Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Trong đó, 2 dự án BT liên quan đến Lã Vọng.
Trong danh sách 82 dự án bị dừng triển khai, có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), chưa ký hợp đồng là dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển 7,5 km và dự án cải tạo, nâng cấp QL6 Ba La - Xuân Mai 21,6 km. Có 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện BCNCKT bao gồm: Dự án đường 70, đoạn từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long - Hà Đông (4,77 km); dự án Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32 và nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường 70B thôn Tự Khoát đến đường liên thôn thuộc thôn Phương Nhị và đường nối từ đường gom phía Tây đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với quốc lộ 1A; dự án xây dựng 3 tuyến đường: đường Đa Tốn đi đường Hà Nội – Hải Phòng; đường từ KĐT Ecopark đi đường 179 và đường 179 từ đường Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải,... Ngoài ra, trong danh sách 82 dự án phải dừng triển khai, danh mục các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư chiếm số lượng nhiều nhất, tới 69 dự án. |
Đầu tiên là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai. Lịch sử dự án này bắt đầu từ năm 2012 khi UBND Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 3859 ngày 23/5.
Tuy nhiên, do khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, ngày 2/12/2013, UBND thành phố đã có Thông báo số 166 về việc dừng triển khai dự án Ba La – Xuân Mai theo hình thức hợp đồng BT.
Do đây là tuyến đường huyết mạch, của ngõ phía tây vào Thủ đô, lại đang xuống cấp trầm trọng nên Hà Nội đã từng đề xuất phương án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để thực hiện dự án.
Ảnh minh họa |
Tháng 9/2016, thành phố lại tiếp tục đề xuất với Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cho thực hiện đoạn tuyến từ Xuân Mai - Chúc Sơn (15,78km) theo hình thức BOT, giao cho nhà đầu tư BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cả Bộ GTVT lẫn nhà đầu tư đều từ chối.
Sau nhiều trúc trắc, đến ngày 24/6/2017, UBND Hà Nội đã có Báo cáo số 177 kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Ba La – Xuân Mai. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng.
Tại dự án này, nhà đầu tư được chọn là liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và 2 đối tác tư nhân Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới – Công ty Đại An. Liên danh này đã thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Louis Group để thực hiện dự án.
Được biết, dự án BT Ba La – Xuân Mai có tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 8.800 tỷ đồng với mục tiêu là cải tạo, nâng cấp 20,9 km quốc lộ 6 đoạn từ Ba La – Xuân Mai (từ 4 – 6 làn xe). Như vậy, tính ra, số tiền chỉ để cải tạo nâng cấp cho mỗi km đường là 421 tỷ đồng!
Nếu thực hiện được dự án này, Louis Group sẽ được nhận 41 ô đất với tổng diện tích khoảng 441,26 ha trên địa bàn các quận/huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh.
Tuy vậy hồi tháng 6/2018, tại báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND Hà Nội phê duyệt, quy mô đầu tư dự án được giảm xuống còn khoảng 8.713 tỷ đồng.
Hệ quả là Louis Group sẽ được tạo điều kiện khai thác 39 ô đất với tổng diện tích khoảng 343,54 ha. Còn việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án BT Ba La – Xuân Mai bất ngờ được đổi sang hình thức đấu thầu.
Trong một diễn biến liên quan khác, mới đây, Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 quốc gia dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 6 đoạn Ba La –Xuân Mai. Như vậy, có thể nói hàng trăm ha đất đã gần như tuột khỏi tay Lã Vọng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ha-noi-dung-trien-khai-82-du-an-bt-bai-1-du-an-ba-la-xuan-mai-lien-quan-tap-doan-la-vong-a45816.html