Nghi án thông đồng dìm giá khu đất ngàn tỷ tại Côn Đảo: Bài 1 - Hàng loạt dấu hiệu vi phạm ngay từ khâu chuẩn bị đấu giá

Chỉ ít ngày sau khi cuộc đấu giá khu đất gần 8ha tại khu An Hội - An Hải (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra, UBND Bà Rịa - Vũng Tàu đã 3 lần có văn bản chỉ đạo các Sở ngành và Công an tỉnh rà soát kiểm tra nghi vấn thông đồng dìm giá trong cuộc đấu giá này.

Khu đất 8ha có vị trí đẹp nhất nhì Côn Đảo.Khu đất 8ha có vị trí đẹp nhất nhì Côn Đảo.

Mới đây, ngày 2/6/2021, trong văn bản số 483/CSKT, Đại tá Nguyễn Huy Cương, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an (CA) tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, khẳng định sự việc này vẫn đang được CA tỉnh xác minh.

Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, vì không chỉ khu đất 8ha có ý nghĩa đặc biệt, mà hướng xử lý sự việc này sẽ là tiền đề quan trọng cho xử lý sai phạm đấu giá đất.

Khu đất địa thế đẹp nhất nhì Côn Đảo

Được thế giới mệnh danh “thiên đường thiên nhiên”, “hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh”, Côn Đảo còn có một đặc trưng nhiều rừng núi, rất ít khu đất bằng phẳng.

Một mặt giáp trục đường chính của Côn Đảo (tuyến đường Bến Đầm từ bến tàu Bến Đầm vào thị trấn Côn Đảo), một mặt giáp mặt biển, khu đất được đánh giá địa thế “trời cho”, cả Côn Đảo không còn khu nào rộng hơn.

Tỉnh BR-VT đã thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBND ra sao?

Ngày 30/5/2016, UBND BR-VT đã có Chỉ thị 11/CT-UBND tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động bán ĐGTS trên địa bàn tỉnh; khẳng định “hoạt động đấu giá tại tỉnh vẫn phát sinh nhiều hạn chế như ý thức chấp hành pháp luật về bán ĐGTS chưa cao nên vẫn nảy sinh những tiêu cực làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Chỉ thị này đã được thực hiện ra sao, mà ngay từ khâu chuẩn bị trong cuộc đấu giá này đã có nhiều “sạn” như vậy?

Bãi biển giáp khu đất cũng đẹp nhất nhì hòn đảo với cát trắng, nước trong xanh không quá sâu, sóng yên bình, có tầm nhìn ra các đảo nhỏ… Từ khu đất, di chuyển tới các khu du lịch và di tích lịch sử như nghĩa trang Hàng Dương (nơi có phần mộ Liệt sỹ Võ Thị Sáu), nhà tù Côn Đảo, vườn Quốc gia Côn Đảo, Miếu Bà Phi Yến… chỉ vài phút.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, chủ một khách sạn tại Côn Đảo, ước tính theo giá thị trường, khu đất có giá tới ngàn tỷ, khoảng 120-150 triệu/1m2.

Xưa nay, dư luận BR-VT, đặc biệt giới doanh nhân doanh nghiệp đều biết khu đất đã được tỉnh “chấp thuận chủ trương đầu tư” cho một DN có tiếng chuyên thực hiện các dự án làm “dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng An Hải – Côn Đảo”.

Ngày 6/3/2019, ông Nguyễn Thành Long (khi đó là Phó Chủ tịch tỉnh) ký Quyết định (QĐ) 487/QĐ-UBND thu hồi khu đất để lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Ngày 15/3/2019, tỉnh ra QĐ 609/QĐ-UBND, ban hành kế hoạch đấu giá QSDĐ năm 2019, trong đó có khu đất trên, mục đích “tăng cường công tác giao, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá đúng pháp luật, đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả, gia tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước”.

Ngày 3/5/2019, tỉnh ra QĐ 1065/QĐ-UBND đấu giá khu đất. Theo đó, đây là khu đất thương mại dịch vụ, thời hạn sử dụng 50 năm, được xây 3 khu resort mật độ xây dựng 30- 40%. Tỉnh giao khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (TTPTQĐ) tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá; lập phương án trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm.

Ngày 22/11/2019, UBND tỉnh có QĐ 3181/QĐ-UBND phê duyệt phương án giá đất khởi điểm 537,129 tỷ (trung bình 6,7 triệu đồng/m2).

Nghi án thông đồng dìm giá khu đất ngàn tỷ tại Côn Đảo: Bài 1 - Hàng loạt dấu hiệu vi phạm ngay từ khâu chuẩn bị đấu giá ảnh 1

Trụ sở Tân Hiệp Phát tại Bình Dương.

Cty “sơ sinh” bất ngờ được chỉ định đấu giá

Hàng loạt bất thường xảy ra từ đây.

Thứ nhất, trong QĐ 1065/QĐ-UBND, tỉnh yêu cầu TTPTQĐ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá, nhưng ngày 27/11/2019, TTPTQĐ lại chỉ định thầu để Cty Đấu giá Hợp danh tỉnh BR-VT (Cty BR-VT) tiến hành tổ chức đấu giá.

Ths. LS Nguyễn Đức Hùng (Cty Luật TNHH TGS, Đoàn LS Hà Nội) nhận xét: “Việc lựa chọn tổ chức đấu giá để thực hiện cuộc đấu giá QSDĐ phải thực hiện theo Điều 56 Luật Đấu giá Tài sản (ĐGTS), Điều 10 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP. Theo đó, phương thức lựa chọn đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá phải tuân theo phương án đấu giá QSDĐ đã được phê duyệt”.

Thứ hai, chỉ một ngày sau (28/11/2019), có đồng thời 4 động thái diễn ra. 1.TTPTQĐ có Công văn 948/ TTPTQĐ-ĐTĐ đề nghị ký Hợp đồng bán đấu giá khu đất. 2.TTPTQĐ ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 01/HĐ-DVĐG với Cty BR-VT. 3.Cty BR-VT ra Quy chế đấu giá tài sản số 06/QC-CT dài 10 trang giấy. 4.Cty BR-VT ra thông báo bán đấu giá tài sản.

LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM), nhận xét: “Nếu không có sự phối hợp bắt tay chuẩn bị từ trước, phải có “tài thánh” hai bên mới hoàn tất được 4 công việc trên trong cùng một ngày”.

Thứ ba, Cty BR-VT (địa chỉ đường Ba Cu, phường 4, TP Vũng Tàu) cũng vừa được cấp giấy đăng ký hoạt động trước đó chỉ 3 tuần (ngày 7/11/2019). Cty này có duy nhất một đấu giá viên (đồng thời là GĐ Cty) là ông Đoàn Huy Văn, SN 2/10/1959. Thời điểm đó, ông Văn vừa nghỉ hưu sau quãng thời gian làm Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh.

Thứ tư, theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản (dgts.moj.gov.vn), tại Cty BR-VT, ông Văn có “ngày bắt đầu công tác 08/05/2020”, sau thời điểm diễn ra cuộc đấu giá gần nửa năm.

LS Hùng nhận xét: “Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS quy định một trong các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá là “năng lực, kinh nghiệm và uy tín”. Cty BR-VT mới thành lập 20 ngày đã được chỉ định, là không đáp ứng được điều kiện trên, đặc biệt khi đấu giá khối tài sản công có giá trị rất lớn”.

Thứ năm, để tránh thông đồng dìm giá, quy chế các cuộc đấu giá quy định “1 tổ chức chỉ được 1 cá nhân tham gia đấu giá”. Nhưng trong Quy chế ĐGTS 06/QC-CT do Cty BR-VT ban hành, lại ghi “1 tổ chức chỉ được 1 đơn vị tham gia đấu giá”.

LS Trâm đánh giá: “Dùng từ ngữ như vậy, nguy cơ hợp thức hóa cho tình trạng “quân xanh quân đỏ”, “tay trái đấu với tay phải”...”.

Thứ sáu, theo Khoản 1 Điều 5 Luật ĐGTS, “bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề...”. LS Trâm cho rằng: “Nghĩa là cuộc đấu giá phải áp dụng bước giá ngay từ vòng đầu tiên”.

Trong cuộc đấu giá này, bước giá được quy định mỗi lần trả giá lên là 15 tỷ đồng. Thế nhưng, bước giá lại chỉ được áp dụng từ “lần (vòng) trả giá thứ 2 trở đi”. Như vậy, có thể chưa vào đến vòng “bước giá”, người đấu giá có thể chỉ trả cao thêm 1000 đồng so với giá khởi điểm là đã... trúng đấu giá. “Kịch bản” này sau đó đã xảy ra.

Nghi án thông đồng dìm giá khu đất ngàn tỷ tại Côn Đảo: Bài 1 - Hàng loạt dấu hiệu vi phạm ngay từ khâu chuẩn bị đấu giá ảnh 2

Người phụ nữ “ngàn tỷ” Võ Thị Khánh Chi có mối quan hệ gì với ông Trần Quí Thanh?

Người phụ nữ “ngàn tỷ” Võ Thị Khánh Chi

Sau những bất thường nêu trên, ngày 20/12/2019, tại trụ sở Sở TN&MT, vẫn diễn ra cuộc thẩm định hồ sơ tham dự đấu giá.

Nhớ lại thời điểm này, trả lời PLVN, nhiều DN tại BR-VT cho biết: “Không rõ khâu thông báo, niêm yết đấu giá thực hiện ra sao, mà thông tin truyền tai cũng không có. Hơn nữa trước đó ai cũng nghĩ khu đất đã được cấp chủ trương đầu tư cho một DN tại Vũng Tàu, đã lập, trình duyệt Quy hoạch 1/500, dự kiến triển khai đầu tư; nên không ai biết chuyện khu đất bị thu hồi mang bán đấu giá”.

Nghi vấn này là có cơ sở, khi PV đã tới tận UBND huyện Côn Đảo để hỏi khâu niêm yết đấu giá được thực hiện ra sao (Côn Đảo không có xã – NV), nhưng cơ quan này từ chối trả lời.

Theo biên bản thẩm định, từ 29/11-19/12/2019, chỉ có 2 hồ sơ đăng ký đấu giá nộp tại Cty BR-VT: Bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, người đại diện Cty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát, con gái ông Trần Quí Thanh); và bà Võ Thị Khánh Chi (SN 1985, HKTT 19/8 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, TP HCM).

Để chứng minh “năng lực tài chính”, bà Bích có giấy xác nhận tài khoản có 260,12 tỷ và bản “cam kết cấp tín dụng” 1050 tỷ; bà Chi có giấy xác nhận tài khoản có 245 tỷ và bản “cam kết cho vay” 990 tỷ đồng.

Nghi án thông đồng dìm giá khu đất ngàn tỷ tại Côn Đảo: Bài 1 - Hàng loạt dấu hiệu vi phạm ngay từ khâu chuẩn bị đấu giá ảnh 3

Biên bản thẩm tra sơ sài về năng lực tài chính bà Bích, bà Chi.

Lưu ý, 4 bản xác nhận cam kết này đều cùng do Ngân hàng Thương mại CP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) chi nhánh Sài Gòn cấp cùng ngày 18/12/2019. Hai bản “Cam kết cấp tín dụng” và “Cam kết cho vay” cấp liền nhau (vào sổ văn bản cam kết cấp tín dụng số 766 và 767).

Theo Quy chế cuộc đấu giá này, người tham gia đấu giá phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án ít nhất là 20% tổng mức đầu tư; có giấy xác nhận bảo đảm của ngân hàng cho vay 80% còn lại để thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư.

LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM), giải thích: “Xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm và cam kết cấp tín dụng mà không có tài sản kèm theo, hoặc không bị phong tỏa thì không có giá trị chứng minh năng lực tài chính”.

“Với “cam kết cấp tín dụng” mà không kèm theo tài sản bảo đảm, chỉ là một lời hứa suông. “Cam kết cấp tín dụng” chỉ là từ ngữ nôm na mà một số ngân hàng tự nghĩ ra. Không có quy định pháp luật nào buộc ngân hàng phải thực hiện cam kết cấp tín dụng, cam kết cho vay”.

“Trong trường hợp trên, Cty đấu giá và tỉnh BR-VT lẽ ra phải liên hệ PVComBank làm rõ. Nếu không kiểm tra lại là chưa làm tròn trách nhiệm”, LS Tuấn nói.

Thế nhưng bỏ qua các bất thường này, Hội đồng thẩm định vẫn kết luận hai hồ sơ “đủ điều kiện”.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

“Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người”

Hiện tại, nhiều người dân Côn Đảo vẫn chưa biết khu đất 8ha đã được người đại diện Tân Hiệp Phát “đấu giá trúng”, dự án sẽ thế nào.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, người dân sống lâu năm tại địa phương, nói: “Đất Côn Đảo là đất tâm linh, không phải muốn làm gì thì làm. Người Côn Đảo có câu truyền miệng “Nước Côn Lôn pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”. Ai hợp duyên có tâm thì làm được, còn thất đức, nhẫn tâm thì đừng mơ”.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nghi-an-thong-dong-dim-gia-khu-dat-ngan-ty-tai-con-dao-bai-1-hang-loat-dau-hieu-vi-pham-ngay-tu-khau-chuan-bi-dau-gia-a45358.html