Theo thống kê của VietnamFinance, trong giai đoạn 2016-2021, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Chí Cường (Công ty Chí Cường) dưới vai trò độc lập hoặc liên danh đã trúng hàng chục gói thầu xây dựng từ chính quyền Hà Nội. Ước tính tổng giá trị lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng không nhỏ cả về số lượng lẫn "chất lượng" trong đó là các gói thầu đến từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, thuộc UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Điểm qua danh mục trúng thầu của Công ty Chí Cường thông qua các kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu có thể thấy doanh nghiệp này đã tham gia tối thiểu 20 gói thầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng mời thầu, đặc biệt doanh nghiệp chưa trượt thầu bất kể lần nào.
Thêm một điểm "bất thường", đó là không chỉ "bách chiến bách thắng", Công ty Chí Cường còn thường xuyên trở thành nhà thầu thực hiện của gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm cực kì thấp, rất sát với giá gói được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đưa ra.
Đơn cử ngày 4/6 vừa qua, Công ty Chí Cường đã trúng gói thầu số 7 - chi phí thi công xây lắp công trình trường tiểu học Chuyên Mỹ, theo Quyết định số 99/QĐ-BQLDA được ký bởi Giám đốc Nguyễn Quang Khải. Tại thương vụ này, Công ty Chí Cường trúng thầu với giá 38,9 tỷ đồng, thấp hơn giá gói khoảng 40 triệu đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 0,1%.
Kịch bản này từng xảy ra tại gói thầu số 6 - thi công xây lắp và hạng mục chung, thuộc dự án cải tạo, chỉnh trang đoạn đường Quốc lộ 1A (đoạn Km207+250 - Km208) và hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện Phú Xuyên.
Theo Quyết định số 5227/QĐ-UBND ngày 25/12/2019 do Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công ký ban hành, Công ty Chí Cường đã trở thành nhà thầu thực hiện với giá trúng thầu hơn 47 tỷ đồng, chỉ giảm giá hơn 33 triệu đồng cho nguồn kinh phí đầu tư. Tỷ lệ lúc này tiết kiệm vẻn vẹn 0,07%.
Chưa dừng lại ở đó, còn rất nhiều các gói thầu có chung những đặc điểm "bất thường" này trong mối quan hệ giữa Công ty Chí Cường (nhà thầu) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, UBND huyện Phú Xuyên (bên mời thầu).
Có thể kể đến gói thầu số 4 - thi công xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Nhuệ (từ bờ hữu cầu Đồng Quan đến cầu Tân Dân và bờ tả từ cầu Tân Dân đến cầu cống Thần) thuộc huyện Phú Xuyên (cuối năm 2019) với giá trúng thầu 44,6 tỷ đồng, giảm giá hơn 30 triệu đồng.
Hay như gói thầu số 6 - chi phí thi công xây lắp và chi phí hạng mục chung, nằm trong dự án trường THCS Tri Thủy với giá trúng thầu hơn 33 tỷ đồng, thấp hơn 13 triệu đồng so với giá gói thầu...
Mối quan hệ giữa Công ty Chí Cường và UBND huyện Phú Xuyên những năm qua là một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Ngoài sự "thân thiết" đến lạ thường giữa nhà thầu - đơn vị mời thầu, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu sử dụng vốn ngân sách tại UBND huyện Phú Xuyên đang cho thấy sự kém hiệu quả.
Bởi lẽ UBND huyện Phú Xuyên không chỉ cần lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao mà còn có trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Việc tiết kiệm nguồn vốn vừa tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách mà còn để tránh phát sinh tiêu cực, tránh xảy ra hoạt động móc nối giữa nhà thầu và đơn vị mời thầu, qua đó gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng...
Một điểm đáng lưu tâm, dù cho thắng lớn ở các thương vụ đấu thầu và đem về nguồn thu không hề nhỏ mỗi năm, thế nhưng Công ty Chí Cường lại có kết quả kinh doanh rất ảm đạm.
Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu trung bình hàng năm của Công ty Chí Cường dao động trong khoảng trên dưới 120 - 150 tỷ đồng. Cá biệt năm vừa qua, bất chấp sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, doanh số mang về lại tăng gấp đôi, vượt ngưỡng 300 tỷ đồng.
Điều này khá đặc biệt trong bối cảnh ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, đến cả các doanh nghiệp hàng đầu đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Coteccons, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội... đều vấp phải sự sụt giảm mạnh về doanh số, hợp đồng kí mới. Còn đối với Công ty Chí Cường, năm 2020 lại là khoảng thời gian doanh nghiệp trúng thầu mạnh mẽ nhất, với số lượng tối thiểu 11 gói thầu, tổng giá trị ước tính gần 800 tỷ đồng.
Trong đó giá thành cao nhất là gói thầu số 10 - thi công xây dựng công trình thuộc dự án đường liên khu vực I (đoạn từ Đức Thượng đến Song Phương), huyện Hoài Đức (Hà Nội) giá trúng hơn 356,2 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách 0,13%. Liên danh thực hiện là Công ty Chí Cường, Công ty Cổ phần Nhân Bình và Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư và Xây dựng Hồng Hà.
Theo sau đó là gói thầu số 2 - thi công xây dựng và cung cấp thiết bị, đảm bảo an toàn giao thông, thuộc dự án chỉnh trang, cải tạo nâng cấp tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi đoạn từ thị trấn Chúc Sơn đến đường Hồ Chí Minh của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Công ty Chí Cường trúng với vai trò độc lập, giá trúng 108,6 tỷ đồng, thấp hơn 0,5% so với giá gói.
Tuy nhiên như một nét đặc trưng, cho dù doanh thu cả trăm tỷ mỗi năm, Công ty Chí Cường vẫn duy trì khoản lợi nhuận sau thuế cực kì nhỏ giọt. Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp báo lãi sau thuế lần lượt là 152 triệu đồng, 204 triệu đồng, 170,7 triệu đồng, 141,3 triệu đồng và 466 triệu đồng.
Như vậy tỷ suất sinh lời trên doanh thu của Công ty Chí Cường chỉ đạt trên 0,1%, tức thu về 1.000 đồng mới có lãi 1 đồng. Đây là hệ số lợi nhuận rất thấp.
Với hiệu quả kinh doanh èo uột như vậy, doanh nghiệp mỗi năm chỉ phải chi ra khoảng vài chục triệu đồng cho khoản thu thuế thu nhập nhà nước. Cần nhấn mạnh rằng, nguồn thu của Công ty Chí Cường chủ yếu từ chính ngân sách nhà nước.
Hơn nữa với vốn điều lệ lên đến 496 tỷ đồng, giới chủ của Công ty Chí Cường phải đầu tư đến 10.000 đồng mới lãi về vài đồng, hiệu suất thấp hơn cả trăm lần so với lãi suất tiền gửi. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chiếm dụng nguồn vốn ngoài với hơn 400 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2020), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,8 lần.
Về các thông tin liên quan, theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Chí Cường được thành lập vào ngày 28/11/2008. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 496 tỷ đồng, hiện trụ sở chính đặt ở Lô B13, khu đấu giá Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.
Doanh nghiệp được sáng lập bởi ông Ngô Chí Cường (sinh năm 1984), bà Mai Thị Hường (1983) và ông Ngô Xuân Bính (1964). Đến nay, ông Bính đã thoái toàn bộ vốn, ông Cường và bà Hường vẫn sở hữu lớn nhất với 70% và 20% vốn điều lệ. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc doanh nghiệp là ông Cường.
Ngoài Công ty Chí Cường, ông Cường từng sở hữu cổ phần không nhỏ tại một nhà thầu "quen mặt" khác của Hà Nội, đó là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng An Bình (Công ty An Bình) của chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Lai (1976).
Đáng chú ý, hồi cuối năm 2019, Công ty Chí Cường và Công ty An Bình đã từng "chạm trán" nhau tại gói thầu số 2 - thi công xây dựng công trình trường mầm non Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Quyết định số 859/TB-BQL ký bởi Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu đã lựa chọn Công ty Chí Cường với giá trúng 18,9 tỷ đồng, tiết kiệm 1,1% cho ngân sách.
Còn Công ty An Bình đã bị loại do không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm theo hồ sơ mời thầu. Với tư cách là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhưng bị loại với lý do "sơ đẳng", không loại trừ dấu hiệu "quân đỏ quân xanh", Công ty An Bình trở thành đối thủ chỉ để làm nền cho Công ty Chí Cường tại gói thầu này.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nghich-ly-cong-ty-chi-cuong-trung-thau-sat-gia-hang-tram-ty-nop-thue-thu-nhap-chuc-trieu-dong-a44424.html