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Sở Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành công tác bàn giao, thanh lý chấm dứt hợp đồng BT nêu trên và triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm hoàn thành đoạn tuyến 6,2 km đã giải phóng mặt bằng, thi công dở dang trên địa bàn huyện Phúc Thọ nêu trên.
Dự án dừng, doanh nghiệp cũng trả lại cho thành phố dự án Khu đô thị Thạch Thất quy mô hàng nghìn ha. Doanh nghiệp cho biết, dự án không còn phù hợp với quy hoạch mới của Thủ đô, vì khu vực này được xác định là Vành đai Xanh của Hà Nội và vị trí của Khu đô thị Thạch Thất không dành để phát triển đô thị.
Nam Cường "phất lên" nhờ làm dự án BT
Nhắc đến BT, có lẽ cái tên được nghĩ đến đầu tiên là Tập đoàn Nam Cường, doanh nghiệp được mệnh danh là “ông trùm” BT với hàng loạt dự án BT “đình đám”. Cũng chính nhờ tham gia vào các dự án BT, Nam Cường được sở hữu quỹ đất “khổng lồ” và không ngừng lớn mạnh nhờ vào quỹ đất này.
Năm 2008, Nam Cường xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT có chiều dài 5,1km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, đổi lại, doanh nghiệp được Hà Nội giao khu đất có diện tích gần 200ha để phát triển khu đô thị Dương Nội. Nếu tính với giá thành này, thì Nam Cường chỉ phải trả khoảng 300.000 đồng để đổi lấy một m2 "đất vàng".
Một năm sau đó, Nam Cường đã liên danh với Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cùng đầu tư dự án đường Lê Văn Lương kéo dài cũng theo hợp đồng BT (chiều dài 2,7km), tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng năm 2010. Trong mối hợp tác đầu tư này, Nam Cường có thêm quỹ đất 46,1ha (tại quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, Hà Nội) để phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang.
Tuy nhiên, dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài từng dính lùm xùm về “đội vốn” đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng, vượt gấp 43% tổng mức đầu tư ban đầu. Nhẩm tính, chi phí xây dựng mỗi km đường này lên tới 200 tỷ đồng, tương đương hơn 12 triệu USD/km đường, được cho là rất đắt đỏ ở thời điểm năm 2008
Như vậy, trải qua gần 2 thập kỷ tham gia các dự án BT, Tập đoàn Nam Cường đã sở hữu khối tài sản khổng lồ với quỹ đất khủng. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nam Cường đạt hơn 7.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 5.045 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang nắm trong tay quỹ đất “đáng mơ ước” tại các vị trí đắc địa.
Nổi bật là Khu đô thị mới Dương Nội nằm trong chuỗi các đô thị thuộc dự án trục đô thị phía Bắc Hà Đông với chiều dài 5,7km, mặt cắt ngang 40m đi qua khu đô thị mới Phùng khoang, Dương Nội, cắt đường Lê Trọng Tấn nối với đường vành đai 4.
Khu đô thị này có diện tích 5,6ha, được Nam Cường rót vốn khoảng 7.600 tỷ đồng vào dự án với mục tiêu xây dựng nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao tầng, công viên, bệnh viện, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại, hồ điều hòa…, đặc biệt được phân các khu khác nhau.
Khu đô thị mới Cổ Nhuế là dự án nằm ở phía Tây TP. Hà Nội, với tổng diện tích 17,6ha. Dự án gồm khối văn phòng cho thuê, hơn 50 biệt thự và 3 khối nhà chung cư cao tầng với 680 căn hộ cao cấp diện tích từ 90- 250m2.
Khu đô thị mới Phùng Khoang nằm ngay nút giao ngã tư Tố Hữu - Lê Văn Lương quy hoạch chi tiết khoảng 46ha. Dự án được giới thiệu là tổ hợp các công trình hỗn hợp gồm văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở, phục vụ cho dân cư khu vực và thành phố.
Ngoài ra, Nam Cường còn triển khai nhiều dự án khu nhà ở, đô thị với tổng mức đầu tư lớn như các dự án khu đô thị, nhà ở tại Phúc Thọ 156,5ha; Chương Mỹ 1.000ha; Ứng Hòa 849ha; Thanh Oai 7ha; Mỹ Đức 953ha và Phú Xuyên 681ha….
Dù sở hữu quỹ đất “khổng lồ” và công bố quy hoạch các dự án “hoành tráng”, tuy nhiên trong những năm qua, nhiều dự án không được Nam Cường triển khai đúng tiền độ, nhiều dự án dở dang, “đắp chiếu”, thậm chí có những dự án chậm tiến độ hàng chục năm. Có thể kể đến như: Khu đô thị Dương Nội, khu đô thị Chương Mỹ, khu đô thị Cổ Nhuế…
Tại một số dự án, doanh nghiệp đã cắt dần những phần nhỏ để bán cho các nhà đầu tư thứ cấp. Một số khu đất đã được Tập đoàn Nam Cường chuyển nhượng cho đơn vị khác như 3 tòa cao ốc H, J, K của khu chung cư cao cấp The Sparks (thuộc KĐT Dương Nội) giờ thuộc về CENInvest làm chủ đầu tư.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai trở thành chủ đầu tư triển khai 3 tòa tháp cao 25 tầng mang tên Xuân Mai Spark Tower…
Cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã đưa dự án khu đô thị Dương Nội và Handico vào kế hoạch kiểm toán để làm rõ các vấn đề đầu tư, tài chính. Đến nay, kết quả của 2 cuộc kiểm toán này vẫn chưa được công bố rộng rãi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mot-sieu-du-an-bt-nghin-ty-cua-tap-doan-nam-cuong-bi-dung-trien-khai-a44151.html